Huyền thoại con rùa và ngôi nhà sàn người Thái

Người Thái tin rằng con rùa đã dạy cho họ cách làm nhà sàn. Những hoạt động như: vào rừng chọn cột, dựng, lợp nhà sàn đều được chọn ngày giờ rất kỹ.Hữu Vi

Người Thái tin rằng con rùa đã dạy cho họ cách làm nhà sàn. Những hoạt động như: vào rừng chọn cột, dựng, lợp nhà sàn đều được chọn ngày giờ rất kỹ.

Những ngôi nhà sàn của đồng bào Thái ở bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh: Hữu Vi

Những ngôi nhà sàn của đồng bào Thái ở bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh: Hữu Vi

Nhiều dân tộc khác như Tày, Nùng, Cao Lan, Khơ mú, Thổ… cũng ở nhà sàn. Thế nhưng, ngôi nhà sàn được xem như đặc sản của người Thái. Và với họ, nhà sàn không chỉ là nơi sinh sống mà còn là không gian văn hóa tinh thần, gắn với sinh hoạt tâm linh.

Người Thái Nghệ An thường ở tập trung thành từng bản lớn nhỏ khác nhau dọc sông, suối. Những ngôi nhà sàn dựa lưng vào núi, bên cạnh là dòng suối trong veo là điều dễ nhận thấy khi đến với những bản làng người Thái.

Từ ngàn xưa nhà sàn đã là không gian sinh sống và sinh hoạt tâm linh, tính ngưỡng của đồng báo Thái. Ảnh: Hồ Phương

Người Thái có truyền thuyết về nhà sàn kể rằng: Xưa kia con người luôn sợ thú dữ săn đuổi. Họ phải ăn hang, ở hốc và luôn trốn chạy trước hổ báo. Trong một cuộc trốn chạy như thế, một người vô tình cứu được con rùa gặp nạn. Để trả ơn người, rùa liền bảo: “Để tránh thú dữ, hãy nhìn vào thân hình của tôi mà làm nhà ở.”

Người nọ về bàn với làng bản tìm cách học theo thân hình con rùa làm nhà. Họ bàn nhau chặt gỗ làm cột nhà mô phỏng chân con rùa. Sàn tre là bụng rùa. Mai rùa là mái nhà. Từ ngày có nhà ở, người không còn sợ hãi hổ báo nữa.

Những ngôi nhà sàn là công trình của cả cộng đồng. Một cá nhân hay một gia đình không thể dựng được một ngôi nhà sàn. Trước tiên, các thành viên trong gia đình, dòng họ họp nhau lại và định nơi dựng nhà. Chốn dựng nhà thường không quá cách xa những ngôi nhà khác trong bản. Đó là cách cư ngụ quay quần bên nhau để phòng thú dữ.

Dù theo kiến trúc hay cách tân hiện đại, thì nhà sàn là công trình mang tính cộng đồng. Chỉ một gia đình hay một cá nhân không thể dựng được nhà sàn. Ảnh: Hồ Phương (T.L)

Kế tiếp, một thầy cúng, hoặc chí ít cũng là người biết xem ngày giờ trong dòng họ sẽ quyết định ngày vào rừng chặt cây làm cột nhà. Theo kinh nghiệm của người Thái ở huyện Con Cuông, thì ngày đó thường là ngày “nhẹ” và “mỏng”. Những ngày này có tên là “Kim xa”hoặc “Kim coong”. Đây là những ngày có tên gọi khác nhau trong lịch người người Thái. Theo lịch này thì mỗi tuần có 8 ngày. Hiện lịch này chỉ được dùng để biết ngày lành, dữ theo quan niệm của cộng đồng Thái.

Chọn cột làm nhà phải là gỗ tốt, bền bỉ với thời gian, nắng mưa, không bị mối mọt. Những loại gỗ quý như sến, trai, lim, táu từng là những thứ gỗ quý vừa bền, chắc thường được ưa dùng để làm cột nhà. Ngoài ra thì gỗ chò và dã hương cũng là lựa chọn tốt, tuy là gỗ mềm nhưng lại có sức bền với thời gian.

Người dân dựng nhà sàn ở bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh: Hữu Vi

Những ngôi nhà sàn nhỏ của những gia đình mới ra ở riêng thường chỉ mất một vài hôm gom gỗ, tre, nứa, lá cọ là đủ vật liệu. Nhưng với những nhà sàn lớn thường phải dùng đến số lượng gỗ lớn nên nhiều nhà phải mất hàng năm trời mới có đủ gỗ dựng một nếp nhà.

Ngày đầu tiên đi kéo gỗ làm nhà cũng được chọn giống như ngày bắt đầu đi chọn cột làm nhà. Sau khi đã gom đủ gỗ người ta mới bắt đầu phát mộc bắt đầu làm nhà sàn. Ngày phát mộc thường được chọn vào ngày đầu tiên hoặc ngày thứ 2 trong một chu kỳ tính gồm 12 ngày. Cứ hết 12 ngày lại tính lại từ đâu nên ngày 13, 26 trong tháng âm lịch trở thành ngày thứ nhất theo cách tính này.

Lợp mái cho một ngôi nhà sàn ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Hồ Phương (T.L)

Ngày và giờ dựng nhà và lợp nhà cũng được chọn khá kỹ. Ngoài phải là ngày lành thì nó còn không trùng với ngày mất của cha hoặc mẹ của gia chủ. Người Thái không có tục ăn giỗ nhưng không bao giờ làm nhà, trồng trọt vào ngày mất của cha mẹ. Ngày lợp nhà cũng thường là ngày mừng nhà mới. Ngày nay, người có nơi Thái cũng gọi là khánh thành nhà như người Kinh.

Bản truyền thống của người Thái thường ở cạnh sườn núi nên thường không có hàng lối. Ngày nay nhiều bản được quy hoạch như từng dẫy phố. Dẫu vậy khi dựng nhà, bà còn vẫn tránh làm sao không để thượng ốc nhà mình thẳng hàng với nhà khác. Họ cũng không hướng nhà lên ngọn núi như người Ơ đu vẫn làm.

Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201711/huyen-thoai-con-rua-va-ngoi-nha-san-nguoi-thai-2861787/