Huyện Cai Lậy: Dẫn đầu các phong trào thi đua yêu nước

Những năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang luôn đổi mới tư duy, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện nhà không ngừng phát triển.

Lãnh đạo UBND huyện Cai Lậy (thứ 2 từ trái sang) nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Tiền Giang.

Trước đây, Cai Lậy là một huyện có xuất phát điểm thấp, phát triển kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của nhân dân địa phương, huyện Cai Lậy hôm nay trở thành một trong những địa phương dẫn đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Tiền Giang, diện mạo khởi sắc qua từng năm.

Trong đó, về phong trào thi đua phát triển kinh tế, năm 2023, huyện Cai Lậy xuất sắc hoàn thành, dẫn đầu trong các địa phương của tỉnh Tiền Giang, với giá trị sản xuất khu vực công nghiệp - xây dựng đạt trên 1.393 tỷ đồng, tăng 17,28% so với năm 2022.

Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương ngoài quốc doanh đạt 857 tỷ đồng, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện trên địa bàn toàn huyện có 68 công ty, doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho 1.635 lao động.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cai Lậy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, dẫn đầu Cụm thi đua các huyện, thành, thị và được bình xét tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh Tiền Giang năm 2022.

Đồng thời, huyện Cai Lậy là 1 trong 3 địa phương của tỉnh Tiền Giang hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2023.

Đồng thời, huyện có trên 300 doanh nghiệp và 4.150 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ với giá trị sản xuất ước đạt trên 2.463 tỷ đồng năm 2023, tăng 25,1% so với năm 2022. Đặc biệt, năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt trên 122 tỷ đồng…

Về công tác thi đua văn hóa - xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo của huyện Cai Lậy liên tục phát triển về quy mô; chất lượng, hiệu quả giáo dục ở các bậc học tăng so với năm học 2021 - 2022. Trên địa bàn huyện có 122/122 ấp, khu phố có Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, có đội, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 30 Địa chỉ tin cậy cộng đồng.

Toàn huyện có 67 con đường văn hóa, 45 cơ sở thờ tự văn hóa; 4 chợ văn hóa; 2 công viên văn hóa; 122/122 ấp, khu phố văn hóa; 15/15 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới; có 12 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó 1 di tích cấp quốc gia.

Đối với phong trào thi đua về an ninh - quốc phòng huyện Cai Lậy luôn giữ thế chủ động và giữ vững ổn định về an ninh chính trị, đảm bảo tốt trật tự an toàn xã hội, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả cao; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ngày càng được củng cố và không ngừng phát triển, qua đó, ý thức phòng, chống tội phạm trong nhân dân được nâng lên. Huyện có 16 xã, 1 thị trấn và 28 cơ quan được công nhận an toàn về an ninh trật tự; 16/16 xã xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt Tiêu chí số 19 về “An ninh, trật tự xã hội được giữ vững”.

Một góc xã Tân Phong từ trên cao.

Song song đó, huyện Cai Lậy là địa phương có những thế mạnh vùng sông nước, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng nhiều khu, điểm du lịch; trong đó có nhiều điểm du lịch mới được đầu tư và đưa vào hoạt động đã thu hút số lượng lớn du khách đến với địa phương.

Năm 2023, các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện đón gần 37.000 lượt khách tham quan, du lịch, trong đó khách quốc tế là 20 ngàn lượt, tăng 474%. Thực tế này đã thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của du lịch huyện Cai Lậy.

Bên cạnh đó, thiên nhiên ban tặng cho huyện Cai Lậy sự trù phú, với cây trồng đặc sản sầu riêng có giá trị kinh tế cao, diện tích 10.589 ha, trong đó diện tích đang cho trái là 8.850 ha, sản lượng ước đạt 212.400 tấn/năm.

Đặc biệt, công tác xây dựng NTM được xem là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đây là phong trào lớn, sâu rộng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực được huyện Cai Lậy tập trung triển khai thực hiện và đã gặt hái được kết quả khả quan khi huyện Cai Lậy được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2023.

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết: “Huyện xác định xây dựng NTM là “hành trình” không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt là nâng cao đời sống người dân. Ngay sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, Cai Lậy tiếp tục xây dựng kế hoạch, lộ trình, đề ra các giải pháp thực hiện. Theo đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, ấp, quyết tâm xây dựng thành công huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025”.

Theo đồng chí Trần Quốc Bình, phát huy những thành tựu đạt được, huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện về phát triển nông sản chủ lực, thu hút phát triển cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Quan tâm phát triển các loại hình du lịch phù hợp với lợi thế của địa phương. Mở rộng, đa dạng các ngành nghề kinh doanh đối với các hợp tác xã hiện có trên địa bàn hướng đến mục tiêu phát triển ổn định, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Phát triển giáo dục - đào tạo, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, địa phương phải chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân gắn với giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” gắn với xây dựng NTM. Huyện tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; đổi mới tổ chức sản xuất, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, từng bước kết nối với chuỗi cung ứng trong nông sản. Bên cạnh đó, huyện Cai Lậy tiếp tục đẩy mạnh, phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như thương mại, dịch vụ, du lịch...

Có thể nói, với những chủ trương, quyết sách hợp lý, hướng về cơ sở, lắng nghe và giải quyết những băn khoăn, thắc mắc của nhân dân, tạo niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, cùng những bài học kinh nghiệm đã được chính quyền và nhân dân huyện Cai Lậy rút ra từ thực tiễn sinh động, với ý Đảng hợp lòng dân chính là sức mạnh để Cai Lậy bứt phá ngày càng phát triển.

TUẤN LÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202403/huyen-cai-lay-dan-dau-cac-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-1006541/