Huyện Tân Lạc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Trên địa bàn huyện Tân Lạc có 85% dân số dân tộc Mường, còn lại là dân tộc Kinh và các dân tộc khác cùng sinh sống. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc nói chung, dân tộc Mường nói riêng luôn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở quan tâm, góp phần nâng tầm giá trị bản sắc văn hóa Mường Bi trong cuộc sống hôm nay.

Lễ hội chùa Kè, xã Phú Vinh (Tân Lạc) hội tụ nhiều nét văn hóa Mường độc đáo, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Lễ hội chùa Kè, xã Phú Vinh (Tân Lạc) hội tụ nhiều nét văn hóa Mường độc đáo, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Được giới thiệu của lãnh đạo Phòng VH-TT huyện Tân Lạc, chúng tôi đến thăm xã Phú Vinh, nơi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường. Đồng chí Bùi Đức Thọ, quyền Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có tới 99% dân số là dân tộc Mường. Người dân nơi đây vẫn lưu giữ nét văn hóa truyền thống từ nếp ăn ở, sinh hoạt hàng ngày. Chị em duy trì nét đẹp mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ hội, gia đình có việc. Những ngôi nhà sàn truyền thống, những chiếc chiêng Mường cổ vẫn được bà con lưu giữ như những "báu vật". Đặc biệt, trên địa bàn xã duy trì tổ chức lễ hội chùa Kè hàng năm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài huyện. Con em trên địa bàn dù làm ăn ở đâu cũng về dịp lễ hội để gắn kết nghĩa tình gia đình, cộng đồng…

Trong những năm qua, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường trên địa bàn huyện được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện. Tân Lạc cũng là địa phương còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa (DSVH) vật thể có giá trị truyền thống, như: nhà sàn, trang phục, nghề thủ công truyền thống (mây tre đan, dệt thổ cẩm...); DSVH phi vật thể như tiếng nói, chữ viết, mo Mường, chiêng Mường, nhạc cụ dân tộc, hát dân ca Mường. Hàng năm, huyện chỉ đạo, kiểm kê đưa vào danh mục bảo vệ DSVH vật thể, phi vật thể. Tính đến nay, huyện đã lập hồ sơ khoa học và xếp hạng 11 di tích, danh lam thắng cảnh, có 6 di tích phát huy được giá trị, như: núi Cột Cờ Mường Bi, thác Trăng (xã Nhân Mỹ), động Nam Sơn (xã Vân Sơn), động Thác Bờ (xã Suối Hoa), hang Bụt (thị trấn Mãn Đức), miếu xóm Lũy (xã Phong Phú)…

Xác định, lựa chọn những địa phương còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng không gian văn hóa Mường, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của người Mường. Huyện đã thực hiện bảo tồn một số xóm còn khá nguyên bản của người Mường như xóm Lũy Ải (xã Phong Phú), xóm Ngòi (xã Suối Hoa), xóm Chiến (xã Vân Sơn)... Hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn DSVH vật thể như nhà sàn, đồ dùng sinh hoạt, hoạt động sản xuất của người Mường và DSVH phi vật thể (mo Mường, hát thường đang, bọ mẹng, hát dân ca…). Khôi phục, duy trì 3 lễ hội dân gian truyền thống tạo nên sức hấp dẫn để thu hút khách du lịch (lễ hội Khai hạ Mường Bi, lễ hội đánh cá suối tháng 3 xã Lỗ Sơn, lễ hội chùa Kè xã Phú Vinh). Tôn vinh 10 nghệ nhân được công nhận nghệ nhân ưu tú với loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng dân gian mo Mường.

Bên cạnh đó, huyện quan tâm tổ chức các lớp đào tạo cho thế hệ trẻ qua truyền dạy kỹ năng đánh chiêng Mường, truyền dạy mo Mường, hát thường đang, bọ mẹng… Huyện phối hợp Sở VH-TT&DL mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về bảo tồn, bảo tàng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ về DSVH tại các địa phương.

Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng VH-TT huyện Tân Lạc cho biết: Trong thời gian tới, để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, trao truyền giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường huyện Tân Lạc một cách khoa học và hệ thống; khơi dậy, phát huy tiềm năng giá trị, DSVH, hướng tới hình thành một số không gian văn hóa dân tộc Mường, xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong Nhân dân, huyện đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đề ra các nhóm giải pháp cụ thể như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của Nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường. Đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường. Giới thiệu, quảng bá giá trị DSVH truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường; sử dụng các giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý văn hóa từ huyện đến cơ sở. Tăng cường liên kết, hợp tác, huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường trên địa bàn huyện.

Linh Trang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/177520/huyen-tan-lac-bao-ton,-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-muong.htm