'Huyền thoại bước chân': Câu chuyện dép lốp Việt Nam từ thời chiến đến thời bình

Chiều nay (19/5), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với Dự án Tinh hoa Làng nghề Việt tổ chức chương trình 'Huyền thoại bước chân' tại đình Kim Ngân. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023).

Phát biểu khai mạc chương trình, bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết: Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm tổ chức hoạt động văn hóa với chủ đề “Huyền thoại bước chân” diễn ra từ ngày 19/5 - 21/5, bao gồm các trưng bày, trình diễn thao tác nghề do nghệ nhân Nguyễn Văn Trường thực hiện; trải nghiệm làm dép cao su, trải nghiệm làm tranh kim hoàn và giao lưu trà Việt tại đình Kim Ngân 42 - 44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.

Trong không gian sự kiện “Huyền thoại bước chân”, Ban tổ chức đã giới thiệu một số hình ảnh và mẫu dép về đôi dép cao su được tái chế từ lốp xe đã theo chân nhiều đoàn quân trong thời kỳ chiến tranh thế kỷ trước. Tại đây, nghệ nhân Nguyễn Văn Trường đã trình diễn giới thiệu một số các công đoạn làm ra đôi dép cao su - đôi dép Bác Hồ.

Nhiều cựu chiến binh và các em học sinh tham dự chương trình “Huyền thoại bước chân”.

Qua sự kiện, Ban tổ chức không chỉ giới thiệu hình ảnh đôi dép cao su và câu chuyện lịch sử gắn với vị cha già của dân tộc, mà còn muốn nêu cao tinh thần học tập, làm theo tấm gương “Cần - Kiệm - Liêm - Chính” của Người.

Đôi dép cao su (hay dép lốp) là một hình thức sử dụng nguyên liệu tái chế từ những chiếc lốp xe bị bỏ đi, do tính chất tái sử dụng cao nên người nghệ nhân đã tận dụng nguyên liệu để tạo ra những sản phẩm hữu ích, đồng thời nhằm góp phần giảm thiểu khối rác thải độc hại, giúp cải thiện môi trường sống của nhân dân.

Ông Nguyễn Tiến Cường, Giám đốc Công ty Dép lốp cao su chia sẻ: “Bố vợ tôi là nghệ nhân Phạm Quang Xuân và ông là người trước đây làm dép lốp cao su tại Hà Nội. Nay ông đã 80 tuổi, tôi rất lo lắng nếu ông không còn làm nữa thì Việt Nam có thể mất đi một di sản. Chính vì vậy mà 9 năm về trước, từ vị trí Phó giám đốc của một công ty phần mềm, tôi đã từ bỏ để khởi nghiệp lại và làm dép cao su. Rất may mắn, hiện tại dép cao su đã được sử dụng tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới và từng bước đưa dép lốp trở thành một sản phẩm mang tính biểu tượng của Việt Nam”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trường làm dép lốp

Cựu chiến binh Nguyễn Viết An, phường Hàng Bạc chia sẻ: “Là một cựu chiến binh đã từng vượt Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 1968, tôi rất xúc động khi lại được thấy hình ảnh của những chiếc dép lốp. Những năm ấy, chúng tôi đi bộ từ Hà Nội vào Trường Sơn mất hơn 2 tháng, đôi dép lốp chính là người bạn đồng hành quý giá và tốt nhất chúng tôi có thể có. Ngày nay, những đôi dép đã được sản xuất hoàn thiện hơn, đẹp và cách điệu nhiều mẫu mã, màu sắc, dễ dàng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/huyen-thoai-buoc-chan-cau-chuyen-dep-lop-viet-nam-tu-thoi-chien-den-thoi-binh-post540348.antd