'Huynh đệ' đối đầu

Tâm điểm chú ý của thế giới trong những ngày gần đây chắc chắn là cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, song không vì thế mà cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ với các đồng minh liên quan tới vấn đề thương mại bị rơi vào quên lãng.

Bức ảnh do phóng viên người Đức Jesco Denzel chụp được tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại Canada vào cuối tuần trước quả thực là một khoảnh khắc đáng giá. Trong bức ảnh ấy, người ta thấy một bên là Tổng thống Mỹ Donald Trump ngồi khoanh tay điềm nhiên cùng các cố vấn thân cận, một bên Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng các nhà lãnh đạo G7 còn lại đang tranh cãi căng thẳng về tuyên bố chung của hội nghị. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để lột tả một cách hoàn hảo về mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và 6 quốc gia khác trong khối G7, bao gồm Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản, hay rộng hơn là giữa Mỹ và châu Âu, giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới.

Bức ảnh do phóng viên người Đức Jesco Denzel chụp được tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7).

Chủ đề chính của Hội nghị Thượng đỉnh G7 2018 mà nước chủ nhà Canada đề ra bao gồm hai vấn đề trọng tâm là phát triển kinh tế toàn cầu và tăng cường bình đẳng giới, nhưng đúng như dự đoán, hội nghị đã khép lại với những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và các đồng minh trong khối về vấn đề bảo hộ và rào cản thương mại. Việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump bất ngờ công bố sẽ áp thuế suất 25% vào mặt hàng thép và 10% vào mặt hàng nhôm nhập khẩu từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico, đã khiến các đồng minh của Washington bất bình và biến Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada thực sự trở thành một “chiến trường thương mại”. Nhìn vào bức ảnh của Jesco Denzel, cảm tưởng như nước Mỹ hùng mạnh “lắm bạn nhiều bè”, đang bị cô lập.

Nhưng bất đồng hiện nay giữa Nhà Trắng và các đồng minh đâu chỉ đơn giản là chuyện nhôm, thép; đó là một sự chia rẽ mang tính hệ thống. Hố sâu ngăn cách giữa hai bên thời gian qua đã bị nới rộng bởi quan điểm trái ngược trong hàng loạt vấn đề như Jerusalem, việc cải tổ và chia sẻ chi phí quốc phòng trong khuôn khổ NATO…Trong hồ sơ hạt nhân Iran và thương mại, siêu cường số 1 thế giới cũng chưa thể san bằng những bất đồng với các quốc gia, như: Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, Đức và Italia. Washington không ít lần khiến các các đồng minh truyền thống “phật ý” bởi các quyết định gây sốc, chẳng hạn như rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Thực tế cho thấy, trong suốt hơn một năm kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ và châu Âu vẫn giữ được hòa khí, dẫu chỉ “bằng mặt mà không bằng lòng”. Nhưng vốn là một thương nhân trước khi đặt chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump luôn coi thâm hụt thương mại là một thất bại lớn về kinh tế. Sau những lời đe dọa, Mỹ gần đây đã công khai mở “mặt trận” tấn công trực diện các đồng minh, trước tiên là trong lĩnh vực thương mại, nhằm theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà ông Donald Trump từng đề ra trong chiến dịch tranh cử.

Có thể mức thuế mà Mỹ vừa áp đặt với các sản phẩm nhôm và thép của châu Âu sẽ chỉ gây thiệt hại nhỏ cho các nhà sản xuất từ Lục địa già, song đòn tấn công thương mại mà Mỹ nhằm vào đồng minh truyền thống đang dẫn tới những hậu quả khó lường cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược. Hành động “quay lưng” của Washington dường như đã vượt quá sức chịu đựng của các quốc gia vẫn được coi là “huynh đệ” lâu năm với Mỹ.

Và từ tâm trạng băn khoăn tự hỏi “Tại sao đồng minh có thể xử tệ với nhau đến thế”, đâu đó đã xuất hiện khẩu hiệu “Chúng ta sẵn sàng đương đầu với Mỹ".

Bằng chứng là EU, Mexico và Canada đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong khi Pháp tuyên bố sẽ “không phiền” nếu cần thiết phải loại Mỹ ra khỏi “sân chơi G7”. Thái độ mềm mỏng suốt hơn một năm qua của Thủ tướng Canada Justin Trudeau với đối tác đến từ xứ sở cờ hoa nay cũng đã biến mất. Thay vào đó Candada đang hướng tới giải pháp đối đầu. Nếu như không có gì thay đổi, Canada sẽ công bố danh sách không dưới 120 sản phẩm "made in USA" bị đánh thuế nhập khẩu từ ngày 1-7 tới.

Thế nên, Hội nghị G7 2018 ở Canada có thể được coi là một cột mốc của sự thay đổi. Nếu như trước đây, thế giới sau Chiến tranh Lạnh được hình dung như một khối đoàn kết giữa Mỹ với các quốc gia châu Âu, NATO và rộng hơn là với các nước đồng minh thân cận trong G7 như Nhật Bản và Canada, thì nay, bản đồ chính trị toàn cầu đang chứng kiến sự chia rẽ rõ rệt giữa Washington và phần còn lại của thế giới.

Có thể thấy rằng, việc lạnh lùng "xử" các quốc gia EU, trong đó có cả những đồng minh, hoàn toàn phù hợp với cái nhìn của Tổng thống Donald Trump về châu Âu. Trong con mắt của ông, dường như Lục địa già đang thực sự suy yếu khi Anh chuẩn bị khăn gói ra đi, dân số đang trên đà lão hóa và chỗ đứng trên bàn cờ quốc tế dần mờ nhạt. Đem lá bài thương mại ra mặc cả cũng có nghĩa là ông chủ Nhà Trắng biết rằng “đại gia đình” châu Âu sẽ không dám rời xa nước Mỹ. Công khai đối đầu với một châu Âu trên đà suy yếu như vậy cũng là cách để Tổng thống Donald Trump chứng minh với các cử tri Mỹ rằng, ông mới là người nắm thế thượng phong và xứng đáng là người “đứng mũi chịu sào” để bảo vệ quyền lợi cho người dân Mỹ. Điều này rất quan trọng với cá nhân ông Donald Trump, bởi chỉ còn vài tháng nữa là sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Ở chiều ngược lại, nước cờ đầy rủi ro mà Mỹ đang áp dụng sẽ khiến các đồng minh thêm thưa thớt. Sâu xa hơn, rạn nứt giữa Washington và các đồng minh chiến lược ở cả vành đai Thái Bình Dương và Đại Tây Dương cũng khiến Mỹ rơi vào thế đơn độc trên bàn cờ thương mại, vô hình chung trở thành cơ hội để nước Nga phá vỡ thế cô lập. Thái độ “mềm như nhung” của Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến xuất ngoại vừa qua đến Áo, quốc gia sắp giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, đã cho thấy Moscow sẵn sàng tiến gần tới “cánh cửa châu Âu” mà tỷ phú Donald Trump đang mở ra! Nói cách khác, Mỹ càng đẩy các đồng minh vào chân tường, Tổng thống Vladimir Putin sẽ càng có cơ hội đưa nước Nga dần thoát khỏi gọng kìm trừng phạt bấy lâu nay của châu Âu.

Nhưng kịch bản dễ thấy nhất đó là một cuộc “chiến tranh thương mại” leo thang giữa Mỹ và các đồng minh, với những đòn “ăn miếng trả miếng” không chỉ làm phương hại tới tăng trưởng của cả đôi bên, mà còn đẩy thương mại toàn cầu vào một vòng xoáy nguy hiểm. Khi đó, những cuộc đối mặt giữa Mỹ và “các đối tác thương mại đang phẫn nộ” như ở Hội nghị G7 vừa qua cũng sẽ không còn là chuyện hiếm.

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/huynh-de-doi-dau-541473