Huyện Quốc Oai: Băn khoăn về sự ổn định ở 'đầu ra' của sản phẩm

Chia sẻ với đoàn các nhà báo đi thực tế về Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn mới do Hội Nhà báo Hà Nội tổ chức, ông Đỗ Lai Luật, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, Hà Nội cho biết: Đến nay trên địa bàn huyện đã có 20/20 xã về đích nông thôn mới, vượt chỉ tiêu đề ra.

Theo ông Đỗ Lai Luật, hiện nay huyện đang quyết tâm triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ để hoàn thành các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018. Qua rà soát đánh giá 9 tiêu chí, đến nay huyện có 5 tiêu chí đạt…

Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho rằng: Sau 2 năm huyện đã đạt được những kết quả tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch (đất đai, quy hoạch cùng sản xuất tập trung) đã có chuyển biến, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung lúa chất lượng cao, cây ăn quả, vùng chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản… Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng nông nghiệp hàng hóa,, hiệu quả, bền vững và có giá trị kinh tế cao, phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ Trang trại Lâm Thúy (bên trái ảnh) chia sẻ với Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội Nguyễn Viêm Hoàng về mô hình chăn nuôi của mình. ẢNH:T.A

Tổng giá trị sản xuất nông, lâm thủy sản năm 2017 đạt gần 1.500 tỷ đồng, chiếm 14,41% trong cơ cấu kinh tế; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 1,66%/năm; giá trị sản phẩm trên 1ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt 139,3 triệu đồng…

Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản tập trung tiếp tục phát triển, có 13 hộ chăn nuôi theo quy trình VIETGAP; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 635ha, tăng 52ha so với 2015, đưa giá trị ngành chăn nuôi năm 2017 ước đạt 805 tỷ đồng, chiếm 58,4% trong nông nghiệp.

Huyện đã hoàn thành thẩm định và phê duyệt cho 16 xã vùng quy hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn với tổng diện tích chuyển đổi 2.702,6ha. Đồng thời, định hướng cho các xã ven sông Đáy tập trung phát triển vùng cây ăn quả, rau an toàn; các xã bán sơn địa phát triển trồng cây ăn quả và chăn nuôi, một số mô hình chuyển đổi đã cho kết quả cao gấp 4-5 lần so với cấy lúa; đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, thay đổi bộ giống lúa có năng suất, giá trị kinh tế cao.

Như một minh chứng sống động cho hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch UBND xã Đại Thành đã tự hào khi nhắc đến mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ đất nông nghiệp sang trồng cây ăn quả kết hợp nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm với diện tích gần gần 130ha. Mô hình này đã mang lại tổng giá trị thu nhập năm 2016 trên địa bàn xã đạt gần 215 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016 toàn xã còn 26 hộ nghèo, chiếm 1,59%...

Đặc biệt, mô hình phát triển vùng sản xuất nhãn chín muộn Đại Thành với diện tích chuyên canh là 165ha, cho sản lượng cao, năm 2016 xuất khẩu sang Malaysia được 5 tấn quả. Cùng với thu hoạch quả, vùng trồng nhãn đã xen kẽ nuôi ong lấy mật mang lại giá trị hơn 7 tỷ đồng; cây giống, mắt ghép phục vụ các vùng lân cận… đã mang lại thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên 70 tỷ đồng với bình quân thu nhập 424 triệu đồng/ha canh tác-ông Huy Anh nhấn mạnh.

Những hiệu quả từ việc chuyển đổi mô hình kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được khẳng định. Tuy nhiên, điều khiến lãnh đạo chính quyền cơ sở cũng như những người nông dân trăn trở chính là đầu ra của sản phẩm.

Ông Nguyễn Huy Anh bày tỏ: Năm 2018 điều kiện thời tiết thuận lợi cho cây nhãn ra hoa, kết quả. Sản lượng dự kiến đạt cao, khoảng 2.500 tấn. Người dân đang lo lắng tình trạng được mùa, rớt giá. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ trong quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu, liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Cùng mong muốn sự phát triển bền vững, ổn định, ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại Lâm Thúy, xã Cấn Hữu cho biết: Trang trại nhà ông có 30 nghìn con gà đẻ trứng, mỗi ngày cho 26 nghìn quả. Điều ông trăn trở và mong muốn nhất là được các cơ quan nhà nước tạo đầu ra cho bà con để yên tâm. “Chúng tôi muốn có một đơn vị nào đó nhận bao tiêu đầu ra từ đầu đến cuối. Mong các cơ quan Nhà nước làm cho bà con có lợi vì bà con chỉ biết chăn nuôi. Bà con giờ không muốn lãi suất cao mà muốn đảm bảo ổn định, bền vững”.

Ông Nguyễn Công Thanh, Chủ tịch UBND xã Tân Phú-nơi có đến 50% người dân làm mộc cho biết, xã đang đề nghị gom thành khu mộc riêng rộng 5ha với khoảng 30 xưởng, tách biệt khỏi khu dân cư nhằm tránh ô nhiễm tiếng ồn và bụi cho người dân xung quanh. Đây cũng là mong muốn, đề xuất chung của những người dân làm nghề mộc trên địa bàn xã.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/huyen-quoc-oai-ban-khoan-ve-su-on-dinh-o-dau-ra-cua-san-pham-115072.html