Hy vọng lớn cho hội nghị Mỹ - Triều lần 2 ở Việt Nam

Quyết định lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump được giới phân tích đánh giá là 'nước cờ rất khôn ngoan' của cả Washington và Bình Nhưỡng.

Quyết định lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump được giới phân tích đánh giá là “nước cờ rất khôn ngoan” của cả Washington và Bình Nhưỡng.

Vậy là cuối cùng, sau nhiều đồn đoán, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần qua đã chính thức xác nhận sẽ có cuộc gặp lần thứ 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam vào ngày 27 và 28-2 tới.

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại hội nghị lần 1 ở Singapore. Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại hội nghị lần 1 ở Singapore. Ảnh: AFP

Còn nhiều việc phải làm

Theo các nguồn tin, hiện đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đang ở Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh này.

AFP dẫn lời đặc phái viên này cho biết, dù có nhiều đột phá, vẫn còn nhiều việc khó khăn phải hoàn thành trước hội nghị thượng đỉnh diễn ra. Sau 3 ngày hội đàm cấp chuyên viên tại Bình Nhưỡng, ông Biegun cho biết, công tác chuẩn bị đã có kết quả, nhưng cần có nhiều cuộc đối thoại hơn nữa. “Chúng tôi còn một số công việc khó khăn phải đàm phán lại với Triều Tiên. Tôi tin nếu cả hai bên đều cam kết, chúng tôi có thể đạt được tiến bộ thực sự ở đây. Tôi mong được gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un và thúc đẩy sự nghiệp hòa bình”, ông Biegun nhấn mạnh.

Ông Biegun đã bay đến Seoul tối 8-2 sau chuyến thăm Bình Nhưỡng kéo dài 3 ngày để đàm phán đi đến thống nhất các chi tiết chuẩn bị cho hội nghị lần 2. Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha trước đó, ông Biegun cũng đã nêu “một số việc khó khăn” liên quan tới Triều Tiên, nhưng ông không công bố chi tiết vấn đề này. Tuy nhiên, chính quyền Triều Tiên và các phương tiện truyền thông nước này cho đến nay vẫn im lặng về hội nghị thượng đỉnh lần 2 này. Tờ báo chính Rodong Sinmun và hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên, lại không đưa bất kỳ thông tin nào liên quan sự kiện trọng đại này. Bình Nhưỡng cũng giữ im lặng trước thông tin Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đến Bình Nhưỡng.

Vì sao Việt Nam được “chọn mặt gửi vàng”?

Quyết định lựa chọn Việt Nam lần này được đánh giá là “nước cờ rất khôn ngoan” của cả hai nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino cho rằng, lựa chọn này cho thấy hai nước có thể vượt qua những sự xung đột và chia rẽ, hướng đến mối quan hệ đối tác thịnh vượng. Theo ông Palladino, lịch sử quan hệ Mỹ - Việt phản ánh về khả năng đạt được hòa bình và thịnh vượng.

Giới phân tích cho rằng, Việt Nam là quốc gia có thể đáp ứng mọi yêu cầu. Đây là địa điểm đủ ngắn để ông Kim Jong-un bay từ Bình Nhưỡng, cũng như là địa điểm đều có các đại sứ quán Mỹ và Triều Tiên, hỗ trợ việc lên kế hoạch chuẩn bị hội nghị. Việt Nam cũng có mối quan hệ thân thiện với cả hai nước này. Không chỉ vậy, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia Triều Tiên có quan hệ hữu hảo. Việt Nam cũng có thể là một địa điểm quan trọng chiến lược với Mỹ, quốc gia hiện đang mắc kẹt trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, một trong những đồng minh thân thiết nhất của Triều Tiên.

Theo chuyên gia nghiên cứu Cheon Seong Whun tại Viện Asan về Nghiên cứu Chính sách ở Seoul Hàn, ông Trump có thể sử dụng Việt Nam để ra dấu với Bắc Kinh rằng, “Triều Tiên không nằm trong tay họ, Mỹ có một đối trọng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này”. Washington cũng muốn cho cả thế giới thấy được câu chuyện kinh tế thành công của Việt Nam, vốn đã được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo “chào hàng” trong chuyến thăm hồi năm ngoái.

Và đúng như ông Palladino nhận định, có nhiều hy vọng thành công cho hội nghị lần 2 này. Mọi chú ý bây giờ sẽ tập trung vào việc Mỹ có dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế để đổi lại việc Bình Nhưỡng có những bước đi cụ thể đối với phi hạt nhân hóa hay không. Các cuộc thảo luận về việc tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 cũng có thể được đưa lên bàn đàm phán, khi đặc phái viên Biegun đã nói rằng, Tổng thống Trump đã sẵn sàng chấm dứt cuộc chiến này. Cuộc xung đột kéo dài 3 năm này chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, không phải là một hiệp ước hòa bình, khiến hai miền Triều Tiên - về mặt kỹ thuật - vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.

Tại hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần đầu tiên tại Singapore, Tổng thống Trump đã trở về với ấn tượng rằng Triều Tiên sẽ thực hiện những bước đầu tiên hướng tới phi hạt nhân hóa mà không có bất kỳ bước đối ứng nào của Mỹ. Nhưng Triều Tiên chỉ tiếp tục tạm dừng các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, hủy lối vào một địa điểm thử nghiệm và có thể đã ngừng sản xuất các bộ phận tên lửa. Theo các chuyên gia, Bình Nhưỡng sẽ không muốn hành động đơn phương bởi việc phi hạt nhân hóa này sẽ là một quá trình hai chiều kéo dài.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_201934_hy-vong-lon-cho-hoi-nghi-my-trieu-lan-2-o-viet-n.aspx