Huyện Cai Lậy: Diện mạo mới trên những tuyến đường giao thông nông thôn

Với phương châm 'Nhà nước và nhân dân cùng làm', huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã huy động tốt nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo diện mạo mới, sức sống mới cho nhiều vùng quê.Năm 2023, xã Long Trung (huyện Cai Lậy) được ngân sách đầu tư hơn 19,5 tỷ đồng xây dựng 3 công trình giao thông. Chi bộ, Ban lãnh đạo các ấp tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, khẩn trương giải phóng mặt bằng. Người dân trên địa bàn xã đã hiến hơn 3.500 m2 đất để thi công các công trình.

Ông Đoàn Minh Hoàn bên tuyến đường Tây Trà Tân do gia đình ông hiến đất mở rộng.

Đây là lần thứ hai gia đình ông Đoàn Minh Hoàn (ấp 6, xã Long Trung) sẵn sàng hiến đất vì lợi ích chung. Khi có chủ trương mở rộng tuyến đường Tây Trà Tân, gia đình ông đã hiến gần 300 m2 đất, phá dỡ hàng rào kiên cố để công trình sớm thi công. “Đường sá được nâng cấp, bà con vui lắm. Giờ đây, thương lái có thể đến tận nơi để thu mua nông sản, nông dân không còn lo lắng về việc vận chuyển đi tiêu thụ. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của bà con nơi đây đã phát triển, ổn định hơn trước rất nhiều” - ông Hoàn chia sẻ.

Đối với người dân nông thôn, hệ thống giao thông liên xóm, ấp liền mạch giúp họ có động lực đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Thời gian qua, tại huyện Cai Lậy, người dân đã cùng vào cuộc, không chỉ hiến đất mà còn đóng góp kinh phí, ngày công, hoàn thiện hạ tầng giao thông.

Năm 2023, xã Hội Xuân có 4 công trình cầu, đường giao thông đưa vào sử dụng từ nguồn xã hội hóa, với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. Ðể có được sự đồng thuận của người dân, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến của người dân trước khi nâng cấp mỗi tuyến đường. Người dân vừa đóng góp kinh phí, vừa chung sức thực hiện và tham gia giám sát để đạt kết quả cao.

Ông Dương Trần Trọng Quang, Chủ tịch UBND xã Hội Xuân cho biết: “Khi địa phương phát động xây dựng giao thông theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì mọi người đều tích cực tham gia, đóng góp ngày công, góp vật tư cùng nhà nước… Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều tuyến đường đã được sửa chữa, xây dựng khang trang, góp phần nâng chất tiêu chí Giao thông của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

Trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông luôn được huyện Cai Lậy quan tâm, góp phần khởi sắc diện mạo nông thôn.

Thời gian qua, huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực hoàn thiện giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Hệ thống giao thông hoàn thiện trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu lưu thông, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nông sản thuận lợi hơn. Các xã, thị trấn cũng chú trọng phát triển giao thông theo hướng kết nối thông suốt từ trung tâm huyện, xã đến xóm, ấp, vùng sản xuất, ưu tiên đầu tư những công trình bức thiết, phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Năm 2023, huyện Cai Lậy đưa vào sử dụng 21 công trình giao thông theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, người dân hiến gần 24.800 m2 đất, hơn 17,8 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động.

Nâng chất Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025, huyện Cai Lậy tập trung công tác quy hoạch, tiếp tục cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình giao thông, đảm bảo kết nối thông suốt với mạng lưới giao thông hiện hữu; đồng thời, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển giao thông nông thôn, tăng cường tuyên truyền, phát huy sức mạnh đồng thuận trong nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả hệ thống giao thông nông thôn… Những công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo thuận lợi trong lưu thông, chuyên chở hàng hóa, tạo thêm sức mạnh đoàn kết trong xây dựng và phát triển quê hương.

TRƯỜNG GIANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202403/huyen-cai-lay-dien-mao-moi-tren-nhung-tuyen-duong-giao-thong-nong-thon-1006543/