Huyện Ứng Hòa: Hơn 80% lao động nông thôn sau học nghề có việc làm

Thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện Ứng Hòa đã tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng lao động nông thôn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên toàn huyện.

Có mặt tại huyện Ứng Hòa sau một thời gian địa phương tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, các lớp đào tạo nghề đã phát huy hiệu quả, giúp người dân phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống.

Sau khi tham gia lớp học các sản phẩm của bà Vẻ được cơ sở thu mua đánh giá cao về chất lượng

Sau khi tham gia lớp học các sản phẩm của bà Vẻ được cơ sở thu mua đánh giá cao về chất lượng

Bà Hoàng Thị Vẻ thôn Trạch Bái, xã Hòa Lâm cho hay gia đình bà thuộc diện hộ nghèo trong xã, bà được chính quyền tạo điều kiện cho tham gia lớp học nghề mây tre đan vì vậy bà quyết dịnh đi học nghề để thay đổi cuộc sống. Sau khi học nghề, bà đã biết cách làm ra những sản phẩm mây tre đan đẹp mắt với chất lượng tốt hơn trước, được cơ sở thu mua đánh giá cao đối với từng sản phẩm. Đặc biệt, sau khi tham gia lớp học bà đã có việc làm với thu nhập ổn định hơn.

“Tham gia lớp học, chúng tôi được học nghề một cách bài bản, trước kia có những thao tác chỉ làm theo kinh nghiệm truyền miệng đôi khi không đúng bài bản nên chất lượng sản phẩm chưa thật sự đảm bảo, sau khi được học tôi đã biết cách làm sản phẩm đúng hơn. Ngoài những lúc ngày mùa, tôi thường xuyên đan các sản phẩm như lãng đựng hoa quả, hộp giấy… mỗi tháng đem lại thu nhập trung bình 2 triệu đồng”, bà Vẻ hồ hởi cho hay.

Không chỉ riêng bà Vẻ mà còn rất nhiều phụ nữ trong thôn Trạch Bái, không phân biệt tuổi tác, họ đều nhận thấy hiệu quả của việc được học nghề, có được công việc ổn định nên ai nấy đều rất vui. Người được tham gia các lớp đào tạo chỉ dạy thêm cho những người chưa được tham gia lớp học, người biết nhiều chỉ cho người biết ít, nhờ vậy họ cùng nhau phát triển nghề may tre đan của làng.

Không chỉ riêng nghề may tre đan, huyện còn tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động địa phương. Bà Nguyễn Thị Loan (xã Hòa Phú, Ứng Hòa), một trong những học viên đã tham gia lớp học trồng lúa chất lượng cao. Học xong bà đã áp dụng những kiến thức vào trồng lúa của gia đình, nhờ đó hơn 1 mẫu lúa của gia đình được áp dụng khoa học – kỹ thuật nên mỗi vụ đem lại sản lượng cao hơn so với những năm trước.

Có được kết quả trên là do công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn đuợc huyện triển khai đồng bộ, sâu rộng và đa dạng dưới nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn qua đó góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và người dân về học nghề, giúp lao động nông thôn biết chính sách hỗ trợ học nghề từ đó tích cực tham gia các lớp đào tạo.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, năm 2018 tổng số giáo viên tham gia giảng dạy tại các lớp đào tạo nghề là 110 người, đa phần đội ngũ giáo viên đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ sư phạm, chứng chỉ tin học, tiếng anh…

Bà Phạm Thúy Hòa, Trưởng phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện Ứng Hòa cho biết, năm 2018, Ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa đã tổ chức triển khai và mở 44 lớp đào tạo nghề với 1.511 học viên, trong đó nghề nông nghiệp 26 lớp, 895 học viên; nghề phi nông nghiệp 18 lớp, 616 học viên. Sau học nghề các học viên được tiếp cận với chính sách vay vốn từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cụ thể đã có 285 hộ được vay vốn với tổng số tiền 11,4 tỷ đồng.

Sau khi được đào tạo nghề tại các lớp học, tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm sau học nghề của huyện năm 2018 là 1.273 người đạt 84,25%, trong đó có 48 hộ thoát nghèo, 55 hộ thoát cận nghèo, 10 hộ từ hộ nghèo xuống cận nghèo.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/huyen-ung-hoa-hon-80-lao-dong-nong-thon-sau-hoc-nghe-co-viec-lam-97823.html