Huyện Gia Lâm sắp 'cán đích' nông thôn mới

Sau 10 năm nỗ lực bền bỉ, 100% số xã của huyện Gia Lâm đã được thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Huyện đang hoàn tất thủ tục để được Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Đáng chú ý, việc xây dựng NTM của huyện đều gắn với các tiêu chí trở thành quận trong tương lai.

Sạch làng, xanh đồng

Đến Gia Lâm thời điểm này, điều dễ dàng nhận thấy nhất là kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ với những con đường giao thông nông thôn bê tông hóa rộng rãi, thông thoáng; những ngôi trường khang trang, sạch đẹp, hiện đại; công sở và trạm y tế các xã được xây mới, cải tạo đáp ứng nhu cầu công việc ở địa phương… tất cả đã tạo nên diện mạo mới đầy sức sống cho Gia Lâm – huyện “cửa ngõ” phía Đông của Thủ đô Hà Nội.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thăm gian hàng nông sản tiêu biểu của huyện Gia Lâm. (Ảnh: NC)

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thăm gian hàng nông sản tiêu biểu của huyện Gia Lâm. (Ảnh: NC)

Đích NTM đã cận kề, những ngày này, bên cạnh sự tất bật với công việc đồng áng, người dân toàn huyện Gia Lâm không khỏi nô nức, sẵn sàng cho ngày hội lớn của nhân dân toàn huyện. Ông Bùi Văn Cơ, Trưởng thôn Cây Đề (xã Kim Sơn) phấn khởi chia sẻ: “Nhờ có chương trình xây dựng NTM mà thôn chúng tôi có nhà văn hóa rộng rãi, tiện lợi cho việc hội họp và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao. Ai nấy đều rất phấn khởi”.

Dọc theo những cánh bãi sông Hồng, sông Đuống, trước đây, ở những bãi này vốn chỉ được trồng toàn ngô, khoai, đậu với giá trị kinh tế không cao. Nhưng giờ đây, nơi này như được khoác tấm áo mới với những vùng cây ăn quả ngút ngàn, những vùng chuyên canh rau trù phú.

Xã Cổ Bi trải dài ngút ngàn bởi chuối, đu đủ, táo; xã Đông Dư, Đa Tốn chuyên canh trồng ổi và năm nào cây cũng ra quả trĩu cành như để trả ơn những người nông dân nơi đây vất vả chăm sóc; đến xã Văn Đức là xã không có đất lúa, 100% hộ dân sống khá nhờ thâm canh, luân canh, tăng vụ rau màu và chăn nuôi với 250ha rau hàng hóa… Gia Lâm bây giờ trù phú với các mô hình trồng trọt và chăn nuôi mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.

Đáng chú ý, bên cạnh phát triển sản xuất, huyện Gia Lâm nói chung và “điểm sáng” là xã Văn Đức đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực và coi công tác vệ sinh môi trường khu dân cư, đường làng, ngõ xóm thông thoáng, đồng ruộng xanh, sạch là việc làm quan trọng để giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn NTM.

Cán bộ và nhân dân huyện Gia Lâm cùng tham gia vệ sinh môi trường sông Cầu Bây. (Ảnh: Anh Tú)

Cụ thể, vừa qua, xã Văn Đức đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai việc ký cam kết giữ gìn vệ sinh với từng thôn, từng hộ gia đình. Theo đó, nhân dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, đơn vị thu gom (Công ty cổ phần Môi trường đô thị huyện Gia Lâm) vận chuyển rác theo hợp đồng đã ký với UBND xã.

Ngoài ra, xã còn niêm yết công khai hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải, khối lượng, tần suất, thời gian thực hiện và số điện thoại của cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến công tác duy trì vệ sinh môi trường, dự toán thu phí vệ sinh môi trường… tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa các thôn. Mọi việc đều rõ ràng, công khai, minh bạch nên việc giữ gìn môi trường ở Văn Đức đã đi vào nền nếp.

“Hàng ngày, cán bộ môi trường xã Văn Đức phối hợp với các trưởng, phó thôn giám sát việc thu gom rác thải sinh hoạt, hàng tháng, UBND xã nghiệm thu khối lượng thực hiện. Do đó, trên các đường trục chính, ngõ, xóm ở Văn Đức không có rác thải tồn đọng, không có điểm tập kết rác tự phát” - ông Đặng Văn Thách, Trưởng thôn Sơn Hô chia sẻ.

Ông Thách cho biết thêm: Phong trào “sạch từ nhà ra đường” ở Văn Đức trở nên rộng khắp, lan tỏa trong cộng đồng dân cư và vào môi trường học đường. Tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều gương mẫu giữ gìn vệ sinh môi trường bên trong và quanh trường học.

Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Lâm cho hay, trong số 9 tiêu chí về xây dựng huyện NTM, đối với Gia Lâm khó nhất là tiêu chí môi trường do yếu tố khách quan của các con sông Giàng, Thiên Đức và Cầu Bây. Thế nhưng, với sự quan tâm của Thành phố, nỗ lực vào cuộc của chính quyền huyện, xã và sự ủng hộ của người dân, đến nay, môi trường huyện Gia Lâm đã được cải thiện đáng kể. Gia Lâm đang dần trở thành miền quê đáng sống, là nơi mà những người xa xứ luôn mong muốn trở về.

Hướng đến thực hiện mục tiêu cao hơn

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng NTM trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho hay, bên cạnh nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cùng với các văn bản chỉ đạo của Thành phố, huyện thường xuyên coi trọng công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu đúng bản chất và lợi ích của chương trình xây dựng NTM.

Khu sản xuất rau công nghệ cao tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. (Ảnh: Tường Vy)

Thông qua những hiểu biết cụ thể đó, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân sẽ sẵn sàng tham gia ủng hộ vật chất và tinh thần để góp sức thực hiện thành công chương trình NTM trên địa bàn. Thực tế, từ năm 2010 đến nay, nguồn vốn bố trí thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Gia Lâm là hơn 4.393 tỷ đồng. Trong đó, nguồn huy động từ doanh nghiệp là hơn 2.987 tỷ đồng, nguồn nhân dân đóng góp là hơn 151 tỷ đồng.

Huy động nguồn lực đã khó, việc phân bổ nguồn như thế nào để hợp lý và đạt hiệu quả cao nhất còn khó hơn. Trong những năm qua, Gia Lâm luôn ưu tiên nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và sinh hoạt của nhân dân; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các chuỗi liên kết trong sản xuất.

Huyện luôn nắm rõ mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao đời sống cho người, do đó việc cải thiện thu nhập luôn là nhiệm vụ hàng đầu. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân của huyện mới chỉ đạt 17,9 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2018, mức thu nhập bình quân đã đạt 47,6 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh những kinh nghiệm trên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, trong đó coi trọng quy hoạch các đường trục chính và khu trung tâm của các xã. Song song với đó, việc xây dựng các Đề án phải căn cứ theo quy hoạch và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và tầm nhìn phát triển dài hạn. Cuối cùng, việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phải đồng bộ và gắn với quy hoạch chung.

Điều quan trọng nhất, theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, cho dù làm bất cứ việc gì nếu không nhận được sự đồng thuận, nhất trí của nhân dân thì không thể thành công được. Do đó, trong suốt quá trình thực hiện phong trào xây dựng NTM từ năm 2010 đến nay, huyện Gia Lâm luôn đề cao tính “dân chủ”, mỗi phong trào triển khai đều tham vấn người dân, để người dân tham gia ý kiến rồi đi đến quyết định. Vì lẽ đó, người dân trên địa bàn huyện Gia Lâm hài lòng về kết quả xây dựng NTM, ngày càng yêu mến nơi họ sinh sống và chung tay vì sự phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Lâm thông tin: Giai đoạn 2019 - 2020, huyện tập trung duy trì tiêu chí huyện NTM theo hướng đồng bộ kết cấu hạ tầng khung, xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường; đồng thời, thực hiện các giải pháp để đạt các chỉ số về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đáp ứng tiêu chuẩn đơn vị hành chính quận theo lộ trình Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành lập quận vào năm 2020. Bên cạnh đó, tập trung tối đa các nguồn lực để nâng cao chất lượng NTM tại 20 xã và hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao tại xã Yên Viên, Phù Đổng năm 2019; xã Bát Tràng và Kim Sơn năm 2020.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/huyen-gia-lam-sap-can-dich-nong-thon-moi-94981.html