Huyền thoại về một con đường

55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, cựu chiến binh Trường Sơn, những người đã làm nên dấu ấn huyền thoại năm xưa vui mừng đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích lịch sử Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Tự hào về Trường Sơn, tự hào về con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại, những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đang tiếp tục phát huy bản lĩnh, vượt khó, sáng tạo vươn lên trong công cuộc xây dựng đất nước và mang theo trọng trách tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào về Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Đường mòn Hồ Chí Minh - Con đường nối liền lịch sử Việt Nam. Ảnh: Tư Liệu

Đường mòn Hồ Chí Minh - Con đường nối liền lịch sử Việt Nam. Ảnh: Tư Liệu

Con đường huyền thoại

Mở đường Trường Sơn là một chủ trương lớn của Đảng và Bác Hồ, một con đường huyền thoại đã đi vào lịch sử quân sự nói riêng và lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung. Ngày 19-5-1959, đường dây 559 được thành lập, ban đầu mở đường giao liên để nối liên lạc và đưa người, vũ khí vào miền Nam theo đường mòn, dùng sức người để gùi thồ. Sang năm 1960, chúng ta đã phát triển lên mở đường xe thồ để nâng cao khả năng vận chuyển. Do yêu cầu chi viện cho chiến trường ngày càng cao, đến tháng 12-1961, bộ đội ta chuyển sang mở đường ô tô cho xe cơ giới, cơ động vào chi viện cho các hướng chiến trường. Đường Trường Sơn tiếp tục phát triển bao gồm các trục dọc, trục ngang ở cả hai phía Đông Trường Sơn bên đất ta và Tây Trường Sơn bên đất bạn Lào, liên kết với nhau thành một mạng đường rộng khắp. Con đường tiếp tục được xây dựng mở rộng ra cả 3 nước Đông Dương, thọc sâu đến các hướng chiến trường, vươn tới tận miền Đông Nam bộ.

Phát hiện ra ý định của ta, đế quốc Mỹ đã mở cuộc chiến tổng lực sử dụng tối đa sức mạnh của không quân với các loại vũ khí phương tiện chiến tranh hiện đại nhất để ngăn chặn tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn. 16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, Mỹ đã thực hiện 733 nghìn cuộc oanh kích, trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn các loại. Mỹ - ngụy còn kết hợp lực lượng mặt đất nống ra chống phá, tiêu biểu như cuộc hành quân Lam Sơn 719 vào mùa xuân 1971 tiến công sang đường 9 Nam Lào với ý đồ đánh vào "yết hầu" của cung đường vận chuyển.

16 năm chiến đấu anh dũng, Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương, tặng thưởng các danh hiệu cao quí: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy sáng suốt của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn, sự mưu trí, sáng tạo, lòng dũng cảm phi thường, Bộ đội Trường Sơn đã vượt lên muôn vàn hy sinh gian khổ từng bước làm thất bại âm mưu ngăn chặn của địch, giữ vững mạch máu giao thông, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và nhân dân 3 nước Đông Dương. Trong những năm tháng oanh liệt đó, lực lượng cầu đường với 4 sư đoàn công binh và 1 vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã kiên cường bám trụ, giành giật từng tấc đường. "Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc", Bộ đội công binh Trường Sơn làm nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 17 nghìn km đường xe cơ giới. Lực lượng vận tải với 2 sư đoàn ô tô cơ động xứng đáng với danh hiệu "gan vàng dạ ngọc", "còn người còn xe, còn hàng" đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường. Từ năm 1973 đến năm 1975, ta đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn quân chủ lực tham gia chiến dịch. Bên cạnh đó, lực lượng Bộ binh đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện. Lực lượng Phòng không gồm 1 sư đoàn, 9 trung đoàn và các đơn vị khác của Trường Sơn đã bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại, bảo vệ thắng lợi lực lượng vận tải chi viện cho các hướng chiến trường.

Cựu chiến binh Trường Sơn trên mặt trận xóa đói giảm nghèo

Gặp những con người đã làm nên dấu ấn về đường Hồ Chí Minh huyền thoại tại Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, tôi càng thêm cảm phục về những cựu chiến binh anh dũng năm xưa. Sau 3 năm thành lập (ngày 13-5-2011), Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không chỉ nhanh chóng trở thành một địa chỉ tin cậy, uy tín, hoạt động có hiệu quả trong hệ thống chính trị xã hội, mà còn là điểm tựa tinh thần, là niềm tự hào của hàng chục vạn chiến sĩ Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn trong cả nước.

Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, Hội đã tập hợp được gần 300.000 hội viên sinh hoạt tại tổ chức Hội các cấp trong cả nước. Với 2 nhiệm vụ trọng tâm: Giáo dục truyền thống và hoạt động tình nghĩa, những năm qua, các hội viên Trường Sơn đã phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng trở thành những tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống, tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường. Qua các hoạt động xã hội tích cực của Hội, các giá trị vô giá của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đang trở nên trường tồn trong tâm thức của các thế hệ hôm nay và ngày mai của đất nước. Trên mặt trận lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, các hội viên Trường Sơn đang tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ để làm giàu cho mình và góp phần làm giàu cho quê hương đất nước. Tiêu biểu là cuộc vận động hội viên Trường Sơn "Sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống" được triển khai từ đầu năm 2013 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên, đồng thời khơi dậy và phát huy được tinh thần, nghị lực và ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên, tinh thần tương thân, tương ái trong hội viên cả nước. Phong trào vượt khó làm giàu, thi đua làm kinh tế giỏi và chia sẻ, giúp đỡ đồng đội trong tổ chức Hội ở nhiều địa phương đã dấy lên sôi nổi, đạt được nhiều kết quả tốt. Hàng nghìn gia đình hội viên đăng ký phấn đấu làm kinh tế giỏi.

3 năm qua, Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ 62,3 tỷ đồng để giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam, gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, hỗ trợ xây dựng 1.114 nhà Tình nghĩa trị giá 55,7 tỷ đồng, tặng 698 sổ tiết kiệm trị giá 2,1 tỷ đồng, trợ cấp hàng tháng cho 216 chị em cựu thanh niên xung phong…

Từ năm 2013 đến nay, các tổ chức Hội đã vận động trong nội bộ hội viên được gần 5 tỷ đồng cho các hoạt động tình nghĩa, tri ân giúp đỡ đồng đội. Nhiều tổ chức Hội còn vận động hội viên dành nhiều tỷ đồng giúp đỡ các gia đình hội viên nghèo vay vốn để sản xuất kinh doanh không lấy lãi. Bằng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hội viên và sự trợ giúp tích cực của đồng đội, cộng đồng, thời gian qua, không còn gia đình hội viên nào thiếu đói; 1.619 hộ đã vươn lên thoát nghèo, 2.058 hộ cận nghèo đã có được thu nhập và mức sống ổn định; gần 2.000 hộ gia đình hội viên đã được giúp đỡ cải thiện về điều kiện nhà ở, phương tiện sinh hoạt. Tiêu biểu như tại thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), 14 cựu chiến binh Trường Sơn là chủ các công ty, doanh nghiệp đã trích 396 triệu đồng lợi nhuận để ủng hộ các hoạt động từ thiện và dành gần 1,5 tỷ đồng cho 70 hộ viên nghèo vay sản xuất kinh doanh không tính lãi.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa vẫn giữ vững và phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Trường Sơn trong giai đoạn mới của cách mạng, đó là ý chí, nghị lực, bản lĩnh, tài năng và nghĩa tình đồng đội. Điều đó càng có ý nghĩa hơn trong việc phát huy các giá trị mà lớp lớp các chiến sĩ Trường Sơn hôm qua đã dùng máu xương, hy sinh tuổi thanh xuân vì nền độc lập, thống nhất đất nước.

H.L

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/huyen-thoai-ve-mot-con-duong/