Huyện Gia Lâm: Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề

Làng nghề và nghệ nhân là tài sản quý của từng địa phương, đặc biệt là trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, với đặc điểm và lợi thế có sẵn, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới huyện Gia Lâm đã phát huy được những giá trị tiềm năng, vừa bảo tồn, vừa phát huy giá các làng nghề truyền thống trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm, khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống luôn được huyện đặc biệt quan tâm.

Trong đó, huyện Gia Lâm có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp; gốm sứ Kim Lan, Bát Tràng… đã tạo ra các giá trị đặc trưng, các sản phẩm tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Gia Lâm có thế mạnh về đặc sản và các sản phẩm truyền thống

Gia Lâm có thế mạnh về đặc sản và các sản phẩm truyền thống

Để thực hiện được kế hoạch đề ra, huyện Gia Lâm đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020”, trong đó tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề, phát triển làng nghề theo định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với công tác quản lý môi trường và phát triển du lịch.

Đồng thời, gắn với vấn đề tái cấu trúc làng nghề để thích nghi với hội nhập kinh tế, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển liên doanh, liên kết giữa các cơ sở làng nghề; đảm bảo sự tăng trưởng ổn định lâu dài về mặt kinh tế và sự phát triển bền vững của làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, cùng với làng nghề Vạn Phúc - Hà Đông, làng nghề truyền thống Bát Tràng đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quy hoạch, đầu tư, bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống, kết hợp với du lịch, được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận là điểm du lịch.

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm đã xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển du lịch Bát Tràng, đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển làng văn hóa du lịch Bát Tràng gắn với phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị…

Huyện Gia Lâm xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống

Có được những kết quả trên, theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, đó là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố và sự giúp đỡ có hiệu quả của các Sở, ban, ngành, Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới Thành phố.

Sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm, trong đó có những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đó là những bài học kinh nghiệm trong việc coi trọng công tác chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, tạo sự thống nhất, nhận thức đúng đắn và sâu sắc về xây dựng nông thôn mới; về phát huy dân chủ, công khai, minh bạch; đa dạng hóa các nguồn lực và đồng bộ các giải pháp, triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm... và để người dân thực sự là chủ thể của xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm, với định hướng được xác định xây dựng huyện thành quận trong giai đoạn 2020 - 2025, thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục tập trung các nhiệm vụ giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn; xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường; phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện thành quận.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/huyen-gia-lam-xay-dung-nong-thon-moi-gan-voi-bao-ton-phat-huy-gia-tri-lang-nghe-97640.html