Huyền bí dòng sông ngàn linga

Cùng nằm trong phạm vi cố đô của Campuchia, cách quần thể di tích Angkor (TP.Siem Reap) chỉ khoảng 50km, nhưng dòng sông thiêng ngàn linga ít được khách du lịch biết đến, ghé thăm. Không phải vì nơi này kém hấp dẫn, chỉ đơn giản là đường đi quá khó khăn, vừa hẹp vừa quanh co khúc khuỷu, đường đất đỏ tung bụi mịt mù lại lắm ổ gà, ổ voi nên cũng làm chùn bước du khách.

Nhiều người dân Campuchia đến tắm ở khu vực thác của sông ngàn linga để cầu khỏe mạnh. Ảnh: H.Lam

Tuy nhiên, nếu đủ sức khỏe và kiên nhẫn vượt qua những bất tiện ấy, dòng sông thiêng ngàn linga sẽ khiến du khách phải ngẩn ngơ không chỉ vì vẻ đẹp thiên nhiên cuốn hút mà còn bởi sự huyền bí bao phủ di sản văn hóa thế giới này suốt cả ngàn năm.

Họ đã làm điều đó như thế nào?

Dòng sông ngàn linga vốn có tên là Stung Kbal Spean, có nguồn từ núi Kulen (nằm trên địa phận các huyện Svay Leu và Varin, tỉnh Siem Reap). Nhắc đến núi Kulen, lại phải nói đến một yếu tố thiêng khác, vì đây là nơi vua Jayavarman II tuyên bố độc lập, khai sinh triều đại Angkor vào năm 770, sau đó xây dựng kinh đô đầu tiên của người Khmer tại đây vào năm 802, nên từ lâu Kulen đã trở thành núi thiêng trong tâm thức của dân tộc Campuchia. Muốn đến sông ngàn linga, tất nhiên phải đến núi Kulen.

Đường lên núi Kulen khá hiểm trở, hẹp và gập ghềnh khó đi nên đơn vị quản lý quy định từ sáng cho đến 12 giờ trưa chỉ cho xe lên và sau giờ đó sẽ dành cho chiều ngược lại. Nghe nói, cùng số phận như Angkor Wat, thánh địa Kulen có một thời gian dài suốt 10 thế kỷ bị lãng quên trong rừng rậm, mãi cho đến năm 1968 mới được nhà thám hiểm người Pháp Jean Boulbet - người phát hiện ra Angkor Wat, đã tìm thấy Kulen. Nhưng có phát hiện ra thì cũng... để đó, bởi đất nước Campuchia lúc ấy đang chiến tranh triền miên. Có một thời gian cả chục năm, từ 1980-1990, Kulen trở thành căn cứ địa của quân Khmer Đỏ, cả khu vực này đầy rẫy bom mìn, rất nguy hiểm. Mãi đến năm 2000, nhà nước cho rà, gỡ bom mìn, khôi phục lại đường dẫn lên núi, người Campuchia mới dần được lên núi trở lại. Vậy nên được lên núi bình yên đã là điều hạnh phúc, đừng nên ca cẩm, chê đường xấu, không được trải nhựa chạy bon bon, thiếu tiện nghi.

Khác với quan niệm về sinh thực khí và tín ngưỡng phồn thực của nền văn minh nông nghiệp, trong văn hóa Hindu, linga được coi là biểu tượng cho năng lượng, sức mạnh, tiềm năng của thần Shiva - một trong những vị thần tối cao của Hindu giáo. Vì thế, người Khmer cho rằng nếu được tắm nước thiêng ở sông ngàn linga sẽ khỏe mạnh, thông minh, nhất là trẻ em. Xuôi xuống hạ nguồn sông có một con thác nhỏ, khu vực này thường có nhiều người dân đến tắm để cầu mạnh khỏe, gột rửa xui xẻo. Nhìn cảnh tượng này, tôi lại nhớ đến dòng sông Hằng ở Ấn Độ...

Để đến sông ngàn linga, phải đi bộ một đoạn và trèo lên một đoạn đồi thấp, độ cao khoảng 450m. Sông khá nhỏ, có lẽ gọi là suối thì phù hợp hơn, đang mùa khô nên dòng nước chảy hiền hòa, bình lặng. Nhưng kỳ diệu là toàn bộ đá dưới lòng sông đều được điêu khắc hình linga và yoni (tượng trưng cho bộ phận sinh dục của nam và nữ), hầu như không sót một phiến đá nào. Ở nơi nước sâu chỉ có thể thấy lờ mờ, nhưng ở nơi nước cạn, những hình thù điêu khắc lộ ra trước mắt mọi người. Cả một dòng sông dài 4,2km, rộng từ 20-30m, đâu đâu cũng thấy những hình điêu khắc đá. Ngoài linga và yoni, còn có hàng ngàn tượng thần Hindu khác nằm dưới lòng sông. Đi ngược lên thượng nguồn dòng sông, vào mùa khô nước cạn cũng có thể thấy nhiều phiến đá lớn chạm trổ nữ thần sắc đẹp Laksmi thật sống động.

Nghe kể, năm 1050 vua Suryavarman I ra lệnh thực hiện công trình điêu khắc đá dưới nước này với hàng ngàn biểu tượng linga, yoni cùng các tượng thần Deva, thần Vishnu, thần Brahma, tiên nữ Apsara... Chính vì thế, Stung Kbal Spean được người dân đế chế Angkor gọi là sông ngàn Linga. Và công trình này mất cả trăm năm mới hoàn thành. Điều kỳ lạ là đến giờ người hiện đại vẫn chưa thể hiểu được người xưa đã làm như thế nào để có thể thực hiện công trình điêu khắc dưới dòng suối như thế. Chắn chắn rằng không thể để nguyên dòng nước mà điêu khắc đá rồi, vì dù vào mùa khô nhiều đoạn suối nước vẫn khá nhiều, chảy mạnh, nhất là đoạn dưới thác, nhưng chặn cả dòng suối suốt cả trăm năm để hoàn thành công trình thì đó là điều không tưởng. Vậy, họ đã làm điều đó như thế nào?

Gần ngàn năm đã trôi qua, những hình điêu khắc đá dưới dòng sông ngàn linga vẫn nằm im đầy bí ẩn. Có lẽ đành phải tin vào truyền thuyết của người dân Angkor, rằng đây là công trình của các vị thần. Chính những vị thần này sau khi hoàn thành công trình kỳ bí ở dòng sông ngàn linga đã tiếp tục kiến tạo Angkor Wat, vì nơi này còn dấu tích trên đá của bước chân phải dài đến 2m, rộng 0,8m, sâu 0,4m, tương truyền đây là là dấu chân đầu tiên của vị thần xây dựng công trình, còn dấu chân trái với kích thước tương tự thì nằm tận trên đỉnh núi Ba Kheng - một ngọn núi nằm giữa Angkor Thom và Angkor Wat, cách Kulen 50km.

Một tượng điêu khắc thần sắc đẹp Laksmi

* Dấu tích cố đô

Là kinh đô đầu tiên của đế chế Angkor, Kulen không chỉ có dòng sông thiêng, mà còn có hàng chục di tích tuổi đời tính cả ngàn năm. Theo thống kê, Kulen hiện có 37 ngôi đền, chùa cổ được xây dựng xấp xỉ ngàn năm trước, nằm rải rác xen lẫn giữa núi rừng, có nơi vẫn còn giữ được kiến trúc, có nơi chỉ còn phế tích. Trong đó, phải kể đến chùa Paang Thom, một cơ sở Phật giáo nằm cạnh công trình Hindu giáo là sông ngàn linga, thật lạ lùng, phản ánh được sự giao thoa, tiếp biến về tín ngưỡng của thời đại ấy.

Một trong những khối sa thạch trong khu vực núi Kulen, thường được du khách chọn để “sống ảo”

Chùa Paang Thom có lối kiến trúc như các chùa hang thường thấy ở những vùng núi có hang động. Chùa nổi tiếng với bức tượng Phật nằm được tạc thẳng vào núi đá, dài 9,7m, cao 3,3m, điêu khắc rất tinh xảo, thể hiện sự tài hoa của người thợ thời ấy. Là cơ sở Phật giáo, nhưng trong chùa cũng có một linga lớn bằng đá theo văn hóa Hindu, người dân thường đến đây hứng nước chảy qua linga để cầu may mắn, khỏe mạnh.

Không chỉ có các đền chùa, di tích, đường lên núi Kulen có phong cảnh rất đẹp, đặc biệt thỉnh thoảng có khu vực đột nhiên xuất hiện những vực đá chênh vênh thật hùng vĩ, hay những khối sa thạch hình dạng như chiếc thuyền vỡ đầy dấu trầm tích nằm rải rác, dân “sống ảo” hẳn sẽ rất mê mẩn. Tất nhiên, người Khmer có hẳn một truyền thuyết về những khối đá lạ lùng này, rằng đó là mảnh vỡ từ chiếc thuyền do vị đạo sĩ có phép thuật điều khiển. Còn các nhà khoa học thì phỏng đoán có thể ở một kỷ nguyên nào đó cách nay hàng triệu triệu năm trước, vùng này là biển nên dấu vết còn in rõ trên các tảng đá bị sóng ăn mòn này. Điều này khiến tôi nhớ đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nơi cũng có những vách núi đá cao vót bám đầy trầm tích biển. Và rồi lại nhớ đến bộ phim Thảm họa 2012, trong phim trái đất đã “tự sắp xếp” lại khiến những ngọn núi từ đáy biển trồi lên và ngược lại. Biết đâu đấy...

Lịch sử luôn có những thăng trầm. Triều đại Angkor đã từng rất rực rỡ, sở hữu được một vùng đất đai khá rộng lớn, lên đến 1 triệu km2, phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Đông giáp Vương quốc Champa (nay thuộc miền Trung Việt Nam) và phía Nam giáp biển. Tuy nhiên “cực thịnh tất suy”, từ thế kỷ XII trở đi, đế chế Angkor suy yếu dần, bị “láng giềng” xung quanh như Champa, Thái liên tục lấn chiếm. Đến năm 1431, người Thái chiếm được kinh đô Angkor khiến người Khmer nơi đây phải di cư về phía Nam đến khu vực Phnom Penh hiện nay. Trải qua hơn 300 năm tồn tại, đế chế Ankor đã tạo nên rất nhiều kiệt tác kiến trúc trong quần thể Angkor để lại cho đời sau.

Hà Lam

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/huyen-bi-dong-song-ngan-linga-2bd4d34/