Huyện Như Thanh, Thanh Hóa: Lo núi lở, người dân sống trong sợ hãi

Thời gian qua, người dân dưới chân dãy Lèn Bai (thôn Xuân Lộc, xã Xuân Khang, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) luôn phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ núi đá sạt lở. UBND huyện Như Thanh đã có chỉ đạo về việc nhanh chóng di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm nhưng việc này vẫn chưa được giải quyết. Đâu là nguyên do khiến các hộ dân vẫn phải 'treo' tính mạng mình dưới chân núi đá có thể đổ sập bất cứ lúc nào?

Hiểm họa sạt lở núi luôn rình rập các hộ dân tại thôn Xuân Lộc. Ảnh: Gia Hân

Hiểm họa sạt lở núi luôn rình rập các hộ dân tại thôn Xuân Lộc. Ảnh: Gia Hân

Tính mạng "treo" dưới chân núi Lèn Bai

Cách đây gần 2 năm, tại thôn Xuân Lộc đã xảy ra vụ sạt lở khiến cả nghìn khối đất đá trên vách núi dội xuống khu vực các hộ dân sinh sống, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và đe dọa trực tiếp tới tính mạng của nhiều người. Sau đó, UBND huyện Như Thanh đã chỉ đạo UBND xã Xuân Khang cấp thiết lên kế hoạch, thực hiện di dời người dân tới nơi an toàn. Tuy nhiên gần 2 năm trôi qua, người dân nơi đây lại phải lên tiếng "kêu cứu". Đơn giản bởi, gần 2 năm ấy, họ luôn sống trong âu lo, đi không được, ở chẳng xong.

Anh Lô Văn Quý (ở thôn Xuân Lộc) cho biết: "Trận sạt lở tháng 9/2018 giờ vẫn hằn nỗi sợ hãi trong tâm trí người dân. Trận sạt lở ấy đã cướp đi của gia đình tôi một căn nhà, 4 con dê, 6 cây lát cổ thụ cùng nhiều hoa màu. Rất may là vẫn giữ tính mạng các thành viên trong gia đình".

Cũng theo anh Quý, ngay sau sự cố xảy đến, gia đình anh cùng các hộ dân khác sống dưới chân núi đã làm đơn gửi lên chính quyền các cấp của huyện Như Thanh. Nội dung đơn nêu rõ nguyện vọng được di dời, tái định cư đến nơi ở mới an toàn hơn. "Biết là sống ở đây nguy hiểm đến tính mạng của các thành viên trong gia đình, nhưng chúng tôi cũng không có sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi mong chính quyền địa phương sớm hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi ở mới. Chứ mùa bão cũng đang đến rất gần, chúng tôi lo lắm", anh Quý nói.

Cách nhà anh Quý không xa là gia đình bà Phạm Thị Lương. Trái với việc bất đắc dĩ ở lại căn nhà đầy nguy hiểm, bà cùng con cái (gia đình 7 nhân khẩu) không mấy khi có mặt ở nhà, đặc biệt là vào mỗi dịp mưa bão. Mới đầu chúng tôi tưởng gia đình bà đã mua được đất, cất dựng nhà ở một nơi mới nhưng hóa ra, suốt gần 2 năm qua, gia đình bà Lương phải đi ở nhà người thân, qua đợt bão gió lại gồng gánh dọn về nhà. Theo hàng xóm của gia đình bà Lương, đợt lở đất năm 2018 đã khiến nửa ngọn núi đá Lèn Bai đổ ụp xuống, rất may gia đình bà Lương và các hộ dân lân cận thoát được nạn trong gang tấc.

Gần 2 năm, người dân vẫn chưa thể di dời

Anh Lô Văn Quý mong được chính quyền quan tâm, hỗ trợ gia đình được có nơi ở mới an toàn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Kim Do - Chủ tịch UBND xã Xuân Khang cho biết, hiện chính quyền địa phương đã cho cắm biển cảnh báo, cấm người và gia súc qua lại trong vùng nguy hiểm, đồng thời báo cáo cụ thể tình hình lên huyện. Trước sự cấp bách này, UBND huyện Như Thanh đã giao cho UBND xã xây dựng phương án di dời những hộ dân sinh sống trong vùng nguy hiểm. UBND huyện Như Thanh cũng thống nhất trích từ ngân sách huyện, hỗ trợ mỗi hộ nằm trong diện phải di dời 50 triệu đồng. Số kinh phí này sẽ được bố trí thông qua nguồn ngân sách năm 2020 của xã. Tuy nhiên đến nay, UBND xã Xuân Khang vẫn chưa nhận được khoản tiền này.

Cụ thể, theo ông Do, sau khi xây dựng kế hoạch, UBND xã đã lên phương án để di dời các hộ dân đến khu đất tại Trường tiểu học thôn Xuân Lộc cũ hiện nay đã không còn sử dụng. Tuy nhiên, vì đây là đất công nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua. Trong khi đó, mãi đến tháng 1/2020, dự án tái định cư cho các hộ dân nói trên mới được UBND tỉnh đồng ý phê duyệt đưa vào kế hoạch sử dụng đất của huyện năm 2020.

Theo ông Do, nguyên nhân chính dẫn đến việc chưa thể di dời bà con ra vùng an toàn vẫn là do vướng thủ tục thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công. Chính quyền đã giao cho địa chính xã cùng các ban ngành phải hoàn tất các hồ sơ thủ tục liên quan đến việc thu hồi đất ngay trong nửa đầu tháng 2/2020 để trình UBND tỉnh, phấn đấu trước mùa mưa bão sẽ hoàn thành việc di dời các hộ dân ra nơi ở mới.

Ông Do cho biết: "Hiện mức hỗ trợ cho bà con là thấp, nhưng xã đang khẩn trương vận động người dân di dời vì sự an toàn của chính họ. Để người dân yên tâm chuyển đến nơi ở mới, xã cũng đã lên phương án sẽ cấp cho mỗi hộ dân đến nơi ở mới 500m2 đất, trong đó có 400m2 đất ở và 100m2 đất canh tác. Đồng thời, UBND xã Xuân Khang sẽ đề nghị với huyện UBND huyện Như Thanh, chuyển đổi toàn bộ diện tích nơi ở cũ của các hộ thành đất canh tác, sản xuất nông nghiệp".

Gia Hân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/huyen-nhu-thanh-thanh-hoa-lo-nui-lo-nguoi-dan-song-trong-so-hai-20200217160835056.htm