Huyện Quan Sơn - khi cán bộ gần dân, sát dân và hướng về cơ sở

Bằng việc hướng về cơ sở với tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức của huyện Quan Sơn đang tạo ra hình ảnh mới trong tác phong làm việc 'sát dân, sát địa bàn'.

Các đồng chí lãnh đạo huyện về dự sinh hoạt tại chi bộ bản Tình, xã Tam Lư.

Từ tháng 4-2018, huyện Quan Sơn đã triển khai xây dựng mô hình cán bộ, công chức từ huyện đến xã về cơ sở tại 3 xã Trung Hạ, Sơn Lư, Tam Lư (được huyện gọi tắt là mô hình 3+1). Theo đó, mỗi tháng cán bộ lãnh đạo, công chức trong huyện dành 3 tuần làm việc tại cơ quan, đơn vị và 1 tuần xuống các thôn, bản để nắm tình hình, hướng dẫn các cấp ủy đảng cơ sở triển khai các nghị quyết, chỉ thị của các cấp đi vào cuộc sống. Đồng thời, cùng nhân dân tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị.

Xã Tam Lư có 662 hộ dân, với 2.894 khẩu, gồm 3 dân tộc Thái, Mường, Kinh, sinh sống ở 6 bản. Những ngày này cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong xã đang nỗ lực cho ngày xã Tam Lư cán đích nông thôn mới. Theo sự phân công của đảng ủy xã, đồng chí Lê Đình Thiện, phó bí thư đảng ủy xã và đồng chí Vi Văn Piên, chủ tịch UBND xã, phụ trách bản Tình. Đã thành nền nếp vào 2 ngày cuối tuần, các đồng chí Thiện và Piên lại sắp xếp thời gian về bản Tình, để cùng cấp ủy cơ sở bàn bạc giải pháp giúp bà con phát triển kinh tế rừng, gắn với chăn nuôi đại gia súc, xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Kể từ khi có đồng chí phó bí thư đảng ủy xã và chủ tịch UBND xã về dự sinh hoạt chi bộ, trực tiếp đối thoại với nhân dân, tham gia vào công việc chung của cộng đồng đã tạo không khí thi đua lao động sản xuất trong dân bản. Thời điểm bắt đầu triển khai XDNTM bản Tình có nhiều tiêu chí chưa đạt, như: Cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, môi trường, đường giao thông ... Đáng nói hơn đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao và hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân. Bằng việc đổi mới phương thức chỉ đạo thực hiện, 2 đồng chí Thiện, Piên luôn bám cơ sở, tổ chức giao ban hàng tuần tại bản để nắm bắt kịp thời tiến độ công việc, lắng nghe ý kiến của các thành viên trong tiểu ban phát triển bản và người dân. Trên cơ sở đó, có những chủ trương, giải pháp cho từng nội dung công việc, kịp thời tháo gỡ khó khăn ngay tại cơ sở. “Nói đi đôi với làm” 2 đồng chí Thiện, Piên đã tạo được sức lan tỏa đến nhân dân bản Tình. Nhờ vậy, bà con đã tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đóng góp tiền, ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, chỉnh trang nhà cửa, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Đến nay, bằng sức đóng góp của nhân dân, bản Tình đã bê tông hóa gần 2 km đường giao thông nội bản, hơn 80% số hộ có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 31 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 6,66%. Đầu tháng 9 vừa qua, bản Tình đã được công nhận bản NTM.

Được biết, sau 3 xã Trung Hạ, Sơn Lư, Tam Lư, mô hình 3+1 trong chỉ đạo cơ sở đã được triển khai đồng loạt tại các xã, thị trấn và 94 chi bộ thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện. Đồng chí Chu Đình Trọng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, cho biết: Mô hình 3+1 trong chỉ đạo cơ sở ra đời không chỉ khắc phục tình trạng “nút thắt” trong khâu tổ chức thực hiện ở cơ sở, mà còn đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến xã. Điều được nhân dân ghi nhận, đồng tình hưởng ứng chính là tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức của huyện có tinh thần trách nhiệm, chủ động bám sát cơ sở, gần dân, trọng dân, lắng nghe, đối thoại trực tiếp với nhân dân để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, phát sinh ở thôn, bản. Không những vậy, việc triển khai mô hình 3+1 trong chỉ đạo cơ sở cũng là một bước để huyện Quan Sơn “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu; của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh quyết tâm chính trị cao, sáng tạo trong tư duy, quyết liệt trong hành động thì trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã đổi mới phong cách làm việc, nói đi đôi với làm và phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở.

Bài và ảnh: Trần Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/yxglhp/new-article.aspx