Huyền bí Tà Lơn

Nhắc đến vùng đất Thất Sơn (Bảy Núi) của Tây Nam Bộ, thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên của An Giang, nhiều người liên tưởng đến hình ảnh của những bậc cao nhân đạo sĩ có võ thuật cao cường, thạo pháp thuật, thiên biến vạn hóa, thậm chí có khả năng xoay chuyển càn khôn. Mặc dù là những cá nhân cụ thể, tài năng riêng biệt, song những con người mà hậu thế ngày nay gọi là đạo sĩ Thất Sơn ấy lại có cùng một điểm chung là cho dù sống vào thời kỳ nào, muốn đắc đạo thì ít nhất một lần trong đời, các đạo sĩ phải tìm đến vùng núi Boko nằm trên địa phận vương quốc Campuchia để tu luyện một thời gian.

Một trong những thánh địa hành hương của Vương quốc Campuchia. Ảnh: Minh Nguyên

Lịch sử các tôn giáo bản địa ở vùng Thất Sơn nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung như Phật giáo Hòa Hảo hay đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cùng một số tôn giáo khác đều ghi nhận bậc tổ sư khai sáng của mình đã có thời gian tu luyện ở Boko. Boko là ngọn núi cao thuộc tỉnh Cam Pốt, Campuchia, tức núi Tà Lơn theo cách gọi của người Việt Nam. Là một phần trong công viên quốc gia Bokor, điểm cao nhất của núi Tà Lơn cao khoảng 1.100m so với mực nước biển, là điểm rìa cuối cùng trong chuỗi kiến tạo địa chất của dải Himalaya hùng vĩ.

Với người dân Campuchia ngàn đời nay, cùng với núi Kulen ở phía Bắc, Tà Lơn là một trong 2 ngọn núi linh thiêng trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Khmer. Nếu như núi Kulen được xem là nơi khởi nguồn của đế chế Khmer hùng mạnh một thời, thì núi Tà Lơn chính là dấu hiệu cho thấy sự thịnh vượng của vùng đất phương Nam trù phú. Truyền thuyết của người Khmer kể rằng, thuở hồng hoang, vùng rừng núi phương Nam của đất nước Chùa tháp, trong đó có núi Tà Lơn được cai quản bởi một vị nữ thần xinh đẹp và đầy quyền năng, nữ thần ấy có là tên Veang Kh’mau (tức bà Mao theo cách gọi của người Việt). Hàm ơn người đã có công khai hóa dân sinh, người dân trong vùng đã suy tôn nữ thần Veang Kh’mau làm chúa xứ và kính trọng thỉnh bà về núi Boko để tôn thờ.

Được cộng hưởng bởi một khung cảnh sơn thủy hữu tình, những truyền thuyết về ngọn núi Tà Lơn huyền bí cứ thế đi vào lòng người dân Khmer từ thế hệ này đến thế hệ khác. Thời gian trôi qua, truyền thuyết về sự thiêng liêng ấy của núi Boko đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, lãnh thổ và ngày càng được nhiều người Việt ở khu vực biên ải Thất Sơn, An Giang biết đến. Có lẽ đó cũng chính là một trong những nguyên nhân mà núi Tà Lơn có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tâm linh của người dân khu vực Thất Sơn từ hàng trăm năm qua.

Ngoài sự linh thiêng đến từ truyền thuyết ra thì yếu tố phong thủy cũng là một nguyên nhân quan trọng để núi Tà Lơn trở nên thiêng liêng đối với người dân Campuchia lẫn người Việt vùng Thất Sơn. Giới phong thủy từ cổ chí kim đều xem dải Himalaya (hay còn gọi là Hi mã lạp sơn) như là “long mạch tổ” của vùng đất phương Đông. Cùng với vùng Thất Sơn của Việt Nam, núi Tà Lơn được xem là vùng phụ cận của vùng “đại huyệt” thuộc vòng cung long mạch tổ Hi mã lạp sơn, kéo dài hơn 2.400km, qua những quốc gia có nền văn hóa lâu đời kéo dài từ Pakistan sang vùng Ca-sơ-mia, Ấn Độ, Nepal, Xi-chim, Bhutan.

Đó là một trong những lý do mà ngay từ thuở bình minh của nền văn hóa phương Đông, núi Tà Lơn đã trở thành một địa điểm linh thiêng của người dân khu vực cực Nam châu Á, trong đó có Vương quốc Campuchia và Việt Nam. Nhưng có một luồng ý kiến khác lại cho rằng, chính điều kiện tự nhiên của vùng núi Tà Lơn là một trong những nguyên nhân chính tạo nên “linh danh” của ngọn núi này.

Được bao bọc bởi một bên là núi cao rừng thẳm, một bên là vùng biển ấm rộng lớn là vịnh Thái Lan và lại có độ cao tương đối vừa phải, nên núi Tà Lơn được xem như là túi khí tươi lành mà bà mẹ thiên nhiên ban tặng cho cư dân vùng đất cực Nam của đất nước Chùa tháp. Do có một vị trí thiên thời, địa lợi như thế, nên khí hậu ở vùng núi này quanh năm mát mẻ, trái ngược với bầu không khí nóng ẩm thường thấy ở những khu vực cận xích đạo như Cam-pu-chia hay Việt Nam. Và, có lẽ, đó chính là lý do mà người dân, trong đó có những cao nhân đạo sĩ sống ở khu vực lân cận núi Tà Lơn, vùng đất Thất Sơn có khuynh hướng tìm đến ngọn núi này để tịnh độ tinh thần, tịnh tâm nghĩ về con đường hướng đạo, về đạo pháp thiêng liêng.

Khi người Pháp bắt đầu khai phá vùng đất phía Nam Campuchia, họ đã phát hiện ra điều kiện tự nhiên như kể trên ở núi Tà Lơn. Để phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi trong cái không gian nhiệt đới oi bức thường trực của bán đảo Đông Dương, trong vài thập niên đầu của thế kỷ 20, người Pháp đã cho xây dựng trên đỉnh núi này nhiều công trình giải trí dành cho quân đội viễn chinh cũng như các viên chức dân sự của họ. Thời gian trôi qua, dấu tích về những công trình thuộc về thời kỳ thuộc địa giờ đã trở nên hoang phế, song cái không gian về một vùng núi có khí hậu đa dạng vào bậc nhất khu vực vẫn còn đó như là một mắt xích quan trọng, minh chứng cho vai trò khởi nguồn cho một không gian văn hóa huyền bí xuyên thời gian của khu vực miền Nam Campuchia và vùng Thất Sơn của Việt Nam.

Núi Tà Lơn là một phần trong quần thể rộng hơn 140 ngàn ha của công viên quốc gia Bokor. Nằm trong khu vực được điều tiết bởi khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nên vườn quốc gia Bokor nói chung và núi Tà Lơn nói riêng rất đa dạng về mặt sinh học. Trong số hàng ngàn loài thực vật mà các nhà khoa học phát hiện ở núi Tà Lơn, có rất nhiều loài được các nhà khoa học xếp vào loại kỳ hoa dị thảo. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để núi Tà Lơn được xem là chiếc nôi của nhiều loài ngải quý có tác dụng chữa bệnh. Đây cũng chính là lý do mà hàng trăm năm trước, khi mà danh tiếng của núi Tà Lơn lan truyền đến vùng đất Thất Sơn, nhiều người đã không quản ngại đường xa hiểm trở, đến vùng núi này để đi tìm ngải quý cứu người. Những chuyến đi này không chỉ là một sự thử thách về sức khỏe, mà còn là một cuộc sát hạch về ý chí mà chỉ những con người có tâm vô ngã, ý chí phi thường mới có thể thực hiện được - đó chính là những đạo sĩ Thất Sơn.

Với nhiều người dân trên vùng đất Thất Sơn, An Giang, họ vẫn xem những điều huyền bí trên quê hương mình được phát nguồn từ thánh địa núi Tà Lơn. Đó chính là lý do mà hàng trăm năm nay, ngọn núi Tà Lơn vẫn đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy văn hóa vùng đất Thất Sơn nói riêng và dòng chảy văn hóa phương Đông huyền bí nói riêng.

Minh Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/huyen-bi-ta-lon/