Hy vọng mới cho châu Âu sau phát hiện của Thụy Điển

Việc Thụy Điển tìm thấy trữ lượng lớn đất hiếm mang lại hy vọng mới cho châu Âu trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và giảm bớt sự phụ thuộc vào vật liệu nhập khẩu.

Các mỏ đất hiếm có vai trò quan trọng trong nhiều quy trình sản xuất công nghệ cao. Ảnh: Shutterstock.

Hôm 12/1, công ty khai khoáng LKAB thuộc sở hữu nhà nước Thụy Điển cho biết họ đã phát hiện mỏ đất hiếm được xem là lớn nhất châu Âu tại Per Geijer, nằm ở Kiruna. Hiện tại, ước tính mỏ đất hiếm này chứa khoảng một triệu tấn oxit đất hiếm.

LKAB nói một số nguyên tố đất hiếm trong mỏ có thể được sử dụng để sản xuất nam châm vĩnh cửu - thành phần trong động cơ xe điện và tua-bin gió. Giám đốc điều hành LKAB, Jan Moström, khẳng định mỏ này có thể đóng vai trò quan trọng trong sản xuất các nguyên liệu thô cần thiết, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.

Theo Reuters, các mỏ đất hiếm có vai trò quan trọng trong nhiều quy trình sản xuất công nghệ cao và là nguyên liệu trong chế tạo xe điện, quạt gió, các thiết bị điện tử hay âm thanh.

Wall Street Journal nhận định Thụy Điển có phát hiện mới giữa lúc Liên minh châu Âu tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc nhập khẩu các nguyên liệu đất hiếm cần thiết sản xuất điện tử, pin và các sản phẩm khác.

Cần mất nhiều năm để phát triển và khai thác

Thụy Điển - quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của EU - cho biết họ có kế hoạch ưu tiên cho luật khoáng sản trong nhiệm kỳ sáu tháng.

LKAB cho biết sẽ mất nhiều năm để phát triển và khai thác mỏ đất hiếm mới. Ông Moström cũng nhấn mạnh những thách thức pháp lý phía trước. Công ty cho biết dựa trên các mốc thời gian hiện tại để xin giấy phép, có thể mất 10-15 năm, thậm chí hơn.

Ông Moström hy vọng có thể đẩy nhanh quá trình này. Công ty có kế hoạch nộp đơn xin nhượng quyền khai thác vào cuối năm nay.

Giám đốc điều hành LKAB Jan Moström. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, ông Jan Moström nói sẽ mất vài năm nữa để xác định mỏ chứa những gì. “Chúng tôi đang có các hoạt động thăm dò đang diễn ra tại mỏ này. Chúng tôi thực sự không biết mỏ này lớn tới mức nào”, ông nói thêm.

Các mỏ đất hiếm - trái với tên gọi - thực chất khá phổ biến ở nhiều khu vực địa lý. Tuy nhiên, việc khai thác mới là phần thách thức nhất, do quy trình xử lý phức tạp và các tác động môi trường nghiêm trọng.

Theo Financial Times, hiện tại, hơn 80% công suất xử lý đất hiếm của thế giới là ở Trung Quốc. EU dự đoán nhu cầu về nguyên liệu sử dụng trong động cơ ôtô điện và tua-bin gió sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030.

"Giờ chưa hành động nhanh chóng là đã thua"

Thông báo của LKAB vấp phải lo ngại từ các thành viên của cộng đồng bản địa Sami trong khu vực. Họ cho rằng việc phát triển mỏ sẽ chia cắt khu vực chăn tuần lộc truyền thống và tổn hại tới quyền thực hành văn hóa.

Người Sami sẽ buộc phải “từ bỏ đất đai, văn hóa, địa danh, truyền thống và tương lai của người Sami ở khu vực mà tổ tiên chúng tôi đã sinh sống từ thời cổ đại”, đại diện cộng đồng cho biết.

Cộng đồng Kiruna - khu dân cư gần mỏ nhất và nơi một mỏ quặng sắt đang hoạt động - hiện phải tái định cư vì hoạt động khai thác ảnh hưởng đến tính ổn định của đất. Thành phố đang trong quá trình di dời dân và các tòa nhà, bao gồm cả nhà thờ gỗ mang tính biểu tượng hơn 100 năm tuổi.

EU đặt mục tiêu tự cung tự cấp nguyên liệu thô lên hàng đầu trong chương trình nghị sự, khi khối tìm cách hạn chế sự phụ thuộc vào bên ngoài, đồng thời củng cố tham vọng thúc đẩy công nghệ xanh của nội khối.

LKAB hiện đã sở hữu mỏ sắt lớn nhất ở EU. Ảnh: Shutterstock.

Ủy ban châu Âu đang hiện thực hóa các kế hoạch nới lỏng rào cản pháp lý trong khai thác và sản xuất các vật liệu quan trọng cần thiết cho trang trại gió, tấm pin Mặt Trời và xe điện.

Mọi thứ càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh Mỹ đưa ra Đạo luật giảm lạm phát trị giá 369 tỷ USD, trong đó cung cấp khoản trợ cấp công nghiệp khổng lồ thúc đẩy công nghệ xanh ở Mỹ.

Kế hoạch ở Washington gây lo ngại về “cuộc di cư xanh” từ EU qua Đại Tây Dương. Nhiều người phàn nàn về “những nỗ lực tích cực” của Mỹ nhằm “thu hút” các công ty EU.

Trong nỗ lực giảm khí thải carbon, EU cũng thắt chặt các tiêu chuẩn khí thải với ôtô, đến mức các nhà sản xuất hiện trong quá trình chuyển hoàn toàn sang ôtô điện. Điều này khiến ngành công nghiệp phải vật lộn đảm bảo đủ số lượng nguyên liệu thô cho các phương tiện.

Với ước tính đến năm 2025, cứ 4 chiếc ôtô mới được bán ở EU có thể là một mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện, giới lãnh đạo ngành đang thúc giục Brussels làm nhiều hơn nữa để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô.

“Châu Âu cần một cơ quan về nguyên liệu thô chiến lược. Ai không thể hành động nhanh chóng trong thời điểm này là đã thua”, Hildegard Müller - Chủ tịch VDA, hiệp hội ngành công nghiệp ôtô Đức - nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hy-vong-moi-cho-chau-au-sau-phat-hien-cua-thuy-dien-post1393531.html