Hy vọng 'viết' tiếp những thành công

Hôm qua 9-6, hơn 11 triệu cử tri Kazakhstan đi bỏ phiếu bầu tổng thống trước thời hạn. Cuộc bầu cử nhằm lựa chọn người có đủ năng lực 'cầm lái' để đất nước Trung Á này tiếp bước con đường phát triển mà Tổng thống đầu tiên, lãnh tụ dân tộc N.Nazarbayev đã gây dựng và Tổng thống lâm thời K.J.Tokayev đang tiếp tục thực thi.

Có mặt tại Cung Thiếu nhi, công trình được xây dựng theo sáng kiến của lãnh tụ dân tộc N.Nazarbayev, cũng là điểm bầu cử mà ông N.Nazarbayev tới bỏ phiếu, đông đảo các quan sát viên, phóng viên đến từ nhiều nước trên thế giới đã chứng kiến sự phấn khởi của người dân được thể hiện trách nhiệm công dân trong sự kiện quan trọng này. Cử tri Kazakhstan đều có chung một cảm nhận về công tác chuẩn bị chu đáo cho cuộc bầu cử dân chủ, tự do.

Nur Sultan, cái tên mới vừa được đặt cho thủ đô của Kazakhstan nhằm vinh danh Tổng thống đầu tiên N.Nazarbayev, mang dáng vẻ của một thành phố hiện đại, thanh bình với nhiều tòa cao ốc, thấp thoáng mái vòm của kiến trúc Hồi giáo và cả những kiến trúc mô phỏng chiếc lều của vùng thảo nguyên. Thành phố thủ đô của Kazakhstan có những nét đẹp riêng của một nền văn hóa giao thoa giữa châu Âu và châu Á. Những ngày này, Nu Xun-tan chào đón nhiều vị khách quốc tế tới tham gia giám sát và đưa tin về cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn.

Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử trước thời hạn đã được khẩn trương tiến hành sau khi Tổng thống lâm thời Kazakhstan J.Tokayev gửi thông điệp tới người dân về ngày tổ chức bầu cử. Tham gia cuộc đua lần này có bảy ứng cử viên, trong đó có Tổng thống lâm thời J.Tokayev, người được đảng cầm quyền Nur Otan đề cử; ứng cử viên của Phong trào Cộng hòa Uly Dala Kyrandary T.Xa-đi-bếch; ứng cử viên của đảng Cộng sản nhân dân Kazakhstan A.D.Au-da-nô-vích; ứng cử viên phe đối lập Phong trào dân tộc yêu nước Ult tagdyry K.A.Xa-gi-đrắc-ma-nô-vích... Tham gia cuộc bầu cử còn có ứng cử viên nữ đến từ đảng Dân chủ Ak Zhol, bà Y.Ð.Ma-đi-y-ép-na. Các ứng cử viên đã bước vào chiến dịch vận động tranh cử đầy sôi động từ ngày 11-5 vừa qua và kéo dài tới 0 giờ ngày 8-6, trước khi có một "ngày im lặng" trước giờ bỏ phiếu. Ðể giành được sự ủng hộ của cử tri, các ứng cử viên đã có các bài phát biểu trên đài phát thanh, truyền hình và bài viết trên báo in với thời lượng như nhau, cùng các sự kiện gặp gỡ cộng đồng, cử tri để bày tỏ và khẳng định những cam kết tranh cử đối với người dân, đất nước.

Hàng chục quan sát viên quốc tế từ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Văn phòng các tổ chức dân chủ và nhân quyền thuộc Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC)…, đã tới Kazakhstan tham gia giám sát bầu cử. Gần 100 phóng viên đến từ hàng chục tờ báo của các nước cũng tới đưa tin về cuộc bỏ phiếu được cho là có tính cạnh tranh nhất trong lịch sử Kazakhstan. Theo Ủy ban bầu cử trung ương của Kazakhstan, kết quả bầu cử chính thức sẽ được công bố trước ngày 16-6 tới.

Kể từ khi giành độc lập ngày 16-12-1991, Kazakhstan đã đạt những thành tựu cực kỳ ấn tượng trên nhiều lĩnh vực. GDP bình quân đầu người của quốc gia Trung Á này đã tăng 16 lần, từ mức 700 USD lên 12 nghìn USD. Ðược đánh giá là nền kinh tế năng động thứ ba trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, Kazakhstan đã gia nhập nhóm các nước có mức thu nhập trung bình cao, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB). Là quốc gia dồi dào tài nguyên thiên nhiên, đứng trong danh sách 10 nước hàng đầu thế giới về sản xuất dầu mỏ và khí đốt, xuất khẩu ngũ cốc và đứng đầu về xuất khẩu u-ra-ni, Kazakhstan đã tận dụng thành công những lợi thế, tiềm năng để đưa ra các chính sách thu hút đầu tư. Chính phủ Kazakhstan đã phát triển "Kế hoạch quốc gia", một gói cải cách toàn diện nhằm đưa ra các bước đi cụ thể để cải thiện hiệu quả nền kinh tế bằng cách bảo vệ các nhà đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, minh bạch thuế quan. Ðó cũng là lý do, trong gần 28 năm qua kể từ khi giành độc lập, Kazakhstan đã thu hút hơn 200 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm khoảng 70% tổng số vốn đầu tư đổ vào Trung Á. Nhà nước Kazakhstan từ lâu đã theo đuổi một chương trình phát triển công nghiệp và đổi mới sáng tạo thành công, nhằm hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế.

Với vùng diện tích lãnh thổ lớn thứ chín thế giới, cảnh quan kỳ thú kết hợp những đặc sắc văn hóa mang đậm chất Trung Á, Kazakhstan đã và đang tận dụng lợi thế, khai thác tiềm năng để phát triển và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Thu hút du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở giáo dục, y tế hiện đại, chú trọng cải thiện an sinh xã hội và phát triển công nghệ xanh là những trọng tâm trong chính sách của Kazakhstan nhằm phát triển bền vững. Tiếp nối thành công của chương trình nhà nước về phát triển cơ sở hạ tầng mang tên "Con đường sáng" và "Kế hoạch quốc gia", Kazakhstan hiện đang triển khai "Con đường tơ lụa mới", một dự án quy mô lớn nhằm đưa đất nước trở thành trung tâm thương mại và trung chuyển lớn nhất khu vực, là cầu nối giữa hai lục địa Á-Âu, với mục tiêu đến năm 2020 tăng gần gấp đôi lưu lượng hàng hóa đi qua Kazakhstan.

Trong bối cảnh đó, trọng trách của vị tổng thống đắc cử vẫn là tiếp tục tập hợp sức mạnh của toàn dân để thực hiện những kế hoạch quốc gia vốn đã đưa Kazakhstan trở thành một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ ở khu vực. Là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh kinh tế Á - Âu, đóng vai trò quan trọng tại OSCE cũng như OIC, cùng với sự tăng trưởng ấn tượng về kinh tế, ổn định chính trị, Ca-dắc-xtan đang nỗ lực hiện thực hóa những mục tiêu đưa nước này có tên trong danh sách 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2050.

HỒNG CẦM (Từ Nur Sultan, Kazakhstan)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40485602-hy-vong-viet-tiep-nhung-thanh-cong.html