Huỳnh Văn Tiểng: Nhà cách mạng, nhà văn hóa, nhà báo dựng nghiệp và cống hiến

Tiếp theo các cuộc Tọa đàm về các nhà báo nguyên lãnh đạo cấp cao của Hội Nhàbáo Việt Nam qua các thời kỳ (bắt đầu từ năm 2012, mỗi năm tổ chức một Tọa đàm vềcác nhà báo Trần Lâm, Đào Tùng, Hoàng Tùng, Hồng Chương, Lưu Quý Kỳ, Trần CôngMân), năm 2019, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề 'Nhà báo HuỳnhVăn Tiểng với báo chí cách mạng Việt Nam'.

Nhóm “Hoa Mai Vàng” gồm các ông Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng (từ trái qua phải). Ảnh: TL

Bỏ trường đại học nhỏ, bước vào trường đại học lớn cách mạng

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng sinh ngày 10 tháng 10 năm 1920, tại Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, là cán bộ lão thành cách mạng. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, khi mới 16 tuổi, trong phong trào sinh viên yêu nước, nổi tiếng với những ca khúc cách mạng trong nhóm Hoàng Mai Lưu (Hoàng là Huỳnh Văn Tiểng, Mai là Mai Văn Bộ, Lưu là Lưu Hữu Phước).

Những bài hát nổi tiếng của nhóm, đầy khí tiết yêu nước, như những lời hiệu triệu cách mạng (nhạc Lưu Hữu Phước, lời Huỳnh Văn Tiểng, nhóm Hoàng Mai Lưu), như Tiếng gọi thanh niên (1941), Hội nghị Diên Hồng (1942), Lên đàng (1944), Xếp bút nghiên (1944), Giải phóng miền Nam (1961, với bút danh Huỳnh Minh Siêng) và nhiều bài thơ, bài báo đậm chất đấu tranh chống áp bức thời Pháp thuộc.

Năm 1941, Huỳnh Văn Tiểng cùng 15 học sinh Nam Kỳ học giỏi được ra Hà Nội học đại học, trong đó có Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ. Nhóm bộ ba Huỳnh Mai Lưu đã sáng tác bài hát Tiếng gọi sinh viên (sau đổi thành Tiếng gọi thanh niên). Họ tổ chức nhiều hoạt động cách mạng, mỗi lần đi hoạt động đều có bài hát mới, do Lưu Hữu Phước sáng tác nhạc, Huỳnh Văn Tiểng viết lời, như: Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng...

Năm 1944, họ cùng sáng tác bài hát nổi tiếng Lên đàng, có câu “Nào anh em ta cùng nhau xông pha, lên đàng”. Ngay sau đó, nhóm sinh viên 9 người mở đầu phong trào bỏ học, xếp bút nghiên về Nam, hai ông sáng tác bài hát “Xếp bút nghiên”, với những câu hát thôi thúc “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, xếp bút nghiên coi thường công danh”... Về Sài Gòn hoạt động cách mạng công khai, họ bị bắt giam 6 tháng trong Khám lớn Sài Gòn. Trong tù, hai người lại cùng nhau sáng tác bài hát Xin gửi lời nguyền và Khúc khải hoàn.

Tháng 4/1945, họ ra tù lập tức tham gia tích cực các hoạt động chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, bằng viết báo, ca hát, diễn kịch, lập hội truyền bá quốc ngữ, tổ chức thanh niên tiền phong rồi làm nòng cốt trong cuộc nổi dậy cùng nhân dân Sài Gòn cướp chính quyền ngày 25/8/1945. Ông gọi đó là “chúng tôi bỏ trường đại học nhỏ, bước vào trường đại học lớn”.

Trong Hồi ký “Xếp bút nghiên lên đàng”, dòng đầu tiên trong Lời nói đầu ở trang đầu tiên, ông khiêm tốn viết “Tôi chỉ là hạt bụi trong cơn bão táp cách mạng”.

May mắn thay, “hạt bụi” ấy đã được cuốn theo, được hòa mình vào dòng thác cách mạng lúc bấy giờ của dân tộc, được “các đồng chí cách mạng tiền bối hướng dẫn” “đến với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”. Mỗi bước đường đến với cách mạng, đi theo cách mạng, làm cán bộ cách mạng..., theo lời ông kể, đều in đậm dấu ấn xúc cảm trào dâng của một thanh niên tràn trề nhiệt huyết yêu nước, yêu văn hóa, yêu quê hương.

Những mốc lớn đó là: Hội ngộ các tri kỉ đồng tình, đồng chí ở Sài Gòn (1936, khi mới 16 tuổi); hoạt động trong phong trào học sinh Sài Gòn (1936 - 1940); Ra Hà Nội học đại học, thời kì mà ông gọi là “cá gặp nước, với phong trào sinh viên yêu nước chuyển hướng mạnh mẽ” (1941 - 1944); Thời kì “rồng gặp mây, tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong chuẩn bị tổng khởi nghĩa” (1944); và thời kì “Lao vào lửa đạn, kháng chiến cứu nước (từ 23/9/1945), bước vào trận địa đấu tranh văn hóa, chính trị, với vũ khí phát thanh - truyền hình”.

25 tuổi, anh thanh niên Huỳnh Văn Tiểng đã là ủy viên Ủy ban khởi nghĩa Sài Gòn, ủy viên trẻ nhất Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ và sau ngày 2/9/1945, Ủy ban kháng chiến Nam bộ được chỉ định với ban thường trực gồm 5 người, do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch, ông Huỳnh Văn Tiểng làm Phó Chủ tịch...

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6/1/1946), Huỳnh Văn Tiểng là một trong 5 đại biểu của Khu Sài Gòn - Chợ Lớn (cùng với các đại biểu Tôn Đức Thắng, Hoàng Đôn Văn, Nguyễn Thị Lựu, Ngô Tấn Nhơn). Sau đó là chuyến vượt biển ra Bắc họp Quốc hội, cùng các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Cao Hồng Lãnh...

Tại cuộc họp Quốc hội tháng 1/1946, Huỳnh Văn Tiểng thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Sài Gòn - Chợ Lớn đề nghị Quốc hội cho phép thành phố Sài Gòn được mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, ông là đại biểu Quốc hội 5 khóa liền (Khóa I đến Khóa V - năm 1975), tham gia nhiều hoạt động Quốc hội với tư cách là một trong những đại diện cho giới trí thức và nhân dân miền Nam.

Tháng 5/1946, ông vinh dự là thành viên tổ thư kí Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam (do đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Tôn Đức Thắng dẫn đầu) sang thăm chính thức Cộng hòa Pháp, trình bày quan điểm thống nhất ba kì và tôn trọng nền độc lập của Việt Nam.

Năm 1961, ông là thành viên đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự Hội nghị nhân dân Đông Dương tại Căm-pu-chia do Quốc vương Nô-rô- đôm Xi-ha-núc chủ tọa. Năm 1964, tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do đồng chí Trường Chinh dẫn đầu, thăm In-đô- nê-xi-a, theo lời mời của Tổng thống Xu-các-nô, v.v..

Từ một thanh niên học sinh yêu nước, ông đã trở thành một cán bộ cách mạng, một người con ưu tú của quê hương Nam bộ. Ông được coi là nhà văn hóa lớn, người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Cho đến trước khi nghỉ công tác, ông là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh (1983).

Trong tình yêu thương của nhân dân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, ông được dành riêng những tình cảm trân trọng nâng niu đặc biệt: “Lão thành cách mạng có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, có công lao to lớn xây dựng và phát triển ngành phát thanh - truyền hình Việt Nam” (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải); “người cán bộ cách mạng lão thành, suốt đời cống hiến vì lí tưởng cách mạng cao cả, một tấm gương vì dân” (Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TP.HCM); “Những người của một thời” (Mai Thúc Long - nguyên Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam); “người chiến sĩ cách mạng tận trung với nước, người thầy, người bạn đáng kính trọng của ngành văn hóa, văn nghệ, ngành PT-TH Việt Nam” (Huỳnh Văn Nam, nguyên Tổng GĐ Đài Truyền hình TP. HCM); “Một thanh niên yêu nước của Nam bộ thành đồng” (Nhà văn Đoàn Minh Tuấn); “Người góp phần động viên lớp lớp nhân dân lên đàng” (Nguyễn Khắc Cần - nguyên Giám đốc Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến); “Nhà văn hóa lớn, nhà cách mạng lão thành, mọi người đều biết tiếng và mến phục” (Đạo diễn điện ảnh Lê Dân); “Một trí thức luôn quan tâm đến văn hóa - văn nghệ nước nhà” (Nhà văn Nguyễn Quang Sáng), “bậc tiền bối, thế hệ một thời của Tiếng gọi non sông” (Nhà báo Mã Diệu Cương - Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM), v.v..

Người dựng nghiệp và cống hiến vì sự nghiệp truyền hình

Trong hoạt động báo chí cách mạng, Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng là người có đóng góp to lớn qua hai cuộc kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Biên tập, Chủ nhiệm Ủy ban PT-TH Trần Lâm được coi là “Người dựng nghiệp phát thanh và truyền hình”, Phó Chủ nhiệm Lê Quý là “Người mở đường cho phát thanh đối ngoại”, Phó Chủ nhiệm Lý Văn Sáu là “Nhà ngoại giao, nhà báo”, Phó Tổng Biên tập Huỳnh Văn Tiểng được coi là “một trong những người đầu tiên sáng lập ngành truyền hình Việt Nam” và có công lớn với sự nghiệp phát thanh - truyền hình của cả nước.

Ông gắn bó với sự nghiệp phát thanh và truyền hình từ năm 1946, khi ông là ủy viên Ủy ban kháng chiến Nam bộ, trưởng Khoa tuyên truyền. Theo nhà báo Nguyễn Kim Trạch, chính đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện của Chính phủ tại miền Nam, đã kí quyết định điều ông Huỳnh Văn Tiểng về làm Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Nam bộ (đóng ở Quảng Ngãi), đồng thời vẫn kiêm nhiệm một số công việc khác của Ủy ban kháng chiến Nam bộ. Ông trực tiếp viết bình luận cả tiếng Việt và tiếng Pháp (khi đó Đài đã có phát chương trình tiếng nước ngoài). Tập kết ra Bắc năm 1954, ông làm Phó Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam hơn 20 năm, trực tiếp chỉ đạo, duyệt bài các chương trình phát thanh vào Nam, cho đến ngày Giải phóng miền Nam trở về quê hương.

Suốt cuộc đời làm báo, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Nam bộ tại Quảng Ngãi (1946), Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ, phụ trách công tác tuyên truyền, Quyền giám đốc Sở Thông tin Nam bộ (1948), Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam (từ 1954), Trưởng Ban Vô tuyến truyền hình Việt Nam (từ 1971, cái nôi của ngành truyền hình Việt Nam).

Ngày 26/4/1975, ông dẫn đầu đoàn cán bộ truyền hình thần tốc tiến vào Sài Gòn theo quốc lộ 1. Ngày 30/4 đoàn tham gia tiếp quản Thành phố. Với kinh nghiệm và sự lãnh đạo của ông, tối 1/5/1975, Đài truyền hình Sài Gòn giải phóng đã phát sóng buổi đầu tiên từ Sài Gòn. Sau đó ông trực tiếp làm Giám đốc Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam phụ trách các Đài truyền hình phía Nam (1976 - 1989) cho đến khi nghỉ hưu.

Nhà báo Mai Thúc Long, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), người về Đài cùng thời và làm việc dưới sự chỉ đạo của nhà báo Huỳnh Văn Tiểng, kể chuyện “Anh Tiểng” sửa bài thật sâu sắc (trong bài “Những người của một thời”): “Anh chỉ thêm mấy chữ thôi mà về sau đọc lại, tôi thấy lời viết như có thêm sức nặng... Anh ít nói, sâu sắc mà rất thân tình, không lý luận, không giảng giải, chỉ những ý rất mộc mạc, đời thường. Tôi ngồi nghe cảm thấy rất gần gũi và ấm áp. Chả trách là ở Đài ngày ấy, nhiều người gọi anh Tiểng là “Bon Papa” (người cha hiền)”.

Không chỉ làm báo, làm lãnh đạo, quản lí báo chí, ông còn tham gia lãnh đạo Hội Nhà báo nhiều năm. Từ 1950 - 1954, ông là Chủ tịch Hội Nhà báo Nam bộ, ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Nam bộ. Ông là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong hơn 20 năm (Khóa II - 1959 - 1962, Khóa III - 1962 - 1983), là người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, cũng như đối với Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng.

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng thực sự là một tấm gương trong để học tập trên nhiều phương diện, đối với các nhà báo Việt Nam hôm nay./.

TS. Nhà báo Trần Bá Dung
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam

--

Tài liệu tham khảo

1. Đài Tiếng nói Việt Nam (2015), Ký ức người và nghề, T1, Nxb Dân trí, Hà Nội.
2. Nhiều tác giả (2005), Dựng nghiệp phát thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hà Nội.
3. Nhiều tác giả (2006), Phát thanh vào Nam - Một thời nhớ mãi, Nxb Văn hóa - thông tin, Hà Nội.
4. Nhiều tác giả (2012), Huỳnh Văn Tiểng - Tình sâu nghĩa nặng, Nxb Văn hóa - văn nghệ TP Hồ Chí Minh, TP HCM.
5. Nhiều tác giả (2014), Một thời làm báo (Hồi ký của các nhà báo cao tuổi), T.XI, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, TP HCM.
6. Huỳnh Văn Tiểng (2002), Xếp bút nghiên lên đàng - Hồi ký. Nxb Trẻ, TP HCM.

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/huynh-van-tieng-nha-cach-mang-nha-van-hoa-nha-bao-dung-nghiep-va-cong-hien-n12615.html