Huyện Nông Cống thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế theo hướng bền vững

Thời gian qua, huyện Nông Cống đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, trọng tâm là phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề; đào tạo nguồn nhân lực.

Công nhân Công ty TNHH Giầy xuất khẩu Kim Việt (thị trấn Nông Cống) trong ca sản xuất.

Năm 2019, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống bảo đảm toàn diện, dân chủ, đúng quy định của pháp luật; quy chế làm việc và chương trình công tác năm của UBND, Chủ tịch UBND huyện đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ, linh hoạt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh và phối hợp của các sở, ban, ngành của tỉnh. Năm 2019, công tác chỉ đạo điều hành của UBND huyện lựa chọn với chủ đề là “Nâng cao chất lượng tham mưu và kỷ cương hành chính”; công khai, minh bạch, coi trọng chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức... Việc triển khai thực hiện được cụ thể hóa bằng chương trình công tác năm, kế hoạch, các đề án; trong các văn bản chỉ đạo, điều hành, UBND, Chủ tịch UBND huyện đã xác định rõ trách nhiệm, thời gian thực hiện cụ thể cho từng phòng, từng xã, thị trấn, các cơ quan có liên quan. Đồng thời, định kỳ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, điều chỉnh, bổ sung những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và tập trung quản lý, chỉ đạo, điều hành, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Trong năm 2019, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống đã ban hành 22 chỉ thị trên tất cả các lĩnh vực và thực tế đã tạo cơ sở pháp lý cho các phòng, ban và UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực và công tác chỉ đạo, điều hành đã được nâng lên. Đồng thời, Chủ tịch UBND, các Phó chủ tịch UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các phòng, ban, các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn và ban hành hơn 100 thông báo kết luận các hội nghị, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị và thời gian hoàn thành nhiệm vụ được giao... Trong phát triển kinh tế, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp và năm qua đã chuyển đổi được 200 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản theo mô hình cá - lúa, xây dựng trang trại tổng hợp có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, liên kết sản xuất 860 ha lúa (vụ đông xuân 440 ha, vụ thu mùa 420 ha); xây dựng vùng sản xuất lúa VietGAP với diện tích 100 ha tại hai xã Tượng Văn, Trường Sơn; xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Hương quê” huyện Nông Cống. Mở rộng thêm 6 ha vùng sản xuất rau an toàn tại hai xã Trường Sơn, Vạn Thắng, nâng tổng diện tích vùng rau an toàn lên 22 ha. Để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao trên địa bàn, huyện đã thực hiện tích tụ được 220 ha... Năm 2019, giá trị sản xuất 1 ha canh tác trên địa bàn đạt 101 triệu đồng/ha. Huyện tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn, đẩy lùi bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y. Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại hai xã Yên Mỹ, Công Bình, với quy mô hơn 20.000 con bò sữa đã được khởi công xây dựng. Đồng thời, thành lập HTX chăn nuôi bò sữa nông hộ công nghệ cao tại hai xã Yên Mỹ, Công Bình; thành lập HTX nuôi trồng thủy sản tại xã Trường Giang; HTX chăn nuôi dê an toàn sinh học tại xã Hoàng Sơn. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn và đạt được nhiều kết quả tích cực; năm 2019, toàn huyện đạt 537 tiêu chí, bình quân đạt 17,9 tiêu chí/xã, có 18 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 60%.

Đi đôi với phát triển nông nghiệp, huyện Nông Cống tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Hiện trên địa bàn huyện có 4.926 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tăng 3% so với năm 2018. Các công ty may xuất khẩu, Công ty CP Mía đường, Nhà máy giấy Lam Sơn, Công ty CP Phân bón Secpentin, các doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng đã đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, vì vậy tiếp tục có sự tăng trưởng cao. Nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp được duy trì, mở rộng sản xuất. Công tác phát triển doanh nghiệp được huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện; đến nay, đã thành lập mới được 75 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn lên 363 doanh nghiệp. Các hoạt động khởi sự doanh nghiệp, bồi dưỡng kiến thức cho doanh nhân tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả. Chủ tịch UBND huyện tổ chức tiếp doanh nghiệp, gặp mặt, đối thoại giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được thực hiện định kỳ hàng tháng. Kinh tế tập thể tiếp tục được huyện quan tâm, củng cố, nâng chất lượng hoạt động của HTX theo Luật HTX năm 2012. Công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch mang tính chiến lược và lâu dài được chú trọng; nhất là thực hiện các quy hoạch mang tính chiến lược, như: Quy hoạch các khu hạ tầng kỹ thuật, dự án sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư; quy hoạch cụm công nghiệp...; qua đó, tạo tiền đề cho việc thu hút đầu tư, lập các dự án đầu tư hạ tầng đô thị, khu dân cư mới... Với việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của UBND, Chủ tịch UBND huyện, của các phòng, ban, các xã, thị trấn, sự nỗ lực của nhân dân, năm 2019, giá trị sản xuất các ngành kinh tế 9.506,9 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch, tốc độ phát triển giá trị sản xuất tăng 14,6% (kế hoạch 13,8%). Cơ cấu giá trị sản xuất: Nông, lâm, thủy sản 25,28%; công nghiệp, xây dựng 45,78%; dịch vụ 28,94%. Thu nhập bình quân đầu người 36,5 triệu đồng/người/năm, tăng 13,3% so với cùng kỳ; tổng huy động vốn đầu tư phát triển 3.293 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ.

Đi đôi với phát triển kinh tế, huyện Nông Cống tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Ngành giáo dục làm tốt công tác huy động các nguồn lực xã hội để tăng cường, nâng cao chất lượng các điều kiện phục vụ giáo dục; chất lượng dạy, chất lượng học. Chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động tiếp tục được tập trung chỉ đạo; công tác giảm nghèo được chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Huyện tập trung triển khai đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề nhằm góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng vững chắc.

Đồng chí Mai Nhữ Thắng, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết: Phát huy kết quả đạt được trong năm qua, năm 2020, huyện Nông Cống lựa chọn công tác chỉ đạo điều hành với chủ đề “Kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả và thắng lợi”. Huyện tiếp tục tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện gắn với phát triển bền vững; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Nâng cao chất lượng văn hóa – xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân; thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu năm 2020, giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 10.938 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/người/năm.

Bài và ảnh: Xuân Hùng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/huyen-nong-cong-thuc-hien-co-hieu-qua-cac-giai-phap-phat-trien-kinh-te-theo-huong-ben-vung/113320.htm