Huyền bí tượng Phật ngàn năm (Kỳ cuối: 8 đời lãnh đạo xã thay phiên giữ báu vật)

'Hồi đó, tỉnh hứa sẽ đầu tư hạ tầng cơ sở về cho xã, đổi lại xã trả lại hai hiện vật cầm tay nhưng cuối cùng không thực hiện nên xã không bàn giao.

"Hồi đó, tỉnh hứa sẽ đầu tư hạ tầng cơ sở về cho xã, đổi lại xã trả lại hai hiện vật cầm tay nhưng cuối cùng không thực hiện nên xã không bàn giao. Đối với hai hiện vật trên, khi thu về không ai dám giữ, bởi đây là tài sản lớn. Nhiều người còn truyền tai nhau, đây là vật linh thiêng, nếu giữ sẽ không tốt cho bản thân. Do đó lãnh đạo xã phải giữ, cứ hết đời Chủ tịch này đến đời khác trông coi", ông Trà Thanh Tùng tâm sự.

Hai hiện vật hiếm hoi còn sót lại, đến nay các chuyên gia vẫn chưa khẳng định là vật gì vì chính quyền xã không cho tiếp cận.

Hai hiện vật hiếm hoi còn sót lại, đến nay các chuyên gia vẫn chưa khẳng định là vật gì vì chính quyền xã không cho tiếp cận.

* Theo nhiều tài liệu về lịch sử Vương quốc Chămpa, năm 875, vua Indravarman II cho xây dựng một tu viện phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều có tên Tara, một biến thân của Quan thế Âm Bồ Tát. Tương truyền trong phật giáo, nữ thánh Tara có tấm lòng cứu độ đại từ bi đầy quyền lực. Xúc động trước nỗi khổ cực của trần thế, có một lần Quan thế âm Bồ Tát nhỏ những giọt lệ và hòa quyện thành một biến thân mới có tên là Tara.

Hai hiện vật hiếm hoi

Ông Trương Văn Việt, Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, từ lâu chính quyền xã bảo quản và xem búp sen và quả lựu trên như báu vật.

Việc cất giữ do Ban Thường vụ Đảng ủy xã chỉ đạo, sau đó giao cho một người cầm chìa khóa và tuyệt đối bí mật. "Đây là vật vô giá, nếu biết nơi cất giấu kẻ gian đột nhập lấy thì ai chịu trách nhiệm? Do vậy tung tích nơi để chỉ trong nội bộ biết, không thể tiết lộ ra ngoài", ông Việt chia sẻ đồng thời cũng từ chối khi chúng tôi muốn nhìn thấy hai hiện vật để ghi hình. "Trước đây có một lần mở ra và chụp được một tấm ảnh nhưng nay không còn lưu giữ, hình ảnh đó còn ở trên mạng. Còn giờ muốn chụp ảnh, phải họp Ban Thường vụ, sau đó lấy biểu quyết nếu được sự thống nhất thì mới cho", ông Việt nói.

Theo ông Việt, từ ngày xã đảm nhiệm công việc bảo quản trông coi, đã có 8 đời lãnh đạo xã thay phiên nhau cất giữ hai hiện vật trên. "Hễ vị nào đảm nhiệm chức Chủ tịch xã Bình Định Bắc, ngoài trách nhiệm của Nhà nước giao phó, còn phải nhận một nhiệm vụ rất đặc biệt do người dân địa phương giao phó đó là tiếp nhận và bảo vệ hai vật báu trên. Nhiều lần Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đề nghị xã trao trả hai hiện vật này, nhưng chính quyền xã từ chối. Nếu xã trả lại cho bảo tàng sẽ gặp khó trong việc thống nhất ý kiến. Bởi trả những vật này, phải được sự đồng ý của nhiều người"- ông Việt cho biết.

Với những nhận định khác nhau

Trước việc chính quyền xã nhất quyết không cho ai xem nên có nhiều nhận định khác nhau về hai hiện vật.

Theo tài liệu, tên gọi của hai hiện vật trên là đóa hoa sen và con ốc úp ngược, nhưng người dân địa phương ở đây quen gọi chúng theo cách dân dã là hai quả lựu, bởi vì trông chúng giống hai quả lựu, to bằng nắm tay. Trong hồ sơ đề nghị xã Bình Định Bắc trao trả hai hiện vật năm 1978, Ty Văn hóa, Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng ghi hai hiện vật này là quả đào và búp sen. Mới đây, ông Hồ Tấn Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc thống nhất để bảo tàng đem hai hiện vật này về, nhưng với điều kiện phải xây dựng cho xã một nhà văn hóa thôn. Việc này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng thống nhất chủ trương xem xét hỗ trợ một phần kinh phí cho xã Bình Định Bắc khi tiếp nhận các hiện vật trên. Tuy nhiên, đến nay, phía UBND xã vẫn còn đang xin ý kiến của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam.

Đến nay, bà Phan Thị Hiệp là Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc đời thứ 8 có nhiệm vụ cất giữ bảo vật trên. "Quá trình cất giữ hiện vật gặp rất nhiều khó khăn, bởi cơ sở vật chất ở trụ sở xã vẫn còn tạm bợ. Người dân ở địa phương có mong muốn khi trao trả hiện vật thì bảo tàng hỗ trợ một nguồn kinh phí để xây dựng nhà sinh hoạt thôn Đồng Dương - nơi có di tích quốc gia đặc biệt là Phật viện Đồng Dương. Cái này chính quyền xã đã đề nghị với huyện, tỉnh rồi nhưng vẫn chưa thấy cấp trên có ý kiến"- bà Hiệp nói.

Năm 2000, Phật viện Đồng Dương được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, đến tháng 12-2016 được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, di tích này hiện nay chỉ còn sót lại một cổng của Tháp Sáng đang xuống cấp được chống đỡ bằng hàng chục trụ sắt, bốn bề nơi đây bao bọc bởi cỏ dại, hoang vu không có người trông nom. Theo đánh giá, pho tượng trên không chỉ là bức tượng Nữ thần bằng đồng lớn nhất trong nghệ thuật Chămpa, mà còn là một trong những tượng đồng quan trọng bậc nhất vùng Đông Nam Á. Dù được công nhận là bảo vật quốc gia, nhưng do nhiều nguyên nhân, đến này đã gần nửa thể kỷ nhưng tượng Bồ tát Tara vẫn chưa được ghép nối hoàn chỉnh cho 2 phần hiện vật trên 2 tay của tượng.

B.B - T.H

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_212123_huyen-bi-tuong-phat-ngan-nam-ky-cuoi-8-doi-lanh-dao-xa-thay-phien-giu-bau-vat-.aspx