Huyện Triệu Sơn phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao

Theo báo cáo của UBND huyện Triệu Sơn, năm qua, tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn đạt 1.972 tỷ đồng, tăng 1,22 lần năm 2015; giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản 124,3 triệu đồng, tăng 1,43 lần; sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 126,27 ngàn tấn; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 41,7 triệu đồng, tăng 2,14 lần năm 2015.

Nông dân xã Minh Sơn (Triệu Sơn) chăm sóc giống lâm nghiệp.

Để đạt kết quả trên, thời gian qua, huyện Triệu Sơn đã triển khai thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả thấp sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất. Phát triển trồng trọt gắn với chế biến, như: vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng 6.000 ha cho một số nhà máy chế biến gạo trên địa bàn tỉnh; vùng nguyên liệu mía 500 ha cho Công ty CP Mía đường Lam Sơn; vùng chè 300 ha... Chuyển đổi hơn 2.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Nhiều mô hình liên kết với các doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 676 ha. Đã có một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được áp dụng, như: mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng tại các xã Minh Sơn, Vân Sơn... bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại ngày càng phát triển; tỷ lệ đàn bò lai, đàn lợn hướng nạc tăng; tỷ lệ các trang trại, gia trại áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới và an toàn sinh học tăng. Công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm luôn đạt tỷ lệ cao; công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Chăm sóc, bảo vệ, khai thác có hiệu quả hơn 2.797 ha rừng sản xuất; diện tích trồng rừng sản xuất gỗ nguyên liệu khoảng 2.000 ha phục vụ các nhà máy và các cơ sở thu mua, chế lâm sản trên địa bàn; khai thác và trồng mới 750 ha rừng sản xuất. Đã hình thành và phát triển mạng lưới sản xuất giống cây lâm nghiệp, với 83 cơ sở tại 7 xã, diện tích đạt 21,87 ha, đáp ứng đủ nhu cầu cây giống phục vụ trồng rừng của huyện và cung ứng cho các huyện trên địa bàn tỉnh. Toàn huyện có 860,8 ha nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là nuôi cá các loại); trong đó, 50% diện tích mặt nước ao, hồ nuôi trồng thủy sản có sử dụng các giống mới, giống lai và công nghệ nuôi mới.

Thời gian tới, huyện Triệu Sơn tập trung chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao; xây dựng được một số thương hiệu mạnh của các sản phẩm có lợi thế. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân hàng năm đạt 3,8%. Tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm giữ ở mức 122 ngàn tấn. Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt 1.200 ha (trong đó ứng dụng công nghệ cao đạt 140 ha). Tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chiếm 30%. Giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2025 đạt 150 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2025 đạt 73,8 triệu đồng/năm, gấp 1,78 lần năm 2020.

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Triệu Sơn bảo đảm ổn định diện tích sản xuất lúa 17.000 ha gieo trồng/năm. Lúa thâm canh năng suất, chất lượng 12.000 ha gieo trồng/năm (đã được quy hoạch vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao). Ngô thâm canh năng suất, chất lượng khá 1.500 ha gieo trồng/năm (chủ yếu sản xuất ở vụ đông trên đất 2 lúa), tập trung tại các xã, như: Thọ Vực, Thọ Phú, Thọ Bình... Rau an toàn tập trung theo hình thức cánh đồng lớn, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) 200 ha gieo trồng/năm, tập trung tại các xã Tiến Nông, Dân Lý, thị trấn Triệu Sơn... Sản xuất hoa, cây cảnh 500 ha, trong đó sản xuất trong nhà lưới với diện tích 50 ha và tập trung tại các xã: Hợp Lý, Hợp Tiến, Thọ Tân, Thọ Dân, Vân Sơn, Dân Lực... Đồng thời, xây dựng làng nghề hoa cây cảnh xã Hợp Lý thành điểm nhấn, quảng bá thương hiệu, xây dựng cơ sở hạ tầng và cảnh quan. Mở rộng diện tích cây ăn quả thêm 500 ha để đến năm 2025 diện tích cây ăn quả khoảng 1.500 ha (gồm các cây: mít, cam, bưởi, dưa các loại, cây ăn quả khác), tập trung tại các xã Thọ Tân, Thọ Phú, Thọ Dân, Xuân Thọ, Thọ Cường, Thọ Tiến, Hợp Thành, Thọ Bình, Thọ Sơn, Bình Sơn, Triệu Thành... Chè thâm canh 300 ha gieo trồng tại xã Bình Sơn; duy trì, phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh (chè sạch Bình Sơn) và phát triển các sản phẩm OCOP khác từ chè; xây dựng cơ sở hạ tầng và cảnh quan để thu hút khách du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm kết nối với làng nghề hoa cây cảnh xã Hợp Lý. Chuyển đổi linh hoạt 3.000 ha đất trồng lúa, 500 ha đất mía và cây trồng năng suất thấp, kém hiệu quả để tăng thêm diện tích rau màu các loại, ngô, cây thức ăn chăn nuôi và cây ăn quả. Tổng đàn trâu, bò 17.000 con; trong đó, bò thịt chất lượng cao 5.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 2.500 tấn; tỷ lệ đàn bò lai đến năm 2025 đạt 90%. Đàn lợn 80.000 con; trong đó, đàn lợn nái 18.000 con, lợn thịt 51.000 con, lợn sữa xuất khẩu 300.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2025 ước đạt 18 ngàn tấn. Phát triển chăn nuôi gà theo hướng giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng số lượng trang trại, gia trại, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Bảo vệ, khoanh nuôi, trồng bổ sung rừng phòng hộ 1.223 ha; chăm sóc, bảo vệ, khai thác có hiệu quả 2.797 ha rừng sản xuất; diện tích trồng rừng sản xuất gỗ nguyên liệu hơn 2.000 ha phục vụ các nhà máy và các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản trên địa bàn. Thành lập các HTX sản xuất giống cây lâm nghiệp tại các xã Hợp Thắng, Hợp Thành, Hợp Tiến, Hợp Lý..., với diện tích khoảng 50 ha, được kiểm soát về chất lượng, đáp ứng đủ nhu cầu cây giống phục vụ trồng rừng của huyện và cung ứng cho các huyện trên địa bàn tỉnh. Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt khoảng 200 ha, đến năm 2025 diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 1.000 ha (chủ yếu là nuôi cá các loại).

Đồng chí Mai Nhữ Thắng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn, cho biết: Để phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao, giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển cả 4 lĩnh vực sản xuất, là trồng trọt; lâm nghiệp; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản. Về sản xuất lúa, giảm diện tích theo định hướng của tỉnh, đưa giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất, các giống lúa phục vụ sản xuất thực phẩm chức năng và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Đồng thời, chuyển diện tích lúa hiệu quả thấp hiện nay sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và phát triển nông nghiệp công nghệ cao không dùng giá thể đất. Thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển dự án học đường (giáo dục, du lịch, nông nghiệp); các vùng rau đặc hữu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Bảo đảm diện tích che phủ rừng, phấn đấu đến năm 2025 trồng 1 triệu cây lâm nghiệp; đồng thời, chuyển đổi rừng sản xuất không hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu; trồng cây gỗ lớn bản địa để bảo đảm điều kiện cấp chứng chỉ FSC. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo chuỗi sản xuất bảo đảm năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và chủ yếu là các loại cá trắm, mè, chép... để xây dựng thương hiệu cá Triệu Sơn, đạt giá trị kinh tế cao. Phát triển chăn nuôi trâu, bò, với hình thức chủ yếu là nuôi nhốt gia trại, trang trại; giữ vững số lượng đàn lợn hiện có gắn với nâng cao chất lượng và kiểm soát tốt dịch bệnh; phát triển gia cầm, thủy cầm gắn với xây dựng thương hiệu vịt Triệu Sơn.

Để thực hiện có hiệu quả những chủ trương trên, huyện Triệu Sơn khôi phục, phát triển các HTX dịch vụ nông nghiệp để bảo đảm vai trò kết nối doanh nghiệp với người sản xuất. Huyện có cơ chế hỗ trợ để xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái tại xã Bình Sơn, làng cò Tiến Nông...; chế biến nông sản để làm thực phẩm chức năng, như: gạo đen, lạc Tây Ban Nha, mít Malaysia... Thực hiện có hiệu quả việc cải tạo vườn tạp để tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ dân. Điều quan trọng nữa là huyện áp dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất, quản lý, quảng bá sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông sản trên địa bàn. Gắn trách nhiệm của bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn vào việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp của huyện và nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.

Xuân Hùng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-trieu-son-phat-trien-nong-nghiep-san-xuat-hang-hoa-lon-cong-nghe-cao/132225.htm