Huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa): Thi công tuyến kênh, hơn trăm hộ dân bị nứt nhà

Hơn 100 hộ dân tại xã Nguyệt Ấn (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng do nhà thầu nổ mìn thi công tuyến kênh chính thuộc hợp phần kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã (kênh Bắc). Theo phản ánh, việc này đã gây nứt, gãy hàng loạt ngôi nhà, mất nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống và an toàn của người dân.

Toàn bộ tường nhà anh Hoàng Đình Hào (Liên Cơ 3, xã Nguyệt Ấn) bị nứt và có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào. Ảnh: Ngọc Hưng

Di tản cả nhà ngay trong đêm

Được biết, đây là gói thầu xây dựng số 22, thuộc dự án Bắc Sông Chu – Nam Sông Mã được khởi công xây dựng từ tháng 3/2015. Hiện, các hạng mục thuộc phần thượng lưu và hạ lưu của gói thầu đã thi công xong, còn lại phần đào đá 203m, đổ bê tông 8.500m3 và hoàn thành đường giao thông liên xã đang được nhà thầu tập trung triển khai. Tổng chiều dài tuyến kênh Bắc đi qua xã Nguyệt Ấn là 6,5km, được chia thành 3 gói thầu, trong đó có gói thầu của Công ty CP Xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật Hà Nam với chiều dài gần 3km qua các thôn Liên Cơ 1, 3, làng Nán toàn đá ngầm, khiến nhà thầu phải dùng phương pháp nổ mìn phá đá để thi công. Việc nổ mìn từ năm 2015- 2016 gây dư chấn, văng đất đá nhỏ, vỡ ngói, mái nhà. Tổng số hộ bị ảnh hưởng do nổ mìn lên đến trên 150 hộ thuộc 3 thôn Liên Cơ 1, Liên Cơ 3 và làng Nán. Trong đó, có 3 hộ phải di dời khẩn cấp để đảm bảo tính mạng.

Gặp chúng tôi khi vừa cùng vợ trở về nhà dọn dẹp đồ đạc sau chuỗi ngày dài di tản đi nơi khác, ông Nguyễn Ngọc Đức (thôn Liên Cơ 1) cho biết, do nhà bị nứt gãy nghiêm trọng, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho cả gia đình, cách đây ít hôm, gia đình ông đã phải di chuyển ngay trong đêm. “Nhà tôi thuộc dạng kiên cố nhất xã, xây từ năm 2008 chưa hề có một vết nứt nhỏ. Tuy nhiên, từ khi nổ mìn làm kênh đến nay thì nhiều vị trí trong nhà nứt toác, sụt lún nền nhà, các kết cấu bị tách rời, tường nhà bị xé toạc và có thể đổ sập bất kỳ lúc nào”, ông Đức nói

Trong ngôi nhà 2 tầng còn khá mới mẻ nằm chênh vênh ngay sát công trình đang thi công, anh Hoàng Đình Hào (thôn Liên Cơ 3) chỉ cho chúng tôi xem những vết nứt gãy chạy ngang, dọc khắp phần chân móng đến cổ tường trong nhà của mình. Anh Hào kể, từ khi nhà thầu bắt đầu cho nổ mìn thi công dự án, nhà anh và các hộ dân khác trong thôn đã bắt đầu xuất hiện các vết nứt. Ban đầu là những vết rạn nhỏ sau cứ lớn dần theo tiến độ của công trình. Đến nay, nhiều vết nứt toác đã có thể đút vừa bàn tay. Đáng lo ngại hơn là phần bếp và công trình phụ của nhà anh Nghĩa và nhiều gia đình khác đã bị kéo ngửa ra phía kênh Bắc và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, từ khi tuyến kênh được thi công với chiều sâu từ 12 - 15m thì cả trăm giếng nước khoan, giếng khơi của các hộ dân trong xã cũng bị cạn kiệt. Sinh hoạt thường nhật bị đảo lộn, nhiều hộ đã đi tìm thuê thợ khoan giếng về khoan giếng khác, sâu 40 - 50m để lấy nước dùng, tốn kém hàng chục triệu đồng. Thế nhưng ngay cả việc khoan giếng này cũng chẳng khác nào “chơi xổ số”, vì không phải giếng nào khoan cũng may mắn gặp được mạch nước ngầm. Thiếu nước sinh hoạt, các hộ dân ở đây đã phải mua nước từ nơi khác vận chuyển đến với giá 50.000 đồng/m3.

Cần một lời hứa

Do lo lắng cho sự an toàn tính mạng và tài sản, các hộ dân tại các thôn nêu trên đã yêu cầu nhà thầu dừng thi công đến khi có một cam kết chính thức về mức đền bù mà người dân đang phải hứng chịu. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quốc Đạt - Tổ trưởng Tổ quản lý thi công thuộc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 3 Thanh Hóa cho biết, sau sự cố nổ mìn thi công ảnh hưởng đến các hộ dân tại xã Nguyệt Ấn, nhà thầu đã đổi biện pháp thi công sang dùng máy xúc, khoan đục đá. Tuy nhiên, do công tác đền bù chưa được triển khai nên các hộ dân vẫn ngăn cản chưa cho nhà thầu thi công. “Theo tiến độ thì đến cuối năm 2017 phải hoàn hoàn thành dự án, nhưng cứ với tình trạng này thì chưa biết đến bao giờ mới có thể bàn giao công trình”, ông Đạt nói.

Được biết, trước tình hình trên, ngày 7/11, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã có cuộc kiểm tra thực tế và làm việc việc với các bên. Tại cuộc làm việc này, ông Nguyễn Đức Quyền đã yêu cầu tạm dừng việc kiểm đếm, đánh giá thiệt hại do vẫn còn phát sinh nhiều điểm sạt nứt tại các hộ dân, đồng thời nhanh chóng di dời các hộ dân bị thiệt hại nghiêm trọng đến nơi an toàn. Sau khi công trình hoàn thành sẽ thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại để bồi thường đúng theo quy định. Nguồn kinh phí đền bù dự kiến sẽ được lấy từ các đơn vị thi công, bảo hiểm của tư vấn và bảo hiểm công trình. Khi làm thủ tục đền bù phải đảm công bằng, công khai cho từng hộ dân.

Anh Hoàng Đình Hào (thôn Liên Cơ 3) cho biết: “Sau khi sảy ra sự cố, đã nhiều lần người dân gửi đơn kiến nghị lên xã, huyện để kêu cứu và thực chất cũng đã có nhiều đoàn công tác liên ngành về kiểm tra, đo đếm thiệt hại thực tế của người dân nhưng công tác đền bù thì vẫn chưa được triển khai. Điều chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là những thiệt hại kể trên chưa được đơn vị nào đứng ra cam kết chịu trách nhiệm”.

Ngọc Hưng - Văn Sơn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/huyen-ngoc-lac-thanh-hoa-thi-cong-tuyen-kenh-hon-tram-ho-dan-bi-nut-nha-20171117212132015.htm