Hy vọng mới của cải lương sau 100 năm

Năm 2018 đánh sự tồn tại 100 năm của cải lương - nghệ thuật sân khấu được ví như Truyện Kiều của dân tộc Việt. Đây là niềm tự hào của người Việt, nhưng không phải không có những lo lắng cho loại hình nghệ thuật này.

Sân khấu cải lương được phục dựng trong Song Lang.

Sự thăng trầm của cải lương

Nhà văn, biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc, đồng biên kịch của Song Lang – bộ phim lấy cải lương thập niên 80 làm bối cảnh – nhận định: “Hiện nay, không ai nghĩ về cải lương như một lão niên trăm tuổi râu tóc bạc phơ; mà phải nhìn thẳng vô sự thật đau lòng là đa số người Việt đang nhìn nó như một trung niên thiếu phụ từ quê lên tỉnh, hương đồng cỏ nội đã bay khá nhiều, lại thêm sa vào giải phẩu thẩm mỹ quá tay”.

Ra đời những năm đầu thế kỷ 19, cải lương là sự sáng tạo của người Việt với mong muốn sở hữu một loại hình nghệ thuật biểu diễn mang đặc trưng của nước mình, không phải đi theo quy tắc của ai. Cải lương ra đời với sự học tập và kết hợp của nhiều yếu tố: xây dựng chương hồi theo lối Tây, sử dụng âm nhạc đặc trưng của miền Nam (đờn ca tài tử), cốt truyện lấy từ các điển tích, điển cố mang đậm màu sắc dân tộc… Nếu chèo và rối nước của miền Bắc, nhã nhạc cung đình Huế của miền Trung… thường chỉ khu biệt trong khu vực, thì cải lương lại phổ biến rộng rãi ở cả ba miền.

Đến những năm 70 thế kỷ trước, nhiều sự thay đổi, trong đó có sự thay đổi cách quản lý đã vô tình tạo ra sự bất lợi cho cải lương. Đi cùng đó là sự xâm nhập mạnh mẽ của văn hóa nước ngoài. Nếu như trước kia là phim chưởng Hồng Kông, phim dã sử Trung Quốc với kịch bản, quay dựng và diễn xuất hấp dẫn, đấm đá thực hơn cảnh đấu mang tính ước lệ trên sân khấu cải lương. Ngày nay, văn hóa Nhật Bản, làn sóng Hallyu (Hàn Quốc), sự tự do của phương Tây… gần như phủ lấp mọi loại hình giải trí truyền thống của Việt Nam.

Các tác động kể trên đã khiến những kép hát có tài dù yêu cải lương phải đi đóng phim, đóng quảng cáo mưu sinh. Tới khi quay lại sân khấu, sự kiên định về giá trị cốt lõi của nghề đã phai nhạt, nhiều người lại làm méo mó đi cải lương truyền thống. Trong hội thảo khoa học về cải lương hồi tháng 4 vừa qua tại TPHCM, biên kịch Minh Ngọc cho biết, nhiều kép hát tài năng lúc đó đã “xắn” trích đoạn hay ra diễn riêng kiếm danh lợi, hoàn toàn quên đó là sự kết tinh công sức của đạo cụ, đạo diễn, biên kịch, nhạc sĩ, và hàng chục vai phụ…

Bên cạnh đó, những giọng ca tốt, có nội lực dần mai một khiến sân khấu cải lương phải chấp nhận những kép hát chất giọng nông phèng, diễn xuất tệ, không đam mê.

Ngoài yếu tố người làm nghề và khán giả thì đã lâu rồi cải lương không có kịch bản đủ thu hút. Sân khấu cải lương không chỉ là công cụ giải trí, mà còn hướng người xem tới những giá trị sống như trung hiếu, yêu nước, thương nòi. Một thời, sân khấu này toàn những vở “làm lại”: Nửa đời hương phấn, Tấm lòng của biển, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt… thay vì cố gắng viết vở mới hay.

Dù là sân khấu cải lương vẫn sáng đèn nhưng suất diễn chủ yếu ở thành phố lớn, giá vé thường cao hơn vé phim ngoài rạp, trong khi cải lương đi ra từ bình dân, đáng lẽ phục vụ bình dân. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tình trạng le lói của cải lương.

Những hy vọng

Không thể phủ nhận cải lương đang trong tình trạng hấp hối như nhiều người đã ví von, nhưng vẫn còn hy vọng cho loại hình nghệ thuật biểu diễn này.

Trên thực tế, tình cảm tốt đẹp của người dân dành cho cải lương vẫn còn. Điều này được thể hiện qua việc các vở cải lương kinh điển của thời vàng son trong thập niên 1960-1980 được phát trên kênh YouTube (dịch vụ đăng và xem video trực tuyến) vẫn có lượt xem cao. Các cuộc thi cải lương trên ti vi, đài phát thanh vẫn được khán giả dõi theo, các vở kịch, các chương trình trò chơi truyền hình thường được các đạo diễn lồng ghép cải lương vào những tình huống hợp lý và luôn được khán giả tán thưởng.

Về phim ảnh, từ truyền hình đến điện ảnh, vẫn thường vận dụng cải lương vào như một cách khai thác thiện cảm có sẵn trong lòng khán giả, nhất là người dân miền Tây. Đến nay, nhiều người viễn xứ vẫn thường nghe cải lương để nhớ về quê nhà. Đạo diễn của Song Lang - Leon Quang Lê - là một ví dụ. Anh sang Mỹ học nhiều loại hình nghệ thuật tân thời khác, vẫn không quên được chất hoài cổ cải lương mang lại. Trong thời gian hoạt động nghệ thuật tại hải ngoại, anh ấp ủ một dự án điện ảnh đề cập đến thân phận hẩm hiu của người nghệ sĩ cải lương sau ánh hào quang sân khấu. Anh đã cùng soạn giả Hoàng Song Việt soạn lại một số trích đoạn cho phù hợp với nội dung phim trong phim Song Lang.

Ngoài Song Lang thì phim Saigon anh yêu em kể về tình yêu dành cho Sài Gòn, trong đó có nhiều đoạn miêu tả về buổi hoàng hôn của hai nghệ sĩ cải lương về già, đã khiến khán giả cảm động và là một trong những yếu tố giúp bộ phim thành công về doanh thu.

Hà Bi - Huy Nguyễn

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279781/-hy-vong-moi-cua-cai-luong-sau-100-nam.html