Hy Lạp và Macedonia nỗ lực giải quyết bất đồng liên quan đến tên gọi

Ngày 12/5, Hy Lạp và Macedonia đã bắt đầu cuộc đối thoại nhằm gỡ bỏ bế tắc kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước liên quan đến tên gọi 'Macedonia', yếu tố gây cản trở tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Macedonia.

Tham dự cuộc họp có Ngoại trưởng Macedonia Nikola Dimitrov cùng người đồng cấp nước chủ nhà Nikos Kotzia và đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) Matthew Nimetz với vai trò là trung gian. Cả Hy Lạp và Macedonia đều đang chạy đua với thời gian nhằm giải quyết dứt điểm tranh cãi liên quan đến tên gọi "Macedonia" trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU và các nước Tây Balkan tại Sofia (Bulgaria) vào ngày 17/5 tới.

Trong một phát biểu đưa ra trước cuộc đối thoại này 1 ngày, Ngoại trưởng Macedonia Dimitrov nhấn mạnh hai bên đang trong tiến trình "nhạy cảm" nhằm tháo gỡ một trong những bất đồng còn tồn tại. Ông lạc quan cho rằng nếu có sự đột phá, việc giải quyết vấn đề này sẽ diễn ra nhanh gọn, có thể trong 11 tuần, chứ không phải 11 tháng.

Quân đội Macedonia tuần tra gần biên giới với Hy Lạp. (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hy vọng việc giải quyết thấu đáo vấn đề này sẽ là đòn bẩy chính trị giúp nâng tầm Athens tại châu Âu, đồng thời gia tăng uy tín của ông trong bối cảnh quốc gia Địa Trung Hải này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công. Trong khi đó, Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev muốn đẩy nhanh tiến trình quốc gia vùng Balkan này gia nhập NATO và EU, qua đó củng cố liên minh cầm quyền của mình.

Tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát vào năm 1991 khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập LHQ với tên gọi Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia (FYROM). Tuy nhiên, Hy Lạp - một thành viên của EU và NATO - đã ngăn cản tiến trình gia nhập của Macedonia xuất phát từ tranh cãi liên quan tên của nước này. Do một tỉnh miền Bắc Hy Lạp cũng mang tên "Macedonia", Athens lo ngại sự trùng hợp này có thể dẫn đến tranh chấp về lãnh thổ với quốc gia láng giềng.

Hy Lạp phản đối việc sử dụng tên gọi của quốc gia láng giềng là "Macedonia", cho rằng điều này đồng nghĩa với việc Skopje có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cùng tên gọi này nằm ở phía Bắc Hy Lạp, nơi có 2 thành phố Thessaloniki và Kavala. Athens coi vùng đất này là di sản văn hóa tôn nghiêm. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Bucharest (Romania) năm 2008, Hy Lạp đã bỏ phiếu phủ quyết đơn xin gia nhập NATO của Macedonia, đồng thời yêu cầu giải quyết vấn đề tranh cãi này.

Khi Macedonia gia nhập LHQ với tên chính thức là CH Nam Tư cũ Macedonia, Hội đồng Bảo an LHQ đã thừa nhận rằng đây chỉ là tên tạm thời. Một số giải pháp được đưa ra bao gồm sử dụng tên "New Macedonia" hoặc "Northern Macedonia". Tuy nhiên, người dân Hy Lạp cho rằng tên gọi đất nước Balkan này hoàn toàn không được phép có từ "Macedonia".

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/hy-lap-va-macedonia-no-luc-giai-quyet-bat-dong-lien-quan-den-ten-goi-71066.html