Huyện Mê Linh: Thế và lực mới sau 10 năm sáp nhập về Thủ đô

Về quê hương Hai Bà Trưng trong những ngày này như thấy rộn ràng hơn khi điểm mốc ghi dấu chặng đường 10 năm sáp nhập về Hà Nội theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII đang đến thật gần.

Từ tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, sau 10 năm sáp nhập về Hà Nội theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII, kinh tế Mê Linh luôn duy trì phát triển với tốc độ tương đối cao; cơ câụ́ kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh dịch vụ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn Thông tin về Thành tựu sau 10 năm sáp nhập về Hà Nội

Trong đó, tốc độ phát triển kinh tế trong 10 năm qua của huyện đạt mức tăng bình quân khá cao 10,2%/năm. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng hàng năm, năm 2017 đạt 448 tỷ đồng, tăng 33,8% so vói năm 2008 (334,6 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu ngươi trên địa bàn được cải thiện rõ rệt, năm 2017 đạt 35,4 triệu đồng/người, gấp 3,2 lần so với năm 2008 (11,04 triệu đồng/người).

Công nghiệp của huyện Mê Linh cũng đóng vai trò lớn và chiếm tỉ trọng chủ yếu, có tác động chính thúc đẩy kinh tế của huyện khi phát triển với tốc độ cao, quy mô ngành công nghiệp tăng gấp 2,88 lần. Hiện Mê Linh đang có 2 khu công nghiệp là Quang Minh I có diện tích 407 ha, tỉ lệ lấp đầy trên 95% và Quang Minh II có diện tích 300ha đang chờ Thành phố điều chỉnh quy hoạch .

Đường vào Khu công nghiệp Quang Minh

Cùng với đó, trong 10 năm qua, trên địa bàn huyện Mê Linh đã thành lập mới hơn 1.300 doanh nghiệp, hơn 6.400 hộ kinh doanh, 82 hợp tác xã; góp phần quan trọng trong việc tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động.

Trong 10 năm qua, tốc độ phát triển dịch vụ của Mê Linh luôn ở mức cao và đang tiếp tục dịch chuyển để đạt cơ cấu ngang bằng và vượt nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Trưởng phòng kinh tế huyện Mê Linh cho biết, để nâng cao thu nhập cho người nông dân, huyện Mê Linh đã định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa.

Chính vì vậy, huyện Mê Linh cũng đã từng bước quy hoạch thành công các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn như: vùng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh trồng rau, trồng hoa…

Mô hình trồng hoa Hồng thế cho kinh tế cao

Hiện, Mê Linh là huyện có diện tích trồng hoa lớn nhất Hà Nội với diện tích hơn 1.400 ha; đồng thời mở rộng được hơn 12 ha hoa hồng ở xã Văn Khê cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Huyện cung cấp 20% lượng hoa và 25% lượng rau cho thành phố; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Đến kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư

Từ một huyện thuần nông, hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu, trụ sở làm việc của Huyện ủy - HĐND - UBND và các cơ quan thuộc huyện chưa được đầu tư xây dựng, vậy mà chỉ sau 10 năm sáp nhập, Mê Linh đã như khoác lên mình một tấm áo mới, với hệ thống hạ tầng khung được quan tâm đầu tư, góp phần không nhỏ trong thúc đẩu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Khu hành chính của Huyện Mê Linh

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, trong 10 năm qua, nguồn lực đầu tư cho các ngành, lĩnh vực trọng tâm của Mê Linh lên tới 3.563 tỷ đồng. Trong đó, trên 1,1 nghìn tỷ đồng đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông và trên 1,3 nghìn tỷ đồng đầu tư cho giáo dục; cùng hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho các lĩnh vực như: Điện chiếu sáng, thủy lợi, Y tế, văn hóa, thể thao…

Theo đó, một số công trình quan trọng đã được đưa vào sử dụng, đã góp phần làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của huyện Mê Linh, như: Trụ sở làm việc của huyện và các cơ quan với diện tích trên 40 ha; đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh; tuyến đường 35; đường Quốc lộ 23B; đường hành lang đê tả sông Hồng; tuyến đường 24km khu trung tâm hành chính huyện Mê Linh và nhiều tuyến đường khác về các xã trên địa bàn.

Đặc biệt trong công tác xây dựng nông thôn mới, sau 7 năm triển khai đến nay, toàn huyện đã có 12/16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần thúc đẩy bộ mặt nông thôn của Mê Linh có nhiều khởi sắc, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch sẽ; trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang; xây dựng nhà văn hóa đến từng thôn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân; giao thông, thủy lợi nội đồng được cứng hóa, phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Cùng với đó, Mê Linh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa với quy mô 200 giường bệnh, cùng nhiều trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Mô hình làm kinh tế vườn tại xã Kim Hoa

Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục cũng luôn được huyện Mê Linh dành nhiều sự quan tâm. Tính đến nay, toàn huyện có 46/75 trường chuẩn Quốc gia, đạt tỉ lệ 61,3%. Huyện cũng đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 71 trường học, xóa bỏ 224 phòng học tạm, phòng học xuống cấp gắn với đầu tư, trang bị cho các trường nhiều thiết bị dạy và học hiện đại…

Nhìn vào những kết quả đã đạt được của Mê Linh trong chặng đường 10 năm sáp nhập về Hà Nội càng cho thấy tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Và, thành tựu ấy cũng là điểm tựa để Mê Linh hướng đến những đích đến xa hơn, hòa cùng mạch đập phát triển của Thủ đô.

Lan Chi

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//huyen-me-linh-the-va-luc-moi-sau-10-nam-sap-nhap-ve-thu-do_n38876.html