Huyền thoại người chiến sỹ cộng sản vượt ngục bằng nắp… cà mèng

Kể câu chuyện vượt ngục bằng lắp cà mèng hộp đựng cơm trong căn nhà nhỏ ven sông Nhuệ, bác Nguyễn Hà Long xúc động như sự việc vừa mới xảy ra hôm qua. Cuộc đào hầm vượt ngục cách đây hơn 40 năm bác đã cùng những 6 anh em chiến sỹ cộng sản chỉ bằng nắp cà mèng đựng cơm đã trở thành cuộc vượt ngục huyền thoại.

Dịp 30/4, nhiều người đến nhà bác Nguyễn Hà Long ở phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, (Hà Nội) để thăm sức khỏe và hỏi chuyện bác cùng 6 anh em chiến sỹ tù cộng sản tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) chỉ có vỏn vẹn 140 ngày gian khổ để đào 120m hầm vượt ngục. Cuộc vượt ngục thành công đã trở thành huyền thoại gắn với tên tuổi của bác Long cùng các chiến sỹ tù cách mạng Phú Quốc, trở thành nỗi kinh sợ mỗi khi quân địch nhắc đến.

Từ tháng 4/1965, khi tham gia chiến dịch phá các đồn bốt của địch, bác Long bị thương ở chân. Sau đó, bác bị bắt và bị giam ở nhà tù Đông Nam Bộ. Mặc dù bị địch dùng nhiều hình thức tra tấn khác nhau để lấy khẩu cung như: điện giật, cho người vào thùng phi gõ… nhưng người tử tù chiến sỹ cách mạng Nguyễn Hà Long không hề run sợ và khuất phục trước những kiểu tra tấn của quân địch. Không lấy được lời khai của ông, quân địch chuyển ông qua nhiều nhà tù như: Cây Me, Biên Hòa (Đồng Nai) và đến năm 1967 là nhà tù Phú Quốc.

Sau khi chuyển ra nhà tù Phú Quốc được một thời gian. Xuất phát từ ý tưởng một số chiến sỹ ngục tù trong Đà Nẵng đã từng đào hầm vượt ngục nhưng không thành công, sau khi nghiên cứu đặc điểm đất ở Phú Quốc có thể đào được hầm để vượt ngục, bác Long cùng các chiến sỹ thấy thời cơ trong trại giam tại Phú Quốc đã đến do quân địch không cảnh giác. Tuy nhiên, khi tiến hành đào hầm, bác Long cùng các chiến sỹ nhận định công tác bảo vệ là điều quan trọng, để tránh địch phát hiện.

Bác Long kể lại câu chuyện huyền thoại vượt ngục cách đây hơn 40 năm bên căn nhà ven sông Nhuệ

Bác Long cùng các chiến sỹ trong trại giam quyết định chọn ra những người tâm đầu ý hợp, vừa giữ bí mật, tổ chức bảo vệ, rồi tổ chức đào hầm... “Chúng tôi xác định đào hầm phải vượt qua hàng rào bảo vệ của địch thì mới có khả năng an toàn cho anh em chiến sỹ vượt ngục. Còn nếu để quân địch phát hiện khả năng bị giết là rất cao”, bác Long bồi hồi nhớ lại. Khi chuẩn bị đào hầm bác Long cùng anh em đặt ra câu hỏi rằng địa điểm, phương tiện đào hầm như thế nào? “Đêm mùng 9/2/1967, tôi và một vài anh em cắt nắp cà mèng đựng cơm tiến hành đào cửa hầm. Và vị trí đào là ngay tại phòng giam, được kê chiếc phản gỗ cách mặt đất chừng 30cm. Nhưng khi đào, vấn đề đặt ra là đổ đất đi đâu? Khi đào được miệng hầm rộng chừng 30cm, dài 45cm… tôi cùng anh em suy đi tính lại và quyết định trước mắt đưa đất đổ lên luôn ở nền đất trong phòng giam. Và điều kỳ lạ xảy ra là số đất moi dưới hầm lên đổ ra nền đêm hôm trước, nhưng sáng hôm sau trông y hệt nền đất cũ trong phòng giam”, bác Long nhớ lại.

Những ngày kế tiếp, bác Long cùng anh em bố trí luân phiên đào hầm, người nào không đào thì canh gác đề phòng địch kiểm tra. Bác Long kể: “Cứ 9h đêm, khi địch không tiến hành điểm danh thì anh em tiến hành đào đất. Điều đặc biệt là khi chui xuống hầm không ai mặc quần áo cả. Người thứ nhất đào, người thứ hai dồn đất cho vào túi, còn người thứ 3 đất đi đến đâu thì kéo ra ngoài. Với phương thức đào theo kiểu “sâu đo”, cứ 7 – 10m thì đào thêm một hàm ếch và lỗ thông hơi... nên chỉ trong một thời gian ngắn hầm sâu đã hình thành”.

Chậm rãi rít hơi thuốc, bác Long lại kể tiếp: "Hầm đào càng sâu thì đất đổ đi càng nhiều và phải tìm cách đổ đất đi. Tôi cùng anh em nghĩ ra cách xin quân địch cho chúng tôi đào thêm hố vệ sinh. Lấy cớ đó, anh em tranh thủ chuyển đất hầm đào được ra ngoài mà địch không hề nghi ngờ". Chính nhờ sự mưu trí, dũng cảm của bác Long cùng các chiến sỹ trong tù, hầm vượt ngục ngày càng vươn dài ra khỏi hàng rào canh gác của quân địch. Cơ hội vượt ngục của anh em ngày càng hiện hữu…

Sự cố sập hầm phải “đổ phân” để che mắt địch

Một điều kiện khó khăn nữa là khi bác Long cùng anh em không mặc quần áo đào hầm lên trên mặt đất, lại không có nước tắm rửa, toàn thân dính đất cát bẩn bê bết, địch rất dễ phát hiện. Bác Long nghĩ cách xin thêm nước để tắm rửa cho anh em.

Bác Long kể, điều khó khăn nữa là khi hầm đi qua hàng rào bảo vệ của địch thì ban đêm gặp cơn mưa như trút nước ở đảo Phú Quốc. Đến sáng hôm sau anh em phát hiện hầm sập một đoạn, lại ngay bốt canh gác của quân địch. Biết hiểm nguy cận kề, không xử lý kịp thời thì địch phát hiện. Bác Long nhớ lại: “Tôi cùng anh em nghĩ ra sáng kiến là xin quân địch cho mang thùng vệ sinh của các tù nhân đi đổ vì mùi hôi quá không chịu được... Mục đích cuối cùng là khiêng ra đúng chỗ hầm sụt lún rồi đổ lên. Trong khi đó, lính địch không hề hay biết. Vì thấy mùi hôi thối quá địch đã quát tháo chúng tôi và bắt lấp đất lại. Thế là anh em được đà đổ đất lên đoạn hầm sụt mà địch không hề nghi ngờ…”.

Sau phen “hú vía”, bác Long cùng anh em quyết định đào hầm vòng qua đoạn sập về hướng Đông rồi mới đào lên mặt đất. Tuy nhiên, điều không may là đúng khu vực địch dự kiến làm bãi mìn. Và bác Long cùng các chiến sỹ cách mạng quyết định phải vượt ngục sớm, nếu không địch đặt mìn thì dù có vượt ngục cũng khó mà bảo toàn tính mạng.

Khoảng 7h tối 5/1/1968, cửa hầm được mở lên mặt đất và đến 4 rưỡi sáng có 21 chiến sỹ cách mạng cùng bác Long đã thoát ra ngoài. Đến đầu giờ sáng hôm sau, khi địch điểm danh thấy thiếu 21 người, chúng tổ chức lùng tìm bên trong trại, nhưng không phát hiện được gì. Khi chúng tìm rộng ra thì mới phát hiện được cửa hầm mà các chiến sỹ cách mạng trốn thoát. Quân địch một mặt đàn áp anh em trong tù, mặt khác tổ chức truy tìm anh em ngục tù đã trốn.

Rất may mắn khi thoát ra, bác Long cùng anh em đã trốn trong các khe đá, rừng rậm, gai góc… nên quân địch cũng ngại lùng sục và sau khi địch rút hết, bác Long cùng anh em chiến sỹ chạy theo hướng An Thới – Hàn Linh để đi vào đất liền. Đến chiều hôm sau, các đơn vị bộ đội địa phương gặp được bác Long và các chiến sỹ cách mạng… Sau khi đường hầm vượt ngục “huyền thoại” của bác Long cùng các chiến sỹ cách mạng thành công, về sau này quân địch tìm mọi cách để hạn chế đào hầm bằng cách đóng cọc sắt hàng rào sâu tới 2m, rồi làm sân nền xi măng phía ngoài, hoặc cứ 3 -4 tháng chúng tổ chức đảo trại 1 lần… để chống đào hầm vượt ngục.

Bác Long kể lại, ở nhà tù đảo Phú Quốc tổng số có 39 đợt vượt ngục của các chiến sỹ cách mạng với hơn 240 người thoát ra bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều cuộc vượt ngục thành công, nhưng cũng có cuộc vượt ngục bị lộ những chiến sỹ cách mạnh phải đánh đổi cả tính mạng, tất cả vì mong muốn được tiếp tục chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Mặc dù nay đã ngoài tuổi 70, bác Long vẫn rất minh mẫn và tận tụy với công việc hàng ngày là tham gia Hội cựu chiến binh và rồi chiều chiều bác lại về sum vầy, vui vẻ cùng con cháu. Những vết thương của chiến tranh để lại tái phát hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, nhưng không thể làm lung lay ý chí của người chiến sỹ cách mạng năm xưa.

Quỳnh Hương

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/huyen-thoai-nguoi-chien-sy-cong-san-vuot-nguc-bang-nap-ca-meng-101403