Huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) phát triển kinh tế đồi rừng

Với hướng đi cụ thể, nguồn thu từ rừng và sản phẩm cây lâm nghiệp đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ) phát triển bền vững. Phát triển kinh tế đồi rừng đã và đang có những đóng góp quan trọng đối với công tác xóa đói giảm nghèo của nhiều địa phương trong huyện.

Nguồn thu từ trồng rừng đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Thanh Sơn có thêm thu nhập (Ảnh: TH).

Huyện Thanh Sơn hiện có trên 45 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 73% diện tích tự nhiên. Xác định phát triển kinh tế đồi rừng là hướng đi phù hợp, Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2014 - 2020. Theo định hướng này, Phòng Nông nghiệp huyện đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế đồi rừng với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Huyện cũng tích cực, chủ động từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và cách thức tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế đồi rừng đi đôi với bảo vệ rừng và môi trường. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện cũng thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân kết hợp giữa phát triển sản xuất kinh tế với bảo vệ và phát triển rừng; tuyên truyền pháp lệnh về giống cây trồng, pháp lệnh bảo vệ rừng...

Đặc biệt, Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp cùng các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến và thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án của Nhà nước thực hiện trên địa bàn; tập huấn, hướng dẫn người dân thâm canh các cây trồng phát triển kinh tế đồi rừng… Nhờ vậy, đến nay, đã có hàng trăm hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng với quy mô lớn như các gia trại, trang trại nông, lâm kết hợp. Phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế đồi rừng tại các xã, thị trấn trong huyện, nhất là các xã, khu thuộc vùng đặc biệt khó khăn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện Thanh Sơn đã dần hình thành được vùng sản xuất gỗ nguyên liệu với hiệu quả kinh tế cao.

Hương Cần là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn; nhờ phát triển rừng, kinh tế của xã đang dần khởi sắc. Về xã Hương Cần những ngày này, chúng tôi thực sự ấn tượng trước hình ảnh của những vạt rừng xanh ngát, những cây keo thân to, cao vút đang đến tuổi thu hoạch. Theo người dân địa phương, chỉ chục năm trước, nhiều diện tích đồi rừng ở Hương Cần vẫn còn bị bỏ hoang hóa do bà con chưa thấy hết được lợi ích mà nghề rừng mang lại. Sau khi UBND xã thực hiện giao diện tích đất lâm nghiệp cho các hộ nông dân quản lý và canh tác, nhất là có một số hộ tiên phong phát triển hiệu quả kinh tế đồi rừng thì bà con đã bắt đầu thay đổi tư duy. Hiện toàn xã Hương Cần đang có trên 2.000 ha rừng sản xuất; năng suất rừng trồng đạt khoảng 70 - 80m3/ha với giá trị kinh tế khi thu hoạch ước đạt 80 - 100 triệu đồng/ha.

Tìm hiểu được biết, không chỉ riêng Hương Cần, mà các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn cũng chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng. Cùng với phát triển trồng rừng, việc xây dựng các mô hình kinh tế trang trại kết hợp trồng rừng cũng được nhiều địa phương trong huyện thực hiện có hiệu quả; qua đó, vừa giúp khai thác tiềm năng đất lâm nghiệp, vừa giúp đa dạng hóa hoạt động sản xuất, tăng thu nhập cho chủ rừng. Nổi bật là các xã: Cự Thắng, Sơn Hùng, Giáp Lai, Lương Nha, Địch Quả, Hương Cần, Võ Miếu, Thục Luyện…

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ: Xác định phát triển kinh tế đồi rừng là thế mạnh của địa phương nên huyện đã tập trung các nguồn lực để hỗ trợ người dân. Thực tế những năm gần đây cho thấy, kinh tế đồi rừng đã dần được khẳng định là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện. Bình quân hàng năm, sản lượng gỗ khai thác huyện Thanh Sơn đạt hơn 123 nghìn m3; doanh thu của các trang trại đạt trên 70 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 200 - 240 triệu đồng/trang trại/năm. Trong đó, nhiều trang trại có quy mô lên tới hàng chục ha; tiêu biểu như trang trại của các hộ: ông Phùng Phú Nhân ở xã Văn Miếu; ông Đỗ Giang Bân ở xã Thắng Sơn; ông Trần Ngọc Sơn, ông Đỗ Xuân Quang ở xã Thục Luyện; bà Đinh Thị Toàn ở xã Tất Thắng…

Với quan điểm phát triển toàn diện kinh tế đồi rừng, không chỉ đẩy mạnh công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, phát triển kinh tế và các sản phẩm từ rừng, huyện Thanh Sơn còn khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ. Chủ trương này đã mang lại hiệu quả không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất khi có nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, người dân địa phương có thêm việc làm với mức thu nhập ổn định. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 40 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 7 công ty, 1 hợp tác xã, trên 30 cơ sở sản xuất hộ gia đình, công suất bình quân đạt 5.000m3 gỗ/cơ sở/năm, cơ sở chế biến gỗ lớn có công suất đạt 7.000m3 gỗ/năm, các cơ sở nhỏ lẻ từ 1.500 - 2.000m3 gỗ/năm. Năm 2017, giá trị sản phẩm chế biến đạt 33 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Đức ở khu Đồng Cỏ, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn cho biết: “Kinh tế đồi rừng rất phù hợp với người dân ở đây, nhất là việc kết hợp vừa xây dựng kinh tế trang trại vừa phát triển rừng trồng. Hiện nay, gia đình tôi đang có hơn 25 ha rừng, bình quân mỗi năm xuất bán gỗ được khoảng gần 300 triệu đồng”.

Huyện Thanh Sơn hiện có khoảng 40 cơ sở chế biến gỗ (Ảnh: TH)

Có thể nói, phát triển kinh tế đồi rừng không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho các hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Sơn mà còn góp phần chống xói mòn, phòng, chống lũ, điều tiết nước; tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương; đồng thời, chính từ hiệu quả kinh tế đồi rừng, người dân cũng có ý thức, trách nhiệm hơn trong trồng và phát triển vốn rừng, tu bổ và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế đồi rừng trên địa bàn huyện Thanh Sơn còn một số hạn chế nhất định như: Năng suất, chất lượng rừng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả rừng trồng chưa cao, lợi nhuận từ trồng rừng thấp; sản phẩm chế biến chưa đa dạng, chủ yếu là chế biến thô; chưa nhân rộng được các mô hình trang trại đồi rừng hiệu quả; các cơ sở chế biến còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch tập trung thành các khu, cụm công nghiệp, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu…

Để kinh tế đồi rừng tiếp tục phát triển hiệu quả, huyện Thanh Sơn sẽ chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng rừng và các sản phẩm lâm nghiệp, thực hiện tốt việc gắn trồng, chăm sóc rừng với phát triển trang trại đồi rừng; chuyển đổi rừng trồng bạch đàn tái sinh bằng các các giống có chất lượng cao như keo lai, mỡ, quế…; từng bước thí điểm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và khai thác, phát triển du lịch sinh thái… Đó là “chìa khóa” để kinh tế đồi rừng ở Thanh Sơn thực sự phát triển hiệu quả, bền vững góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trong huyện và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển./.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hoàn

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/huyen-thanh-son-phu-tho-phat-trien-kinh-te-doi-rung-504878.html