Huyện Long Thành nhận khuyết điểm nhưng ai phải chịu trách nhiệm trong việc chậm bồi thường cho người dân?

Tại buổi tiếp xúc với người dân vào ngày 5/7 vừa qua, ông Nguyễn Phong An, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành đã thừa nhận những khuyết điểm của địa phương khi để vụ việc kéo dài, gây bức xúc cho người dân.

Vòng luẩn quẩn chỉ đạo xử lý

Như Pháp luật Plus đã thông tin trước đó, ngày 17/9/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 356/TB-VPCP Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại của bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh (ngụ xã Tam Phước, TP Biên Hòa) liên quan đến vấn đề sử dụng đất.

Trong đó có việc thu hồi 16 ha đất của gia đình bà Oanh để giao cho Tổng Công ty Tín Nghĩa thực hiện dự án Khu công nghiệp (KCN) An Phước tại xã An Phước, huyện Long Thành nhưng không được bồi thường.

Văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện việc báo cáo kết quả thực hiện đối với việc bồi thường, hỗ trợ cho bà Oanh.

Văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện việc báo cáo kết quả thực hiện đối với việc bồi thường, hỗ trợ cho bà Oanh.

Sau khi nghe Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp nội dung vụ việc, Phó Thủ tướng đã kết luận: “Gia đình bà Oanh được xem xét bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất”. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu: “UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và Công ty TNHH MTV Tín Nghĩa giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất, tài sản và cây trồng trên đất khi thu hồi diện tích đất nêu trên của gia đình bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh để đầu tư xây dựng KCN An Phước, tỉnh Đồng Nai theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/10/2018”.

Ngay sau Thông báo số 356/TB-VPCP, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, UBND huyện Long Thành, Tổng Công ty Tín Nghĩa và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát hồ sơ vụ việc, thống nhất tham mưu đề xuất UBND tỉnh thực hiện giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất, tài sản và cây trồng trên đất khi thu hồi của gia đình bà Oanh theo nội dung Thông báo số 356/TB-VPCP đã nêu.

Ngày 25/12/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có 3 văn bản, bao gồm: Báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất; Phương án xác định giá đất để tính tiền bồi thường và Tờ trình về việc quyết định giá đất bổ sung để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án KCN An Phước đối với trường hợp của Oanh để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Bà Oanh rất bức xúc khi nhiều lần buộc phải gõ cửa chính quyền đòi quyền lợi.

Tiếp đến, ngày 25/1, Trung tâm Phát triển quỹ đất có Văn bản số 54/TTPTQĐ-TBT gửi UBND huyện Long Thành để xin ý kiến chỉ đạo, xem xét giải quyết theo Văn bản số 12452/UBND-ĐT ngày 15/11/2018 của UBND tỉnh Đồng Nai đối với nội dung: “Đề nghị Tổng Công ty Tín Nghĩa thống nhất việc tạm ứng tiền để chi trả cho gia đình bà Oanh khi có đề nghị của UBND huyện Long Thành”.

Riêng đối với Tổng Công ty Tín Nghĩa, từ sau văn bản số 10387/UBND-TCD của UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng tinh thần Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình thì đến này đơn vị này đã không dưới 7 lần gửi văn bản đề nghị các cơ quan, ban ngành tỉnh Đồng Nai và UBND huyện Long Thành sớm hoàn tất các hồ sơ liên quan đến áp giá bồi thường, hỗ trợ cho người dân, làm cơ sở cho Tổng Công ty Tín Nghĩa chi trả tiền bồi thường.

Mặc dù được chỉ đạo rốt ráo để xử lý dứt điểm vụ việc, thế nhưng tiến độ thực hiện thì gần như “dẫm chân tại chỗ”. Trước việc chậm trễ báo cáo kết quả giải quyết, ngày 24/1/2019, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có Văn bản số 669/VPCP-V.I “nhắc” UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị sớm có văn bản báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại văn bản nêu trên.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có Công văn số 3259/STNMT-CCQLĐĐ kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Long Thành khẩn trương hoàn tất việc bồi thường, hỗ trợ cho bà Oanh theo quy định.

Sau khi xem xét văn bản 3259/STNMT-CCQLĐĐ của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 5/6, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 6316/UBND-KT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc xử lý bồi thường cho bà Oanh.“Giao UBND huyện Long Thành chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, quy trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và các quy định hiện hành, khẩn trương xử lý việc bồi thường, hỗ trợ cho bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh theo quy định”.

Chỉ đạo là vậy, nhưng đã gần 8 tháng trôi qua kể từ sau Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng, đến nay việc hỗ trợ, bồi thường cho gia đình bà Oanh vẫn chưa được thực hiện.

Gõ cửa "quan" đòi quyền lợi

Sốt ruột với cách giải quyết “rùa bò” của UBND huyện Long Thành, bà Oanh đã nhiều lần có đơn đề nghị UBND huyện Long Thành sớm xử lý dứt điểm vụ việc, thậm chí trực tiếp đến tại trụ sở của đơn vị này để đăng ký gặp lãnh đạo đối chất.

Bà Oanh đứng trước khu đất của gia đình nay đã biến thành nhà xưởng cho các đơn vị khác thuê lại.

Ngày 5/7, lãnh đạo UBND huyện Long Thành do ông Nguyễn Phong An, Phó Chủ tịch UBND huyện làm đại diện, cùng các ban ngành liên quan đã có buổi tiếp xúc và làm việc với bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh về vấn đề giải quyết bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phong An cũng đã thừa nhận những khuyết điểm của địa phương trong quá trình xử lý vụ việc.

“Tôi xin nhận với gia đình một số khuyết điểm của địa phương là quá trình xử lý có một số vướng mắc mà chúng tôi không thể dồn hết sức, tập trung vô được. Có cái khách quan là do địa phương chúng tôi vấn đề về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất phức tạp liên quan đến nhiều dự án lớn của quốc gia… anh em ai cũng làm việc từ 7 giờ sáng đến tối, không ai bỏ không gì đâu... Cho nên nói để cho gia đình bớt bức xúc”, ông An trình bày.

Trả lời những thắc mắc của bà Oanh khi nào vụ việc được giải quyết dứt điểm? Ông An cho biết, mỗi vụ việc đều có quy trình về thời gian xử lý, nhưng đó là những vụ việc thông thường. Còn đối với vụ việc này ngay từ đầu đã có những vướng mắc về pháp lý trong quá trình xác nhận các nguồn gốc liên quan, chưa có sự đồng thuận, thống nhất cao nhất giữa các phòng ban, giữa hội đồng bồi thường với nhau.

Do đó, sau khi tiếp nhận hồ sơ đã cho rà soát lại toàn bộ vụ việc, tiếp tục làm rõ những vấn đề chưa được sáng tỏ như: Thiếu phần hỗ trợ cây trồng, thiếu phần hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp… Qua đó, sẽ tiếp tục liên hệ với các sở ngành để tìm ra tiếng nói chung, đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật, ra cái quyết định cuối cùng cho phù hợp.

Tuy nhiên, khi được hỏi về thời gian cụ thể để giải quyết dứt điểm thì lãnh đạo UBND huyện Long Thành vẫn chưa thể trả lời được và cũng chỉ hứa hẹn giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Cũng tại buổi làm việc lần này, phía gia đình bà Oanh có đưa ra vấn đề tạm ứng trước số tiền bồi thường để phục vụ cho nhu cầu tái sản xuất, ổn định cuộc sống theo đúng tinh thần Văn bản số 12452/UBND-ĐT ngày 15/11/2018 của UBND tỉnh Đồng Nai đối với nội dung: “Đề nghị Tổng Công ty Tín Nghĩa thống nhất việc tạm ứng tiền để chi trả cho gia đình bà Oanh khi có đề nghị của UBND huyện Long Thành”. Thế nhưng, tại buổi làm việc với gia bà Oanh lần này, lãnh đạo UBND huyện Long Thành lại cho rằng “vấn đề này vẫn chưa được nghe báo cáo”?!.

Khu đất của gia đình nay đã biến thành nhà xưởng kiên cố, sắp đi vào hoạt động.

Có một thực tế là từ sau thời điểm bị lấy đất để phục vụ cho việc thực hiện dự án KCN An Phước, gia đình bà Oanh đã không còn đất để canh tác, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Vậy nhưng, suốt từ đó đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có một phương án hỗ trợ nào để gia đình sớm ổn định cuộc sống. Ngược lại, trên phần đất của gia đình lại đang được Tổng Công ty Tín Nghĩa cho các đơn vị khác thuê lại kiếm lời.

Từ chính bức xúc đó, bà Oanh cho rằng, quá trình xử lý, giải quyết của UBND huyện Long Thành rất vòng vo, không những gây thiệt hại lớn về kinh tế cho gia đình mà còn tạo tiền lệ xấu cho những vụ việc khác về sau.

“Nếu thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo thì gia đình tôi đã nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ cách đây gần 8 tháng và nếu lấy số tiền được bồi thường đó đi gửi ngân hàng thì số tiền sinh lời ra cũng không phải là con số ít. Vậy, những thiệt hại đó sau này ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Cá nhân người thực hiện công việc đó hay Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm chi trả số tiền đó cho người dân?”.

Những thắc mắc đó cũng chính là những bất cập đang tồn tại, khiến nhiều người đặc biệt quan tâm. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, đề nghị UBND huyện Long Thành sớm hoàn tất các hồ sơ pháp lý liên quan, giải quyết dứt điểm vụ việc. Đồng thời, xem xét việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân sau khi bị thu hồi đất; Có phương án hỗ trợ đối với diện tích đất, tài sản và cây trồng trên đất khi thu hồi theo đúng tình thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo số 356/TB-VPCP. Nghiêm túc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị liên quan khi để vụ việc kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người, gây bức xúc.

Bảo Hà - Trọng Vũ

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/huyen-long-thanh-nhan-khuyet-diem-nhung-ai-phai-chiu-trach-nhiem-trong-viec-cham-boi-thuong-cho-nguoi-dan-d101698.html