Huyện Sơn Hòa (Phú Yên): Chú trọng đào tạo nghề để tạo việc làm, thu nhập cho đồng bào DTTS

Huyện Sơn Hòa là một trong 3 huyện miền núi của tỉnh Phú Yên. Đi đối với phát triển kinh tế, huyện Sơn Hòa cũng luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là thanh niên, nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), để trang bị kiến thức, kỹ năng cho bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng thời cũng đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp như điện dân dụng, may thời trang và sửa chữa máy nông nghiệp để bà con biết tự lắp đặt, sửa chữa điện trong nhà, biết sửa chữa máy nông nghiệp trong sản xuất, không chỉ tự phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt của gia đình mà còn phục vụ cho bà con trong vùng.

Thể hiện rõ nhất trong việc quan tâm đến công tác đào tạo nghề ở Sơn Hòa là đã được Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư Trường Trung cấp nghề thanh niên dân tộc (TCNTNDT) Phú Yên.

Ông Hoàng Văn Hải - Trưởng phòng đào tạo Trường TCNTNDT Phú Yên cho biết, từ đầu năm đến nay, nhà trường đã mở được 8 lớp nghề với tổng số 226 học viên. Trong đó, có 2 lớp sơ cấp nghề (61 học viên) là nghề Điện dân dụng và May công nghiệp. Dạy nghề thường xuyên 6 lớp với 165 học viên, gồm nghề: Trồng nấm, Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; trồng lúa năng suất chất lượng cao và nghề trồng sắn. Từ đây đến cuối năm 2017, Nhà trường phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đào tạo 320 học viên theo chỉ tiêu được giao.

Để tạo điều kiện cho học viên có điều kiện theo học gần nhà, nhà trường đã phối hợp với chính quyền xã, thôn, buôn khảo sát nhu cầu học nghề và dự báo việc làm sau học nghề phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương để mở lớp dạy nghè phù hợp. Sau đó tổ chức dạy nghề lưu động tại các thôn, buôn, kết hợp thực hành trên diện tích đất trồng trọt và mô hình chăn nuôi của học viên. Song song với với đào tạo nghè nông nghiệp, nhà trường cũng đã phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp, gắn giải quyết việc làm sau đào tạo. Đảm bảo học viên có việc làm sau đào tạo khoảng 75%.

Ông Hoàng Văn Hải đưa chúng tôi đi khảo sát thực tế một số trường hợp học viên sau học nghề để tìm hiểu về công việc làm của họ hiện nay. Gặp anh Ra Lan Văn Biểu, người dân tộc Chăm H’Roi ở thôn Tân Hiệp, xã Sơn Phước cho biết, anh học lớp điện dân dụng ở Trường TCNTNDT Phú Yên vào tháng từ tháng 6 - 9/2014. Sau khi học nghề, được tiếp thu kiến thức, kỹ năng thao tác về điện dân dụng, anh đã về nhà tự lắp đặt trang thiết bị điện cho gia đình. Ngoài ra, quanh làng, bà con có việc cần nhờ anh sửa chữa, lắp đặt điện anh đều nhệt tình phụ giúp. Bà con xem anh là người thợ điện gần gũi, nhiệt tình trong đời sống sinh hoạt. Khi sửa chữa anh lấy tiền thù lao phải chăng “vì tình làng nghãi xóm”.

Còn anh Y Minh học lớp thú y từ tháng 7 - 10/2014, khi về nhà đã áp dụng vào chăn nuôi bò trong gia đình đúng kỹ thuật, đàn bò phát triển khá tốt, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, vệ sinh môi trường chuồng trại, và phòng trị bệnh bệnh cho gia súc. Ngoài việc tự áp dụng kiến thức vào trong sản xuất, anh Y Minh còn hướng dẫn bà con trong thôn, buôn cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, cũng như tham gia vào phòng chống dịch bệnh ở địa phương khi có đợt tiêm gia súc gia cầm. “Một mũi như vậy được 4.000 đồng, có ngày được từ 100 đến 200 ngàn đồng”. Không chỉ có thêm thu nhập mà Y Minh cảm thấy vui hơn khi được áp dụng kiến thức đã học của mình để tham gia vào các hoạt động tại địa phương. Kinh tế gia đình Y Minh hiện có bò nuôi lấy thịt và bò cày ở nhà và cày thuê mỗi ngày khoảng 250.000 đồng. Y Minh còn có 1,6 ha mía, mỗi vụ thu nhập khoảng 72 triệu đồng. “Khi học nghề đã cho mình kiến thức để áp dụng vào sản xuất cho gia đình và phục vụ bà con, xã hội, mình cảm thấy rất vui” - Y Minh chia sẻ.

Ông Lê Văn Phổ-Trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên tìm hiểu việc làm của học viên Ra Lan Văn Biểu, Y Minh sau khi học nghề.

Ở lớp học may như chị Quỳnh Mân ở thôn Hòn Ông, xã Sơn Phước, khi học may về chi đã tự mở tiệm may tại nhà để may áo, quần phục vụ bà con địa phương, nhất là trong những dịp lễ, tết rất đông khách hàng, mỗi tháng thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Hải cho biết, không chỉ tự tạo việc làm, nhà trường còn kiên kết với các doanh nghiệp như Công ty Tấn Minh là đối tác của Công ty KCP hợp tác với trường đào tạo nghề, sau khi đào tạo ra làm việc cho công ty. Hay như liên kết với Công ty May Hưng Phú ở Tuy Hòa đào tạo nghề may, có sự hỗ trợ về kỹ thuật của Công ty và theo dõi, hướng dẫn tay nghề cho các em phù hợp với việc làm tại công ty. Sau khi các em học xong được nhận về công ty làm việc.

“Nhà trường luôn đặt mục tiêu đảm bảo học viên có việc làm sau đào tạo khoảng 75%. Nên chúng tôi luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, trong đó hướng đến đào tạo nghề có địa chỉ, dự báo được việc làm mới mở lớp” - Ông Hải nhấn mạnh.

NGỌC MINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/chu-trong-day-nghe-cho-dong-bao-dtts-d66008.html