Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ 'cướp xuyên không'

Đây lần thứ hai bản án sơ thẩm của TAND huyện Phụng Hiệp bị hủy án để điều tra lại vì còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ.

Clip: Tòa tuyên hủy toàn bản án sơ thẩm vụ Huỳnh Hữu Nhơn

Sau thời gian nghị án kéo dài, ngày 10-6, TAND tỉnh Hậu Giang đã tuyên hủy toàn bản án sơ thẩm vụ Huỳnh Hữu Nhơn (ngụ thị trấn Rạch Gòi, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) kêu oan bị cáo buộc phạm tội cướp.

Người làm chứng không biết lời khai ở cơ quan điều tra

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Phụng Hiệp cáo buộc chiều 17-4-2016, Nhơn đã cùng với Trần Văn Rồi thực hiện cướp tài sản của anh Ngân ở thị trấn Rạch Goìi và tuyên phạt Nhơn bốn năm tù tội cướp tài sản. Đồng thời ra lệnh bắt tạm giam Nhơn ngay tại tòa.

Tại tòa phúc thẩm Nhơn có kháng cáo kêu oan cho rằng, ngày 17-4-2016 Nhơn đang chở mía thuê ở U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang không thể tham gia cướp với Rồi.

Huỳnh Hữu Nhơn nghe tòa tuyên án.

Huỳnh Hữu Nhơn nghe tòa tuyên án.

Bị hại Ngân trình bày vào 16 giờ ngày 17-4-2016, bị Rồi và một thanh niên đến cướp tài sản. Rồi khai tại tòa phúc thẩm có quen biết Ngân, thời điểm cướp Rồi khai không đội nón bảo hiểm không mang khẩu trang nhưng tại biên bản sự việc Ngân trình bày bị hai đối tượng lạ mặt cướp tài sản. Như vậy lời khai bị hại Ngân có mâu thuẫn với nhau.

Mặc khác lời khai bị hại Ngân cho rằng 16 giờ bị cướp khoảng 10 phút sau bị hại thấy có ba người chạy xe qua, rồi về đại lý vé số sau đó mới đi báo công an nhưng biên bản sự việc lập 16 giờ 10 phút là chưa khách quan, có mâu thuẫn.

Ngoài ra, Ngân khai rất chi tiết về đặc điểm nhận dạng thanh niên cướp tài sản với Rồi, trong đó có chi tiết trên tay trái có xâm hình con bọ cạp màu đen. Đến phiên tòa sơ thẩm (lần 2) thì khai hình xăm giống con bọ cạp. Rồi khai thời gian cướp rất nhanh chỉ khoảng một phút nhưng bị hại lại nhớ rõ những đặc điểm nhận dạng như thế, điều này cơ quan điều tra chưa làm rõ.

Rồi (đứng) và bị hại Ngân (áo trắng, ngồi) tại tòa sơ thẩm.

Hơn nữa, trong phiên tòa phúc thẩm Rồi lại khai hình xăm hoa văn. Quá trình điều tra cơ quan điều tra cũng không lập biên bản chụp ảnh về dấu vết của Nhơn để làm căn cứ chứng minh lời khai của bị hại và người làm chứng có khách quan không.

Cấp sơ thẩm sử dụng chứng cứ là biên bản nhận dạng, bị hại và người làm chứng nhận dạng ban đêm, sử dụng ảnh trắng đen là không khách quan, điều này đã được phiên tòa phúc thẩm lần 1 đưa ra nhưng chưa được khắc phục.

Tại tòa phúc thẩm, Rồi khai trên đường đi cướp có gặp bà Mai, ông Dõng và ông Sơn; sau khi cướp xong gặp ông Tôn. Ông Dõng khai chỉ biết Rồi chứ không nhìn thấy Rồi đứng cạnh chùa, việc có lời khai trong cơ quan điều tra là ông không biết. Còn ông Sơn trình bày có gặp Rồi chạy một mình nhưng không nhớ ngày tháng, hôm sau thì nghe Rồi bị bắt vì đi cướp.

Lời khai ông Sơn trái ngược với cơ quan điều tra là gặp Rồi chở một thanh niên phía sau. Tại tòa ông Sơn không biết lời khai tại cơ quan điều tra, ông không đọc lại biên bản mà chỉ ký tên. Ông Sơn còn khai công an xã có mời ông và giữ giấy tờ xe, bằng lái xe khi làm việc xong mới trả lạ.

Người làm chứng Sơn nói không biết lời khai ở cơ quan điều tra từ đâu ra.

Bà Mai thì khai có gặp hai thanh niên đứng nói chuyện cạnh chùa, cơ quan điều tra đưa ảnh cho xem thì bà Mai nhận ra Rồi, còn thanh niên đứng nói chuyện với Rồi, chỉ thấy sau lưng, không thấy mặt chỉ thấy giống giống hình cơ quan điều tra đưa ra chứ không biết chính xác Nhơn là người thanh niên đứng nói chuyện với Rồi không.

Nhiều mâu thuẫn, vi phạm không thể khắc phục

Đặc biệt, theo HĐXX người làm chứng Tôn khai có gặp Rồi chạy xe nhưng không biết có chở ai vào buổi trưa khoảng 9 đến 11 giờ, cũng không xác định ngày. Như vậy lời khai Rồi và ông Sơn mâu thuẫn về thời gian.

Như vậy bà Mai, ông Sơn, Dõng, Tôn không trực tiếp thấy sự việc cướp xảy ra mà chỉ thấy Rồi trong khoảng năm 2016 do đó chưa đủ tính khách quan khẳng định rồi cùng Nhơn phạm tội vào ngày 17-4-2016.

HĐXX còn nhận định, tại biên bản nhận dạng Rồi và Nhơn thì các ảnh không tương tự nhau, ảnh của Rồi và Nhơn rất mờ hơn so với các bản ảnh khác. Mặc khác biên bản nhận dạng Nhơn không hỏi qua tình tiết vết tích đặc điểm bà Mai có thể nhận dạng.

Sau khi nhận dạng cũng không yêu cầu căn cứ vào các vết tích đặc điểm gì để nhận dạng là chưa phù hợp với quy định. Việc cấp sơ thẩm căn cứ lời khai bà Mai khẳng định người thanh niên đứng nói chuyện với Rồi là Nhơn là chưa thể hiện sự khách quan.

Hơn nữa, lời khai của Rồi tại cơ quan điều tra và tòa sơ thẩm khẳng định sau khi xuống xe Nhơn dùng chân đạp bụng Ngân và Ngân dùng chân đạp lại vào bụng Nhơn nhưng tại tòa phúc thẩm này Rồi lại khai là đạp vào chân.

Rồi còn khai vào ngày 16-4-2016 Rồi có đi đám tang nhà người quen ở xã Trường Long Tây đến khoảng 2-3 giờ sáng 17-4-2016 mới về nhà của chị để mượn xe chạy về nhà. Đến 6 giờ thì chị có đến nhà lấy lại xe, cơ quan điều tra không hỏi Rồi vấn đề này nên Rồi không khai.

Mặc khác, tại tòa Rồi khai khi bắt trên người Rồi có số tiền 300.000 đồng được chi trong vụ cướp, nhưng quá trình điều tra Rồi khai đã tiêu xài các nhân số tiền. Trong khi đó, HĐXX xem xét biên bản bắt Rồi lại không có thu giữ số tiền 300.000 đồng, biên bản bị tẩy xóa, mặt sau chữ ký là bản chính nhưng mặt trước là bản photo.

Về phương tiện gây án, cấp sơ thẩm xác định là chiếc xe Nhơn mượn của Đặng. Lời khai Đặng xác định có cho Nhơn mượn xe có vành mủ màu xanh đen, do xe cũ màu xanh nhạt và màu đen đậm có buộc dây chì đỏ, áo xe có màu vàng nhạt. Đặc biệt xe không có chìa khóa nên dùng sợi dây để khởi động xe, phần yên xe không ổ khóa nên mở lên xuống bình thường.

Tại tòa phúc thẩm, ông Hùng (cha Đặng) cho biết gia đình có ba chiếc xe dream, Đặng thường lấy chiếc xe đen xám đến để chở mía, xe có ổ khóa việc khởi động và tắt đều bằng ổ khóa. Còn lời khai của Tài (bạn Nhơn) tại tòa phu hợp với lời khai ông Hùng nhưng lại mâu thuẫn với lời khai của Đặng và Tài lại cơ quan điều tra. Còn Ngân tại tòa sơ thẩm khai phương tiện cướp hoàn toàn màu đen và mâu thuẫn với lời khai của Rồi và Tài là xe có màu xám vàng.

Hai lần bị tòa phúc thẩm hủy án

Ngoài ra về thủ tục tố tụng, HĐXX nhận định quá trình điều tra vụ án có nhiều thiếu sót như thiếu biên bản ghi lời khai, việc lập các văn bản tố tụng là chứng cứ vụ án không có chữ ký của điều tra viên, KSV; không ghi ngày tháng năm lập, kết thúc biên bản, một số điều tra viên không được phân công tham gia vụ án theo luật định nhưng vẫn tham gia lấy lời khai.

Tòa tuyên án

Từ những lời khai trên, HĐXX nhận thấy việc điều tra xét xử ở cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, có nhiều mâu thuẫn, có vi phạm tố tụng tụng trong quá trình điều tra mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do đó HĐXX quyết định hủy toàn bộ bản án sở thẩm, trả hồ sơ điều tra lại theo thủ tục chung.

Tuy nhiên đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn được tại ngoại của Nhơn không được chấp nhận.

Như vậy đây là lần thứ hai tòa phúc thẩm hủy án, trả hồ sơ cho VKSND huyện Phụng Hiệu điều tra lại theo thủ tục chung. Xử sơ thẩm hồi tháng 10-2016, TAND huyện này đã phạt Nhơn bốn năm tù, Rồi ba năm sáu tháng tù. Sau đó Nhơn kháng cáo kêu oan và xử phúc thẩm vào tháng 4-2017, TAND tỉnh Hậu Giang đã hủy một phần án sơ thẩm về tội danh, hình phạt và trách nhiệm dân sự đối với Nhơn.

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/huy-toan-bo-ban-an-so-tham-vu-cuop-xuyen-khong-839120.html