Huyền Chip: 'Tôi từng mang tiếng lừa đảo'

'Với nhiều người, học ở Mỹ thì chỉ có 2 lựa chọn nơi sống là Mỹ và Việt Nam. Nhưng thế giới rộng lớn lắm. Tôi đang cân nhắc Đức, Anh, Argentina, Singapore...', Huyền Chip chia sẻ.

Ấn tượng đầu tiên về Huyền Chip là tốc độ nói cực nhanh, một biểu hiện của người thông minh. Sau 5 năm kể từ Xách ba lô lên và đi, cô nghĩ “tượng đài” về tuổi trẻ hay thanh xuân của mình đã sụp đổ nhưng thay vào đó, là một cô gái chín chắn, có trách nhiệm hơn với những gì mình nói và viết.

Mùa hè này, Huyền Chip cùng lúc nhận bằng đại học và thạc sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo của Đại học Stanford, Mỹ. Thông tin tốt nghiệp của cô được đăng tải trên fanpage của trường cùng bức thư do chính cô viết, kể về hành trình của một cô gái Việt Nam và “giấc mơ xa xôi” Stanford. Mặc dù vậy, nước Mỹ không phải lựa chọn duy nhất của cô về nơi sống.

Cô cũng ra mắt thêm một cuốn sách mới, Tuổi trẻ không hối tiếc (Quảng Văn và NXB Phụ nữ ấn hành), vào tháng 5 nhưng thừa nhận mình thích một tít sách giản dị hơn. Zing.vn có cuộc trò chuyện với Huyền Chip.

Tôi nghĩ “tượng đài” của mình sụp đổ từ lâu rồi

- Bạn từng có lời xin lỗi về vụ tranh cãi “Xách ba lô lên và đi” nhưng không hẳn nhận sai mà như để khép lại một chương của tuổi trẻ. Nếu nhiều người vẫn không hài lòng và muốn giải trình thêm, bạn sẽ nói sao?

- Đó là một cuốn sách tôi viết về trải nghiệm cá nhân, nên tôi không có trách nhiệm phải giải trình với ai cả. Tôi thừa nhận rằng một số lời nói và thái độ của mình khiến nhiều người tin tưởng và ủng hộ tôi gặp rắc rối, tôi có trách nhiệm với họ và tôi muốn xin lỗi họ. Nhưng tôi không có trách nhiệm với những người không tin tưởng tôi, muốn tôi phải lên bờ xuống ruộng.

- Gần đây, khi đọc lại "Xách ba lô lên và đi", ngoài chia sẻ của chị là “xấu hổ vì nhiều lỗi chính tả”, chị còn điều gì không hài lòng?

- Cuốn sách đó tôi viết xong là xong luôn, không đọc lại và cũng không chỉnh sửa thêm. Tôi muốn nó thể hiện đúng tinh thần của tuổi trẻ tôi: đi “bừa”, viết “bừa”, không chín quá.

Sau khi tốt nghiệp Stanford, Huyền Chip cũng dành thời gian "xách ba lô lên và đi" để trải nghiệm trước khi có công việc chính thức.

Sau khi tốt nghiệp Stanford, Huyền Chip cũng dành thời gian "xách ba lô lên và đi" để trải nghiệm trước khi có công việc chính thức.

- Bạn có nghĩ mình là người “self-centered”, đi khắp nơi mà vẫn luôn coi mình là trung tâm của mọi thứ?

- Từ lâu, tôi đã nhận ra rằng tôi chỉ có thể hiểu được những gì mà bản thân mình trải nghiệm. Tôi có thể lắng nghe, quan sát người khác và cố gắng đặt mình vào vị trí của họ, nhưng tôi sẽ không bao giờ có thể trải qua những gì họ trải qua. Tôi rất sợ dùng những cái to tát hơn “tôi", bởi tôi không thể đại diện cho bất cứ ai khác ngoài bản thân mình.

Tôi không nghĩ rằng việc ý thức được sự giới hạn của thế giới quan bản thân tương đương với “self-centered". “Self-centered” là đặt mình ở trung tâm thế giới, coi bản thân quan trọng hơn những người khác và những vật khác. Tôi không nghĩ mình quan trọng hơn bất kỳ ai. Tất cả chúng ta chỉ là một hạt cát vô cùng nhỏ bé trong vũ trụ. Tôi cũng không thấy mình đã tạo ra được ảnh hưởng lớn lao gì đến thế giới xung quanh mình. Nếu tôi có chết đi ngay lúc này thì có lẽ cuộc sống vẫn sẽ diễn ra như nó đang diễn ra.

Ngày xưa, tôi viết ra hầu như mọi thứ từ góc nhìn của mình, thể hiện cá tính của mình. Nhưng bây giờ, với cuốn sách mới nhất là Tuổi trẻ không hối tiếc, tôi cố gắng có trách nhiệm hơn với những gì mình viết. Trước đây, tôi cứ nói những gì mình nghĩ mà không biết nó sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Còn bây giờ, tôi hy vọng độc giả đọc có chọn lọc, hạn chế những hiểu nhầm hay khiến độc giả làm những điều không tốt cho bản thân họ.

Chỉ có một thứ không thay đổi: tôi luôn viết những gì mình tin tưởng.

"Tôi từng bị tiếng lừa đảo viết sách kiếm tiền. Ai nói vậy chắc chưa viết sách bao giờ"

- Huyền Chip

- Khi cái tên của bạn vẫn còn dính điều tiếng, việc được nhận học bổng toàn phần ở Stanford giống như xoay chuyển mọi thứ?

- Tôi cứ nghĩ “tượng đài” của mình bị sụp đổ từ lâu rồi (cười). Tôi từng bị tiếng “lừa đảo viết sách kiếm tiền”. Nhưng những ai nói vậy chắc chưa viết sách bao giờ. Vì rất khó kiếm được nhiều tiền nhờ viết sách. Tôi đi thực tập ở Mỹ cũng có lương cao hơn so với nhuận bút một cuốn sách.

Tôi cũng từng xù lông lên trước mọi thứ. Bản chất của tôi luôn là nóng tính, thiếu kiềm chế. nhưng giờ đây tôi học được một điều: khi có chuyện không vui, tôi sẽ ngồi đếm lại từng lần chuyện vui đến với mình và cảm thấy khá hơn.

"Tôi cũng từng xù lông lên trước mọi thứ " - Huyền Chip.

Tôi cũng không nghĩ chỉ vì học Stanford mà mọi người lại coi trọng mình hơn. Những bình luận ủng hộ tôi dưới mỗi bài viết trên fanpage, tôi nghĩ là vì bản thân các bài viết thì đúng hơn. Nếu tác giả là một bạn trẻ khác mà vẫn trình bày những luận điểm chi tiết như vậy thì độc giả vẫn sẽ ủng hộ thôi, không nhất thiết phải là một sinh viên Stanford.

- Sau 5 năm và quá trình học đại học và thạc sĩ ở Stanford, chị tự cảm thấy mình thay đổi như thế nào?

- Người đọc có lẽ sẽ đánh giá tốt hơn tôi. Tôi biết mình thay đổi nhưng điều đó không đến một sớm một chiều như thể hôm nay mình thế này, ngày mai đã thành thế kia.

Nếu một người ngày nào cũng gặp thì béo gầy thế nào ta cũng không để ý, nhưng những người gặp lại sau vài năm sẽ thấy rất rõ. Tôi nghĩ những độc giả từng đọc tôi cách đây mấy năm, rồi bây giờ đọc lại, họ sẽ có cảm nhận đúng nhất.

Lựa chọn sống của tôi không chỉ có Việt Nam và Mỹ

- Gần đây chị có bài viết “4 lý do tôi không thích nước Mỹ” gây tranh cãi khá nhiều?

- Bài viết đó vấp phải khá nhiều sự phản đối vì nhiều người hiểu nhầm rằng tôi viết để “dìm hàng” nước Mỹ và nâng Việt Nam lên. Nhiều người đang sinh sống ở Mỹ bình luận: “Ghét Mỹ thế thì về Việt Nam mà ở” hay “Về thiên đường Việt Nam đi” và cho rằng tôi chảnh. Tôi cũng hiểu rằng nhiều người đã rất vất vả mới có thể sang Mỹ định cư, đó là lý do khiến họ ghét bài viết của tôi. Người ta cảm thấy phật lòng khi mình chê một đất nước mà họ yêu quý.

Nhưng đó chỉ là hiểu nhầm, vì có rất nhiều điều tôi thích ở nước Mỹ và cũng từng viết ra, còn bài viết trên chỉ là một góc nhìn khác. Thực tế, nước Mỹ có vị trí đặc biệt trong tôi vì đó là nơi tôi đã dành 4 năm học đại học, quãng thời gian đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi có nhiều bạn bè nơi đây, và tôi cũng có nhiều cơ hội nghề nghiệp nơi đây.

Một trường đại học Mỹ đã cấp học bổng cho tôi ăn học. Tôi cũng rất biết ơn những nhà hảo tâm đã đóng góp cho trường để biến ước mơ của tôi thành hiện thực. Tuy nhiên, tôi cho rằng, một cơ sở giáo dục là độc lập với nền chính trị xung quanh nó. Tôi không đánh đồng Stanford với nước Mỹ.

"Một cơ sở giáo dục là độc lập với nền chính trị xung quanh nó. Tôi không đánh đồng Stanford với nước Mỹ".

- Chị có tìm hiểu về đời sống của người Việt Nam ở Mỹ không?

- Tôi có quen biết một cặp vợ chồng ở quận Cam và các con của họ. Tôi từng đến nhà anh chị chơi và cũng đi chơi cùng em gái và các bạn của họ nữa. Họ dễ thương quá trời, sống trẻ trung sôi nổi, dễ chịu. Nhưng tôi vẫn hiểu rằng có người hợp, có người không hợp với cuộc sống ở Mỹ chứ không phải bất cứ người nhập cư nào cũng cảm thấy dễ chịu tại đây.

Nhiều người cũng nói tôi muốn viết khác người để gây tranh cãi, nhưng thực sự bây giờ tôi rất ngại tranh cãi, tôi không muốn gắn tên mình với những phát ngôn gây sốc.

- Về Việt Nam hay ở lại Mỹ lập nghiệp có phải lựa chọn lớn đối với chị?

- Trong con mắt của rất nhiều người, dường như đã học ở Mỹ thì chỉ có 2 lựa chọn để sống là Mỹ và Việt Nam. Nhưng tôi muốn độc giả hiểu rằng thế giới rộng lớn lắm. Trong bài viết, tôi so sánh cuộc sống ở Mỹ với rất nhiều quốc gia khác ở châu Âu. Khi so sánh như vậy, tôi muốn đưa ra nhiều lựa chọn khác cho độc giả nếu họ đang cân nhắc về cuộc sống ở nước ngoài.

Với bản thân mình, tôi cũng thấy may mắn hơn rất nhiều người khi mình có khá nhiều lựa chọn. Tôi may mắn được đi nhiều nước, được hưởng một nền giáo dục tốt. Một người bạn cũng nhắc nhở tôi rằng chính vì có nhiều lựa chọn nên tôi không để ý đến cảm xúc của những người có ít lựa chọn hơn. Phần nào, tôi cũng gây cảm giác mình khoe mẽ trong mắt họ.

- Chị có nghĩ mình thông minh nhưng hơi thiếu khả năng đồng cảm không?

- Cũng có thể tôi hơi yếu về cảm xúc. Bộ não con người không thể hoàn hảo nên nếu tôi dành thời gian để suy nghĩ về một lĩnh vực, tôi sẽ bị hạn chế lĩnh vực khác. Tôi cũng hay nhắc mình để ý đến cảm xúc của người khác nhưng đôi khi vì quá tập trung suy nghĩ các vấn đề mình quan tâm nên lại lơ là.

- Thế ngoài nước Mỹ, chị đang cân nhắc sống ở những quốc gia nào?

- Tôi đang cân nhắc khá nhiều quốc gia như Đức, Anh, Argentina (nhưng hơi xa xôi), hoặc Canada, Australia, New Zealand, Singapore… Tôi vừa có chuyến thăm Anh để xem đất nước này như thế nào. Nghề nghiệp của tôi sẽ là nghiên cứu nên tôi đang cân nhắc cơ hội việc làm ở các trường đại học hoặc viện nghiên cứu.

"Không chỉ Mỹ, tôi đang cân nhắc các quốc gia như Đức, Anh, Argentina, Singapore...".

- Thế còn cơ hội việc làm ở chính Stanford?

- Có một giảng viên ở trường cũng muốn tôi ở lại trường làm việc nhưng làm nghiên cứu ở các cơ sở trong trường thì thu nhập không cao bằng bên ngoài. Sẽ tốt hơn nếu làm ở trường và học lên tiến sĩ vì quá trình nghiên cứu cũng giúp thu thập tư liệu, nhưng tôi chưa tính chuyện học tiến sĩ nên sẽ suy nghĩ thêm.

- Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang từng nói phương Tây là “một giấc mơ hời hợt” của người Việt, từ tâm lý luôn coi cuộc sống ở phương Tây tốt hơn Việt Nam. Còn với chị thì sao?

- Tất cả mọi người đều có quyền đưa ra ý kiến từ trải nghiệm sống của họ. Anh Giang cũng có quyền nói lên suy nghĩ đó từ góc độ của một người từng sang Áo cách đây khoảng 20 năm, có nhiều thứ anh không thích ở xã hội phương Tây. Nhưng cũng có nhiều người từng sang Áo hay các nước phương Tây và lựa chọn ở lại.

Còn thời bây giờ, thông tin nhiều hơn và chính xác hơn nên tôi nghĩ người Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho bản thân. Không chỉ gói gọn trong một số nước nữa mà mở rộng ra. Quan niệm cũng không còn hẹp hòi như “chỉ những quốc gia này mới là sang”. Hiểu biết sẽ giúp mình đưa ra lựa chọn tốt hơn.

Mi Ly
Ảnh: Nguyễn Thành

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/huyen-chip-toi-tung-mang-tieng-lua-dao-post858659.html