Hy hữu chuyện cụ già 92 tuổi kiến nghị sửa sai chế độ hưu trí

92 tuổi, tóc râu bạc phơ, nhưng đã 3 năm nay, cụ Phạm Anh Tuấn (trú ở K.13, TT Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp) quyết tâm theo đuổi kiến nghị sửa sai chế độ hưu trí của bản thân.

3 NĂM RÒNG RÃ

Cụ Phạm Anh Tuấn là cán bộ Cửa hàng dược phẩm huyện Quỳ Hợp, được nghỉ hưu theo chế độ năm 1971 với chức danh Cửa hàng trưởng. 46 năm sau, cụ phát hiện chế độ hưu trí của bản thân có sai sót.

Đơn cụ Tuấn gửi Báo Nghệ An khá dài. Nhưng tựu trung thông tin vào năm 2016, cụ phát hiện thời điểm năm 1985, cơ quan chức năng chuyển chế độ lương hưu cho cụ với chức danh là cán bộ dược phẩm thường, từ 56 đồng/tháng được nâng lên 281 đồng/tháng; năm 1987 lại hạ xuống còn 272 đồng/tháng. Trong khi đó, cụ giữ chức vụ Cửa hàng trưởng liên tục trong thời gian 7 năm 7 tháng (tháng 1/1964 đến tháng 8/1971). Mà như vậy, theo Thông tư số 11/LĐ-TTBLĐ ngày 18/9/1985 của Bộ Lao động, thì được xếp lương bậc II với mức 374 đồng/tháng. Cụ Tuấn cho rằng, việc xét chuyển này dẫn đến lương hưu của cụ thấp thua đồng nghiệp cùng chức vụ, thiệt thòi về quyền lợi từ năm 1985 đến nay… Đồng thời cho biết, đã gửi đơn kiến nghị ròng rã suốt 3 năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Văn bản điều chỉnh lương hưu theo NĐ27 của cụ Phạm Anh Tuấn thể hiện rõ sự bất hợp lý. Ảnh: Nhật Lân

Văn bản điều chỉnh lương hưu theo NĐ27 của cụ Phạm Anh Tuấn thể hiện rõ sự bất hợp lý. Ảnh: Nhật Lân

“Bao nhiều năm bị thiệt thòi mà không biết. Giờ biết thì không được sửa sai..."

Cụ Phạm Anh Tuấn

Cụ Tuấn dù tuổi cao nhưng còn sức khỏe, minh mẫn, chỉ đôi tai là có phần kém. Cụ tâm sự: “Bao nhiêu năm bị thiệt thòi mà không biết. Giờ biết thì không được sửa sai, khôi phục lại. Buồn. Buồn lòng quá…”. Theo rất nhiều những văn bản, tài liệu thể hiện việc cụ Phạm Anh Tuấn kiến nghị “trả lại chức vụ trong hồ sơ từ năm 1985 và quyền lợi bị mất” đã được các cấp, ngành kiểm tra, xác minh.

Với UBND huyện Quỳ Hợp, để làm rõ kiến nghị của cụ Tuấn đã triệu tập cơ quan BHXH huyện, các phòng, ban liên quan tổ chức đối thoại cùng cụ Tuấn và thân nhân; đồng thời tập hợp hồ sơ, tài liệu để kiểm tra, xác minh và đi đến kết luận kiến nghị của cụ Tuấn có cơ sở. Ngày 29/5/2017, UBND huyện Quỳ Hợp có văn bản số 380/UBND gửi UBND tỉnh, trong đó báo cáo rõ sự việc, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng kiểm tra, rà soát, điều chỉnh lương hưu cho cụ Phạm Anh Tuấn đúng quy định.

Từ Văn bản số 380/UBND của UBND huyện Quỳ Hợp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH kiểm tra, xác minh. Ngày 25/8/2018, Sở LĐ-TB&XH có văn bản 3002/LĐTBXH-LĐ báo cáo UBND tỉnh và trả lời kiến nghị của cụ Phạm Anh Tuấn. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH xác định vào năm 1985, khi thực hiện Nghị định 236-HĐBT về bổ sung, sửa đổi một số chính sách về thương binh và xã hội, Sở Lao động - Thương binh Nghệ Tĩnh đã xếp lương chưa đúng với chức danh chức vụ của cụ Tuấn; từ năm 1994, thời điểm thực hiện Nghị định số 27-CP về việc điều chỉnh mức lương hưu và trợ cấp đối với các đối tượng hưởng chính sách xã hội, Sở LĐ-TB&XH đã điều chỉnh đúng lại chức danh Cửa hàng trưởng với mức lương 346 đồng/tháng. Vì vậy, cụ Phạm Anh Tuấn bị ảnh hưởng đến quyền lợi giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1994; từ năm 1994 đến nay thì không bị ảnh hưởng đến chế độ hưu trí.

Cụ Phạm Anh Tuấn. Ảnh: Nhật Lân

Cũng tại văn bản 3002/LĐTBXH-LĐ, Sở LĐ&TBXH khẳng định việc cụ Phạm Anh Tuấn và UBND huyện Quỳ Hợp đề nghị điều chỉnh lương hưu từ năm 1985 là 374 đồng/tháng là không có căn cứ để thực hiện.

Về sai sót chức danh chức vụ và mức lương, Sở LĐ-TB&XH dẫn ra Văn bản số 91/BHXH-QLC năm 2001 của BHXH Việt Nam về việc điều chỉnh đối với trường hợp phát hiện do làm sai chính sách cho người hưởng chế độ trước tháng 10/1995, với quy định: “Mức trợ cấp được điều chỉnh của đối tượng thực hiện từ ngày ra quyết định, không truy lĩnh đối với đối tượng được điều chỉnh tăng lên hoặc không thu hồi đối với đối tượng phải điều chỉnh giảm xuống”.

Không đồng tình với các nội dung Sở LĐ-TB&XH trả lời, cụ Phạm Anh Tuấn tiếp tục có đơn kiến nghị gửi đi nhiều cấp, ngành. Vì vậy, Sở LĐ-TB&XH đã hai lần có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị xem xét cho ý kiến chỉ đạo giải quyết trường hợp của cụ Phạm Anh Tuấn. BHXH tỉnh cũng có văn bản trả lời kiến nghị của cụ Phạm Anh Tuấn và báo cáo đến HĐND tỉnh nội dung này, trong đó thông tin “khi có văn bản trả lời của Bộ LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH…”.

ĐÃ THẤU LÝ, ĐẠT TÌNH?

Theo cụ Phạm Anh Tuấn, việc Sở LĐ-TB&XH cho rằng sai sót của năm 1985 đã được điều chỉnh vào năm 1994 là không chính xác, vì phiếu điều chỉnh lương của năm 1985 đề rõ lý do điều chỉnh chuyển đổi theo Nghị định 27/CP; nếu thực sự sửa sai, mức lương của cụ phải được điều chỉnh là 374 đồng/tháng chứ không phải là 346 đồng/tháng... Đồng thời cho rằng việc Sở LĐ-TB&XH dẫn ra văn bản số 91/BHXH-QLC của BHXH Việt Nam để bác bỏ khắc phục những mất mát quyền lợi vật chất của cụ là bất công.

Con gái cụ Phạm Anh Tuấn trình bày sự việc. Ảnh: Nhật Lân

Nếu Sở LĐ&TBXH thời điểm này phát hiện giai đoạn năm 1985 đã có sai sót đối với cụ Phạm Anh Tuấn thì phải sửa sai.

Xem xét nội dung kiến nghị của cụ Phạm Anh Tuấn và nghiên cứu các văn bản, tài liệu liên quan thì thấy có những băn khoăn. Thể hiện điều này ngay tại văn bản điều chỉnh lương của cụ Phạm Anh Tuấn ngày 5/5/1994. Bởi lý do điều chỉnh được đề rõ là: “Chuyển đổi lại lương theo NĐ số 27”. Ở năm 1994, cần lưu ý là thời điểm thực hiện Nghị định số 27/CP, điều chỉnh mức lương hưu và trợ cấp đối với các đối tượng hưởng chính sách xã hội, trong đó có quy định rất rõ là tất cả các đối tượng hưu trí như cụ Phạm Anh Tuấn đều được tăng thêm 20% lương hiện hưởng. Vì vậy, nếu Sở LĐ-TB&XH thời điểm này phát hiện giai đoạn năm 1985 đã có sai sót đối với cụ Phạm Anh Tuấn thì phải sửa sai; đồng thời, phải tiếp tục điều chỉnh lương của cụ Tuấn đúng tinh thần của Nghị định 27/CP, tức là tăng thêm 20% theo mức lương đã được sửa sai. Thực tế cho thấy, tại phiếu điều chỉnh chưa thể hiện được như vậy, chỉ điều chỉnh ở mốc 281 đồng lên 346 đồng/tháng. Mà như vậy, e rằng chưa chính xác!.

Về việc điều chỉnh mức lương đang gây tranh cãi. Trong khi Sở LĐ-TB&XH khẳng định việc nâng lên 346 đồng/tháng ở năm 1994 là đã sửa sai đúng với chức danh Cửa hàng trưởng; nhưng cụ Phạm Anh Tuấn bảo vệ quan điểm phải là 374 đồng/tháng mới chính xác. Xét một cách khách quan, lập luận của cả hai bên đều chưa thực sự thuyết phục. Lý do vì đều chưa xác định chức vụ Cửa hàng trưởng Cửa hàng Dược phẩm huyện Quỳ Hợp được xếp vào hạng nào của Thông tư số 11/LĐ-TT năm 1985 (tại Thông tư số 11 năm 1985 hướng dẫn xếp bậc lương cho công chức, viên chức khu vực nhà nước, chức vụ Cửa hàng trưởng có 4 hạng). Về nội dung này, để đạt được sự thống nhất, theo chúng tôi cần rà soát lại chế độ tiền lương cán bộ cùng chức danh của các Cửa hàng dược phẩm cùng thời kỳ trên địa bàn tỉnh để làm căn cứ giải quyết.

Cụ Phạm Anh Tuấn cùng người thân trong ngày đón nhận Huy hiệu Đảng. Ảnh: Nhật Lân

Theo quy định tại Văn bản số 91/BHXH-QLC của BHXH Việt Nam, những thiệt thòi về vật chất của cụ Phạm Anh Tuấn do bị làm sai chính sách sẽ không được truy lĩnh. Nhằm giải quyết vấn đề này, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH xin ý kiến chỉ đạo từ tháng 12/2017; đến tháng 4/2019, lại có văn bản xin ý kiến chỉ đạo lần hai. Tuy nhiên, đã gần 2 năm trời Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa hồi đáp.

Về vấn đề này, thiết nghĩ với trường hợp của cụ Phạm Anh Tuấn cần phải được xem xét, giải quyết. Vì dẫn đến những thiệt thòi của cụ, là do sai sót của cơ quan nhà nước gây ra.

Cần trao đổi thêm rằng, việc sai sót của cơ quan nhà nước cách nay đã hơn 30 năm, nên để làm rõ có những phức tạp; bên cạnh đó, chính sách qua thời gian có những thay đổi nên khó đề ra được hướng giải quyết đạt được sự đồng thuận của người có đơn kiến nghị. Nhưng dẫu vậy, một nguyên tắc bất di bất dịch là khi công dân có kiến nghị thì cần xem xét giải quyết thấu đáo, đúng pháp luật. Với một công dân đã 92 tuổi đời, 70 tuổi Đảng như cụ Phạm Anh Tuấn, càng cần phải thận trọng xác minh làm rõ để giải quyết đảm bảo đạt lý, thấu tình!

Nhật Lân

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/hy-huu-chuyen-cu-gia-92-tuoi-kien-nghi-sua-sai-che-do-huu-tri-255100.html