Huyện Gia Lâm, Hà Nội: Nhà tạm biến thành nhà xây

Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, năm 2005, Công ty CP Sứ Bát Tràng (Công ty Sứ Bát Tràng) được Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) ký hợp đồng cho thuê đất Số 99-2005 TNMTNĐ-HĐTĐTN với thời hạn 30 năm.

Công trình “nhà tạm” của Công ty Sông Hồng. Ảnh: Đ.Lực

Hợp đồng nêu rõ: Cho Công ty Sứ Bát Tràng thuê lại ô đất có diện tích 27.935m2 tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Trong đó, 17.221m2 đất để xây dựng xí nghiệp sản xuất hàng bán sứ cao cấp; 10.714m2 đất để mở đường theo quy hoạch… Bên thuê đất là Công ty Sứ Bát Tràng không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, không được tự ý chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác hoặc thực hiện chuyển nhà đất thành tiền vốn. Mọi chuyển nhượng phải được sự chấp thuận của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai.

Văn bản là vậy, thế nhưng Công ty Sứ Bát Tràng vẫn tự ý chuyển nhượng hàng trăm mét vuông đất tại thôn Thuận Tốn cho Công ty CP Kinh doanh và Phát triển thương mại Sông Hồng (Công ty Sông Hồng) mà không hề được sự đồng ý của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Cụ thể, tháng 7/2014, Công ty Sứ Bát Tràng đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh Số 02/BT-SH với Công ty Sông Hồng tại khu đất phân xưởng Việt Hưng ở xã Đa Tốn. Mục đích là cho Công ty Sông Hồng sử dụng khu đất để đầu tư kinh doanh trạm xăng dầu và khu du lịch phục vụ kinh doanh.

Tại phần diện tích chuyển nhượng bất hợp pháp trên, Công ty Sông Hồng đã xây dựng một công trình nhà cấp 4 với tường gạch bao quanh, đổ nền bê tông. Trước hành vi trên của doanh nghiệp, UBND xã Đa Tốn đã có Quyết định số 470 ngày 24/10/2016 xử phạt hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với “công trình xây dựng không phép”.

Điều đáng nói, khi chưa có sự chuyển nhượng đất hợp pháp và công trình do công ty Sông Hồng dựng lên là không phép thì vào ngày 15/11/2016, ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm lại ký văn bản Số 2057/UBND-QLĐT với nội dung đồng ý cho Công ty Sông Hồng xây dựng công trình tạm để làm ki-ốt trưng bày sản phẩm gốm sứ. Theo văn bản này, Công ty Sông Hồng được sử dụng 620,5m2 đất tại khu đất phân xưởng Việt Hưng (khu B) thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn để xây dựng công trình tạm. Với kết cấu cột thép, vì kèo thép, mái lợp tôn và đóng trần thạch cao dễ dàng tháo lắp, di chuyển. Nếu chiếu theo văn bản này của UBND huyện Gia Lâm thì công trình mà Công ty Sông Hồng xây dựng không phép cũng không đáp ứng được.

Ông Hoàng Anh Tú, Chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm cho biết, sở dĩ UBND huyện Gia Lâm chấp thuận cho phép Công ty Sông Hồng xây dựng là do Công ty Sứ Bát Tràng và Công ty Sông Hồng có hợp tác liên doanh, liên kết với nhau. Mặt khác do đất bỏ hoang không thể sinh lợi và gây lãng phí nên sau khi nhận được đề xuất của doanh nghiệp, UBND huyện Gia Lâm đã chấp thuận đồng ý cho Công ty Sông Hồng xây dựng công trình tạm trên diện tích đất 620.5m2 để sử dụng. Ông Tú cũng thừa nhận vấn đề liên doanh liên kết của 2 công ty này cũng chỉ là hợp đồng dân sự nên để “hợp thức hóa” thỏa thuận này phía UBND huyện Gia Lâm đã yêu cầu Công ty Sứ Bát Tràng phải xin chấp thuận của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc chuyển nhượng đất.

Về vấn đề công trình xây dựng biến tướng so với sự chấp thuận trong văn bản ông Học kí, ông Tú cho biết, sau khi nhận được phản ánh, UBND huyện Gia Lâm đã giao cho Đội thanh tra xây dựng và UBND xã Đa Tốn kiểm tra, đến nay công trình đang triển khai còn bé hơn sự cho phép. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thay vì làm khung mái bằng mái tôn thì bên trong lại phát sinh thêm gác xép.

Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đề nghị phía UBND huyện Gia Lâm cung cấp hồ sơ và tài liệu liên quan thì ông Tú cho biết, sẽ chỉ đạo các phòng chức năng tập hợp cung cấp sau.

Đ.Lực - X.Thắng

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/huyen-gia-lam-ha-noi-nha-tam-bien-thanh-nha-xay-20170119085105801.htm