Hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn

Bước qua tuổi 'thất thập cổ lai hy' nhưng trong ký ức của những cựu chiến binh một thời chiến đấu ở vùng tây Quảng Nam như ông Đào Bội Thuyên - nguyên Chủ tịch UBND H. Hiệp Đức, bà Nguyễn Thị Hồng Sinh, ông Trần Văn Thắng - AHLLVT nguyên Chỉ huy trưởng Quân sự H. Quế Sơn vẫn còn nhớ như in những câu chuyện về hai người mẹ dũng cảm hy sinh đứa con thơ dại của mình để cứu đồng đội, đồng bào.

Bước qua tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng trong ký ức của những cựu chiến binh một thời chiến đấu ở vùng tây Quảng Nam như ông Đào Bội Thuyên - nguyên Chủ tịch UBND H. Hiệp Đức, bà Nguyễn Thị Hồng Sinh, ông Trần Văn Thắng - AHLLVT nguyên Chỉ huy trưởng Quân sự H. Quế Sơn vẫn còn nhớ như in những câu chuyện về hai người mẹ dũng cảm hy sinh đứa con thơ dại của mình để cứu đồng đội, đồng bào.

Bà Lê Thị Nghê và bà Lê Thị Tịch.

Theo lời kể của các cựu chiến binh, đầu năm 1967, lính Mỹ ngập tràn trên đất Quế Sơn, chúng chiếm đóng những vị trí quan trọng, như Cấm Dơi, Núi Quế, Trung Phước. Nơi đây trở thành chiến trường khốc liệt, địch thực hiện phương châm 3 sạch "Đốt sạch, phá sạch, giết sạch" hòng đẩy lùi lực lượng dân quân, du kích và nhân dân vào con đường cùng, buộc phải đầu hàng. Tháng 7-1967, Mỹ đưa Lữ đoàn 196 và 198 Thủy quân lục chiến thay nhau mở nhiều cuộc càn quét trên chiến trường Quảng Nam. Từ căn cứ Tuần Dưỡng (Bình Trung, H. Thăng Bình) và Cấm Dơi (H. Quế Sơn), địch càn quét tìm diệt vùng căn cứ Sơn - Cẩm - Hà (H. Tiên Phước) và Tây Quế Sơn (H. Hiệp Đức). Đi đến đâu bắn giết, đốt phá nhà cửa đến đó để thực hiện ý đồ tách nhân dân ra khỏi vùng kháng chiến.

Ngày 10-7-1967, 2 tiểu đoàn quân Mỹ bao vây thôn Trà Linh, xã Sơn Tân (cũ) nay là xã Hiệp Hòa (H. Hiệp Đức). Cán bộ, du kích và nhân dân kiên trung hết đường trú ẩn, phải lánh giặc vào núi. Hòn Kẽm là hang động tự nhiên, có nhiều ngõ ngách hiểm trở nên gần 100 cán bộ du kích và nhân dân vào đây ẩn nấp. Do giặc càn quét trong thời gian dài nên trong hang lâm vào cảnh thiếu lương thực, nước uống... Trong số những quần chúng kiên trung đang nấp trong hang có chị Lê Thị Nghê vừa sinh con nhỏ chưa tròn 4 tháng tuổi tên là Lê Tân. Do điều kiện thiếu thốn không khí, sữa mẹ..., bé Tân suốt ngày ngằn ngặt khóc. Thương cháu, mọi người thay nhau dỗ dành nhưng bé ngày càng khóc to hơn làm cho mọi người lo lắng, nếu địch phát hiện tiếng động thì cả trăm mạng người sẽ bị tiêu diệt. Trước tình huống khó khăn này, mọi người đành động viên chị Nghê thà hy sinh cháu Tân để giữ bí mật cho đồng chí, đồng bào và đây cũng là hành động yêu nước, thương dân. Qua nhiều lần động viên, người mẹ đã thấu hiểu, đành tiễn bé Tân ra đi mãi mãi. Ngày địch rút quân, mọi người kéo nhau về làng cũ, chị Nghê cùng dân làng vẫn kiên trung bám trụ cùng với dân quân du kích chiến đấu chống quân xâm lược. Thế nhưng, từ đó chị Nghê như một người không hồn. Những năm tháng khốc liệt ấy đã qua đi, người mẹ ngày nào vì nghĩa lớn diệt thân vẫn không một phút giây ngừng nhớ về đứa con bé bỏng của mình. Hàng ngày, bà tha thẩn tấm thân gầy guộc trên chiếc xe lăn đi đầu làng, cuối xóm...

Một người mẹ khác vì muốn cứu cán bộ, nhân dân đã hy sinh đứa con của mình tại thôn Đồng Làng (xã Hiệp Hòa, H. Hiệp Đức). Theo chị Nguyễn Thị Hồng Sinh, sau cuộc tổng tấn công, nổi dậy xuân Mậu Thân-1968, nhân dân các xã vùng Tây Quế Sơn tổ chức đấu tranh chính trị giành chính quyền và đã bị địch đàn áp, dìm trong bể máu. Sau khi tổ chức đàn áp các cuộc biểu tình, địch tăng cường đánh phá địa bàn đứng chân của một số đơn vị, như: Bệnh viện C17, Trạm phẫu E 31, f2, Trại an dưỡng K20 F2, khu ủy khu V... ở các xã vùng Tây Quế Sơn. Tháng 2-1968, quân đội Mỹ tăng cường lực lượng, hỏa lực phong tỏa Đồng Cây Canh, Trà Linh, núi Lớn, núi Cổ Sưa..., du kích và người dân thôn Đồng Làng chỉ còn lối thoát là vào ẩn nấp tại hố Dù. Lúc này, bên cạnh hố Dù là bệnh viện C17, với hàng chục thương binh, bệnh binh của bộ đội sư đoàn 2 chủ lực đang nằm điều trị. Do lượng người quá đông, rất dễ bị địch phát hiện nên lãnh đạo yêu cầu tách một bộ phận nhân dân đưa trẻ con, vật dụng sinh hoạt đi nơi khác nhằm đánh lừa địch. Cả đoàn người chạy về hướng nam qua núi cổ Sưa, hòn Lớn. Chị Lê Thị Tịch có con nhỏ tên là Thuận chưa đầy 10 tháng tuổi nên không thể theo đoàn người di tản. Do phải sống trong cảnh đói khát, bệnh sốt rét hành hạ nên cháu Thuận kêu khóc thảm thiết. Trước tình cảnh ngặt nghèo đó, các chị thay nhau cố dỗ dành nhưng do sốt cao, đói sữa... Thuận vẫn không nín. Khi đêm xuống, tiếng khóc càng vang xa, rất dễ bị địch phát hiện nơi trú ẩn nên mọi người động viên vợ chồng chị Tịch hy sinh đứa trẻ để cứu hàng trăm mạng người. Trải qua những phút giây đấu tranh tư tưởng giữa tình mẫu tử và nghĩa lớn với đồng chí, đồng bào, cuối cùng chị Tịch đã chấp nhận trao bé Thuận cho anh Hữu (chồng chị Sinh) đưa ra gốc cây chò, chịu hy sinh để cứu mạng hàng trăm người trong hố Dù. Chứng kiến cảnh sinh ly, tử biệt của hai mẹ con nhiều người đã không cầm được nước mắt.

Ngày hòa bình lập lại, gia đình và chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị giải quyết cho 2 bà được hưởng chế độ người có công. Do những khó khăn, bất cập trong quy định chính sách người có công, 2 mẹ chưa được đền đáp xứng đáng, nhưng trong trái tim những người còn sống hôm đó nhờ vào sự hy sinh của gia đình 2 mẹ luôn đầy ắp những sự tri ân.

X.H-M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_210050_hy-sinh-tinh-rieng-vi-nghia-lon.aspx