Huyền thoại về vị thần của sự sống

Yang Nước là một vị thần có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Jrai trên cao nguyên. Ở đó, Yang Nước là khởi nguồn của sự sống, của mọi điều gắn với buôn làng từ ngàn đời qua.

Những huyền thoại về Vua Nước

Tây Nguyên từ xa xưa đã là vùng đất của những huyền thoại, truyền thuyết, sử thi. Dường như mỗi ngọn núi, dòng suối, con sông, mỗi cánh rừng đều lung linh những huyền thoại. Ở đó, sự hiện diện của những vị thần như thần Trời, Thần Đất, những vị vua như Vua Lửa, Vua Nước, Vua Gió. Người Jrai ở Tây Nguyên quan niệm, nước là mạch nguồn của sự sống.

Người dân Jrai tìm đất lập làng mới, nơi ở phải gần nguồn nước. (ảnh trong sách “Les jungles moi” (Rừng người Thượng) của Henri Maitre, nhà thám hiểm, dân tộc học người Pháp

Cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Jrai khi chọn đất để lập làng, điều đầu tiên là phải đi tìm nguồn nước để đảm bảo cho cuộc sống của dân làng. Sau khi lập làng, khi chuẩn bị xuống giống vụ lúa mới cũng là lúc người dân tổ chức lễ cúng Giọt nước để tạ ơn Yang Ia (Thần nước) đã ban cho dân làng nguồn nước dồi dào, mùa màng bội thu, dân làng mạnh khỏe, no ấm.

Tại Gia Lai, nhiều lễ hội cúng Giọt nước diễn ra ở khắp nơi, và đó là lễ hội đặc biệt quan trọng trong đời sống của đồng bào. Hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong, người Jrai thường tổ chức Lễ cúng giọt nước (bến nước) để tạ ơn Thần nước mang những điều tốt đẹp đến dân làng. Những vị thần cai quản sông nước được gọi chung là Yang Ia. Huyền thoại của vùng đất này vẫn lưu truyền rằng, vào một năm trời hạn nặng, đất khô nứt nẻ, nắng nung gió khiến người làng khốn khổ vật vã phải cầu cứu: “Yàng ơi! Cứu người thôi!” Trong làng cử ra một người có cốt cách bàn với già làng phải cúng gọi thần nước cứu cả làng đang lả đi vì cơn nóng, cơn đói, cơn khát. Mọi người lục tục đem heo, gà, rượu tới. Lễ vật sẵn sàng, người được cử ra làm lễ gọi mưa và chỉ hai ngày sau, cơn mưa lớn đã cứu làng. Từ đó, người làng tôn sùng và gọi là “Vua Nước” hay còn gọi là “Pơ Tao Ia”, sánh ngang với “Vua Lửa” Pơ tao Apui và “vua Gió” Pơ tao Angin. Và cũng từ đó, qua những lời kể thì những giai thoại về “Vua Nước” Pơ Tao Ia trong các cộng đồng làng về tài hô mưa gọi gió.

Yang Nước là khởi nguồn của sự sống, của mọi điều gắn với buôn làng từ ngàn đời qua

Trong những câu chuyện kể, và trong các tài liệu khảo cứu hay điền dã về dân tộc học của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thì các đời vua đều chăm lo tổ chức cúng tế, cầu trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, muôn loài phát triển, đời sống của người dân ấm no, hạnh phúc. Bởi vậy, đồng bào Jrai nơi đây luôn tôn kính và nhớ ơn các vị Vua Nước. Trong nhiều sách sử cũng ghi lại, vào thế kỷ XVII, người Tây Nguyên đã có mối bang giao với triều đình nhà Nguyễn và được phong chức Tam phẩm (năm 1841). Theo sách cũ ghi lại, vùng đất của Vua Lửa là Hỏa xá, còn vùng đất của Vua Nước được gọi là Thủy xá. Phạm vi ảnh hưởng của Pơ tao Ia và Plei Kali (hay còn gọi là Plei Tali) ở phía bắc của Cheo Reo (thuộc khu vực các huyện Chư Sê và Chư Pưh của tỉnh Gia Lai, giáp với huyện Ea H’leo của Đắk Lắk). Trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn thì miêu tả chi tiết: “Nước ấy chừng hơn 50 thôn, trong đó có núi Bà Nam rất cao lớn, là trấn sơn một phương, Thủy vương ở phía đông núi, Hỏa vương ở phía tây núi đều có địa phận riêng, gác cây làm nhà, bộ thuộc đều vài trăm người, cày bằng dao, trồng bằng lửa, tháng giêng gieo, tháng 5 lúa chín, không gặt mà chỉ tuốt, không biết ngày tháng. Tuốt lúa xong thì thu thuế. Vua cưỡi voi, đi theo độ hơn mươi người, đến một thôn man nào đó thì đánh ba hồi chiêng, người trong thôn đều ra, làm nhà tranh cho vua ở”.

Theo nghiên cứu của Th.s Nay Kỳ Hiệp (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai), từ nhiều thế kỷ nay, Hỏa xá và Thủy xá là vương quốc của hai vị Pơ Tao được đồng bào Jrai, Ê-đê cũng như khắp các vùng lân cận như Lào, Campuchia và các dân tộc khác biết đến, tôn sùng. Người Êđê và người Jrai đều tôn thờ hoặc công nhận có sự tôn thờ Vua Lửa và Vua Nước, với vai trò hết sức quan trọng trong đời sống nơi năm chỉ có 2 mùa mưa nắng rõ rệt, việc canh tác sản xuất ngày xưa hoàn toàn dựa vào tự nhiên, vì trong quan niệm của đồng bào thì nước được ví như người Mẹ, và nước có tầm quan trọng trong đời sống con người Tây Nguyên. Mặt khác, theo họ nước thì hiền hòa bao dung là cái hồn để cầu khấn…, còn lửa biểu hiện cho sự nóng nảy nên được cho là người Con, điều này rất phù hợp với quan niệm theo chế độ xã hội mẫu hệ của người Tây Nguyên.

Nhà dân tộc học Pháp nổi tiếng là Jacques Dournes trong cuốn “Pô tao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jarai” cũng ghi lại, Vua Lửa Pơ Tau Apui do dòng họ Siu (sách ghi là Xeu) nắm giữ, Pơ Tau Ia do dòng họ Rơ Chom, hay Rơ Chăm (sách ghi là Recham). Với chế độ mẫu hệ như vậy, khi Pơ Tau Ia chết thì việc truyền lại “sứ mạng” này phải cho dòng họ nhà vợ, nhưng người được nắm giữ quyền lực này phải là người đàn ông. Bảo vật thể hiện quyền lực đối với Pơ Tau Ia thì chưa rõ là vật gì, có thông tin cho rằng đó là hòn “đá thiêng”. Việc trao quyền lực này phụ thuộc vào nhà gái, ví dụ: trao lại con trai, cháu trai, con rể bên dòng họ nhà gái.

Nỗi buồn của Vua Nước

Truyền thuyết của người Jrai về Vua Nước kể rằng, Yang Ju H’măng và Yang Chứ giao chiến, Yang Ia đứng ra can thiệp, được Ngọc hoàng tin cậy giao cho việc cai quản dân làng. Yang Ia ở tận trời cao, muốn cai quản tốt dân làng nên xin Ngọc hoàng dựng một cấp trung gian nữa là Vua Nước (Pơ Tao Ia) để cai quản thế gian. Vương miện đầu tiên được trao cho người Chăm, sau này là người Jrai thuộc dòng Rơ Chăm đã giành được vương miện. Chính vì vậy, người Chăm đã nhiều lần đến đánh nhau để giành lại vương miện. Vua Nước là người đại diện trần gian liên hệ với thần linh ở cõi trần, vua được thần dân trong làng góp tiền làm nhà, thần dân tự nguyện sản xuất để nuôi vua. Vua chỉ làm mỗi việc là cầu trời cho mưa thuận gió hòa, người dân khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.

Những vị vua không ngai như Vua Lửa, Vua Nước, vua Gió có vị trí tinh thần rất lớn trong đời sống đồng bào nơi đây

Song hành cùng “Vua Lửa” Pơ tao Apui ở thung lũng Ayun, thì làng Plei Tao (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, Gia Lai) lại là nơi ở của 9 đời “Vua Nước” Pơ Tao Ia ở Tây Nguyên. Vị Vua Nước đầu tiên ở đây là người Chăm. Ông sống vào cuối thế kỷ XIV. Vị này cao to vạm vỡ, sống đức hạnh, có khả năng dùng sức mạnh như thần để cầu mưa gọi gió, đánh đuổi kẻ ác, thú dữ bảo vệ dân làng. Ông thường truyền dạy những bí kíp và trao quyền cho những người đàn ông ưu tú có bố mang họ Rơ Châm và mẹ mang họ Siu. Theo những lời răn dạy và bí truyền của ông, 8 đời Vua Nước sau ông đều mang dòng họ Rơ Châm, cụ thể là: Rơ Châm Kép (1425-1426), Rơ Châm Nhưn (1501-1571), Rơ Châm Bring (1576-1646), Rơ Châm Dăi (1651-1719), Rơ Châm Guh (1724-1765), Rơ Châm Nhoak (1800-1837), Rơ Châm Bo (1897-1955) và Rơ Châm Chuch (1993-2014).

Ngày thường, các Vua Nước trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng truyền thụ các bí tích, giữ gìn các đồ tế lễ và tham gia làm nương rẫy, chăn nuôi cùng gia đình, dòng họ. Vào các tháng khô hạn, Vua Nước chuyên tâm vào việc quan sát trời đất. Nếu thấy vùng đất nào quá khô hạn, Vua Nước làm lễ cầu mưa. Vào mùa mưa bão, Vua Nước cầu bớt mưa hoặc ngừng mưa bão để bà con làm ăn. Ở Plei Tao những năm đầu thế kỷ 21 cũng có những vị Vua Nước còn tồn tại, tuy nhiên vì những luật lệ rất khắc nghiệt với người được giao trọng trách làm Vua Nước như phải to khỏe, không có dị tật, có đôi tay dài, nói năng rõ ràng, ăn ở sạch sẽ. Đặc biệt, họ phải ở xa phụ nữ 1 tháng trước khi cúng Yàng, thường xuyên tắm nước lá cây rừng... không được nhảy múa, uống rượu phải uống với người già hoặc một mình, tối kỵ uống với người trẻ. Vua Nước không được ăn các loại thịt chó, mèo, rắn, trăn, bò... mà nhiều người được suy tôn làm Vua Nước, vì vi phạm, sau đó đã bị phế truất. Như trường hợp “Vua Nước” Rơ Châm Chuch (SN 1972) do thường xuyên uống rượu, không chăm chỉ làm ăn, cúng bái, vi phạm vào nhiều điều cấm kỵ của Vua Nước nên bị vợ bỏ, bị dân làng phế truất. Tương tự như thế, nhiều Vua Nước cũng bị phế truất như trường hợp ông Rơ Châm Phih, Rơ Châm Kil, Rơ Châm Nhin...

Khi Vua Nước đời thứ 7 mất, ông được hỏa thiêu rất long trọng, người ở các buôn xa, buôn gần đều đến dự, người Jrai ở Plei Ku, Chư Prông, Đức Cơ (Gia Lai), những người Ê-đê, Jrai ở Buôn Ma Thuột, Ea H’leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk) cũng đến rất đông. Tài sản của Vua Nước để lại là một thanh gươm thần, cùng hai quả chuông và quần áo của vua cất giấu ở rừng thiêng, chỉ có vua và người giúp việc được biết. Hiện nay, các đồ cúng của Vua Nước đã được chuyển về buôn Sâm (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk), không còn để lại làng Plei Tao nữa.

Người dân Jrai đầu thế kỷ XX

Có những vị vua như Vua Lửa, Vua Nước, Vua Gió có vị trí tinh thần rất lớn trong đời sống đồng bào nơi đây, Vua Lửa ở miền thung lũng Ayun tại làng Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai) đã được công nhận là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và có một lễ hội Cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apuih được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Trong khi đó, Vua Nước dù đã được cán bộ nhân viên phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chư Pưh nhiều lần xuống cơ sở thu thập thông tin nhưng kết quả thu được rất ít. Điều đó khiến cho việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ khôi phục bản sắc văn hóa, đề nghị công nhận nghi lễ cúng tế cầu mưa, ngớt mưa, dừng mưa bão... của Vua Nước là di sản văn hóa phi vật thể giống như các nghi lễ của Vua Lửa càng thêm phần khó khăn.

Tiêu Dao - Ksor H’yên

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/huyen-thoai-ve-vi-than-cua-su-song-i690322/