'Huyền thoại bước chân' tôn vinh hình tượng bình dị mà cao đẹp của Bác

Chiều 19-5, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Dự án tinh hoa Làng nghề Việt và Công ty Dép lốp cao su - thương hiệu Vua Dép lốp tổ chức chương trình 'Huyền thoại bước chân', thiết thực kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023).

Chương trình diễn ra tại không gian văn hóa đình Kim Ngân, với nhiều hoạt động tương tác, trải nghiệm văn hóa, mà điểm nhấn là không gian giới thiệu trưng bày hình ảnh và một số mẫu dép cao su, vật dụng gắn bó với biết bao đoàn quân bộ đội cụ Hồ tham gia chiến dịch giải phóng dân tộc thế kỷ trước; trình diễn một số công đoạn tiêu biểu để cho ra đời đôi dép cao su - đôi dép Bác Hồ huyền thoại.

Giới thiệu lịch sử ra đời dép cao su - đôi dép Bác Hồ huyền thoại.

Giới thiệu lịch sử ra đời dép cao su - đôi dép Bác Hồ huyền thoại.

Thông tin tại sự kiện, đôi dép Bác Hồ ra đời trong chiến dịch Việt Bắc năm 1947, từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc. Từ những bước chân đầu tiên trên con đường tìm ánh sáng độc lập, đôi dép cao su đã gắn bó với Bác Hồ như một người bạn, người cộng sự thân thiết, nâng bước chân Người bôn ba suốt hành trình cứu dân, cứu nước.

Không chỉ gắn bó với Bác Hồ, dép cao su còn được cán bộ, bộ đội và nhân dân sử dụng, được coi là vật dụng đặc biệt phù hợp với điều kiện hành quân, đánh trận của chiến sĩ cách mạng. Trải qua thời gian, đôi dép gắn liền với những dấu mốc vàng son trên hành trình kháng chiến giành độc lập của dân tộc ta, cũng được phát triển, thay đổi hình thức cho phù hợp với bối cảnh lịch sử khác nhau, như: Dép Bác Hồ 1947, dép Bộ đội 1954, dép Khe Sanh 1968, dép Giải phóng quân 1975…

Trình diễn một số công đoạn làm dép cao su.

Qua chương trình “Huyền thoại bước chân”, Ban tổ chức mong muốn không chỉ lan tỏa câu chuyện lịch sử gắn với người con bình dị mà cao cả của dân tộc, mà còn nhấn mạnh về một “biểu tượng” đại diện cho căn tính của người Việt trong bền bỉ sáng tạo, không ngừng đổi mới để thích nghi, đã ra đời từ nhiều thập kỷ trước.

Bên cạnh hoạt động điểm nhấn, còn có các không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống lâu đời khác, như: Không gian giao lưu trà Việt, không gian trải nghiệm làm tranh Kim hoàng dát vàng… Chương trình kéo dài đến hết ngày 21-5-2023.

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1064811/huyen-thoai-buoc-chan-ton-vinh-hinh-tuong-binh-di-ma-cao-dep-cua-bac