Hy Lạp, chưa hết thách thức

Sau 8 năm khủng hoảng và phải cầu viện 3 gói cứu trợ với tổng trị giá lên tới 330 tỷ USD, nền kinh tế Hy Lạp mới đây đã thoát khỏi giai đoạn bất ổn kéo dài nhất trong lịch sử và đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, người dân xứ sở thần thoại vẫn trong tâm trạng 'nửa mừng, nửa lo' khi nhiều thách thức thời gian hậu cứu trợ đang chờ đợi họ ở phía trước.

Nhọc nhằn "thắt lưng buộc bụng"

Từ năm 2010, Hy Lạp rơi vào khủng hoảng tài chính công nghiêm trọng, đẩy quốc gia này tới bờ vực phá sản cũng như đe dọa tư cách thành viên của Athens trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Theo Forbes, Athens đã phải viện tới 289 tỷ euro (330 tỷ USD)-mức cứu trợ lớn nhất trong lịch sử tài chính toàn cầu-từ các chủ nợ quốc tế là: Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Đổi lại, nước này buộc phải tiến hành chính sách "thắt lưng buộc bụng" và những cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ trong các lĩnh vực: Năng lượng, hưu trí và lao động.

Bốn chính phủ liên tiếp của Hy Lạp đã phải oằn mình chiến đấu để ngăn không cho nền kinh tế phá sản. Họ buộc phải tăng thuế, hạn chế chi tiêu ngân sách công, thoái vốn khỏi nhiều dự án, sa thải công chức, đồng thời chống trốn thuế và tham nhũng... Trong giai đoạn khủng hoảng, hàng nghìn doanh nghiệp tại Hy Lạp đã đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 27,9%, trong đó cứ 10 thanh niên đang tìm việc làm thì có 6 người không thành công. Khoảng 223.000 người Hy Lạp ở độ tuổi 25-39 đã di cư sang các nước giàu hơn trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2013. Nhiều cuộc biểu tình bạo lực của người dân nổ ra trên khắp nước này nhằm phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

Những "vết sẹo" khó lành

8 năm khắc khổ, Hy Lạp là nước đầu tiên bị đặt dưới sự giám sát đặc biệt của các định chế chủ nợ và là nước sau cùng được "trả tự do". Hiện tại, dù nền kinh tế Hy Lạp đang trên đường bình thường hóa và tự chủ trở lại, nhưng về lâu dài nước này vẫn bị châu Âu xếp vào dạng phải theo dõi đặc biệt. Hy Lạp cũng phải cam kết duy trì mức thặng dư ngân sách sơ cấp ở mức 3,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ nay đến năm 2022 và ở mức 2,2% GDP cho đến tận năm 2060, tức là trong hơn 40 năm nữa.

Khách du lịch tham quan đồi Acropolis tại thủ đô Athens, Hy Lạp. Ảnh: Getty Images.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kéo dài cũng gây ra những "vết sẹo" khó lành cho Hy Lạp. Điển hình là nợ công của Hy Lạp vẫn cao nhất trong Eurozone với mức tương đương 180% GDP. Tình trạng nợ xấu chưa giảm được triệt để. Thuế cao làm nản lòng các nhà đầu tư. Tỷ lệ thất nghiệp dù đã giảm song vẫn ở mức cao. Hiện cứ 5 người Hy Lạp thì có một người thất nghiệp.

Kinh tế Hy Lạp đã tăng trưởng trở lại từ năm 2017, năm nay ước tính tăng trưởng 1,9% và năm sau có thể lên tới 2,3%. Dù vậy, quy mô nền kinh tế này đã giảm gần 1/4 so với năm 2008 trước khủng hoảng. Một số nguồn tin còn cho biết, cuộc khủng hoảng nợ công đã kéo nền kinh tế Hy Lạp thụt lùi tới 16 năm. GDP của Hy Lạp sau khủng hoảng nợ công chỉ còn tương đương với mức của năm 2002. Theo tờ Le Soir của Bỉ, phải 15 năm nữa Hy Lạp mới thực sự xóa được tác động của cuộc khủng hoảng. Cộng với 10 năm vừa qua, vậy là Hy Lạp mất trắng 1/4 thế kỷ để thoát khỏi vũng lầy nợ công.

Cần bỏ thói quen cũ

Do Hy Lạp mới thoát khỏi khủng hoảng và đang trên đà phục hồi, nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Athens bắt buộc phải đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao trong những năm tới, nếu không các hộ gia đình-vốn đã chịu nhiều thiệt hại tài chính sau 10 năm suy thoái liên tiếp như bị giảm lương hay cắt giảm dịch vụ an sinh xã hội-sẽ tiếp tục bị tổn thương và họ sẽ khó còn nguồn tài chính để đầu tư, thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển. Để làm được điều này, theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras, hệ thống chính trị của Hy Lạp không nên hoạt động theo cơ chế "thói quen" cũ.

Lâu nay, khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất cho GDP của Hy Lạp, tiếp đó là ngành công nghiệp và nông nghiệp. Nhưng Hy Lạp cần có các nguồn thu nhập mới để tránh bị rơi trở lại tình trạng suy thoái. Hiện xuất khẩu của Hy Lạp là một nguồn thu đầy triển vọng. Bất chấp một vài năm đầy khó khăn, xuất khẩu hàng hóa của Hy Lạp đã tăng 35,5% trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2017 và đây là một tín hiệu đáng khích lệ góp phần làm giảm các mối quan ngại ở Athens và Brussels. Theo các chuyên gia, xứ sở thần thoại cần đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu của mình, đồng thời đẩy mạnh khả năng cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Song song với xuất khẩu, Hy Lạp cần khôi phục chất lượng sản xuất, tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống người dân. Một điểm yếu mà Hy Lạp cũng cần khắc phục là nạn quan liêu và sự thay đổi liên tục những quy định và khung pháp lý, với những đạo luật chồng chéo vốn bị coi là “cơn ác mộng” với các nhà đầu tư nước ngoài. Quan trọng hơn, giải quyết nợ xấu theo cách bền vững là nhiệm vụ cần tiếp tục thực thi và các ngân hàng ở Hy Lạp cần phải hành động nhiều hơn, nhanh hơn nữa để bảo đảm cơn ác mộng 8 năm qua không còn ảnh hưởng tới xứ sở thần thoại.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/hy-lap-chua-het-thach-thuc-547794