Huyện Nhà Bè: Các địa điểm văn hóa cơ sở không thu hút được người dân

Phát biểu tại buổi khảo sát, đại diện các sở ngành đã chỉ ra những yếu kém, hạn chế trong thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển các loại hình văn hóa ở cơ sở mà nhiều năm qua huyện Nhà Bè đã không quan tâm, chú ý.

Chiều 6-4, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM đã có buổi khảo sát tại UBND huyện Nhà Bè về tình hình đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần người dân trên địa bàn. Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình chủ trì buổi khảo sát.

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè cho biết, huyện có 3 cơ sở văn hóa tập trung, trọng điểm là Trung tâm Văn hóa huyện, Nhà Thiếu nhi và Nhà Văn hóa Công nhân huyện. Nhưng do đặt ở vị trí không thuận lợi, xa khu dân cư nên nhiều năm qua chưa thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa, thể thao tại địa bàn dân cư của 7 xã, thị trấn nhiều năm qua cũng hoạt động kém hiệu quả, thiếu các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí phục vụ người dân; các công trình, thiết chế phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của người dân so với yêu cầu phát triển còn hạn chế…

Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Lê Thị Anh Thư phát biểu tại buổi khảo sát

Phát biểu tại buổi khảo sát, đại diện các sở ngành của TPHCM đã chỉ ra những yếu kém, hạn chế trong thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển các loại hình văn hóa ở cơ sở mà nhiều năm qua huyện Nhà Bè đã không quan tâm, chú ý. Cụ thể, hiện ở Nhà Bè hầu như không có các sản phẩm du lịch thu hút du khách; các lễ hội, hoạt động văn hóa mang yếu tố truyền thống văn hóa, lịch sử cũng còn nhiều hạn chế, chưa gắn kết, hỗ trợ phát triển du lịch…

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình phát biểu kết luận buổi khảo sát

Kết luận buổi khảo sát, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình đề nghị UBND huyện Nhà Bè cần chú trọng hơn đến tính kết nối và duy trì, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trong mạng lưới các thiết chế văn hóa sẵn có ở từng cơ sở, địa bàn dân cư.

Đồng thời, tiến hành quy hoạch, xác định nhu cầu và quỹ đất dự trữ cho việc đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế ngày càng cao trong các tầng lớp nhân dân; chủ động tham mưu, đề xuất với HĐND huyện, các sở ngành TP trong đầu tư nguồn lực cho hoạt động văn hóa ở cơ sở.

HOÀI NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/huyen-nha-be-cac-dia-diem-van-hoa-co-so-khong-thu-hut-duoc-nguoi-dan-post684824.html