ICAPP và sự tham gia của Việt Nam

TCCSĐT - Ý tưởng tổ chức Hội nghị quốc tế các Chính đảng châu Á (ICAPP – International Conference of Asian Political Parties) do ông Hô-xê đờ Vê-nê-xi-a, cựu Chủ tịch Quốc hội Phi-líp-pin, cựu Chủ tịch Liên minh Dân chủ-Thiên chúa giáo Phi-lip-pin (Lakas-CMD), Phó Chủ tịch Liên hiệp quốc tế các đảng Dân chủ-Thiên chúa giáo (CDI) khởi xướng năm 2000.

ICAPP - din đàn quc tếđa phương

ICAPP là một diễn đàn quốc tế đa phương, được thành lập với mục tiêu tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các chính đảng tại châu Á, không phân biệt hệ tư tưởng, tín ngưỡng; tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước châu Á; thúc đẩy hợp tác khu vực tại châu Á qua kênh chính đảng; mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy hình thành một liên minh theo hình mẫu của Liên minh châu Âu (EU).

ICAPP ra đời vào những năm đầu thế kỷ XXI, trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Tại thời điểm này, trật tự thế giới đang manh nha nhiều bước chuyển sang mô hình đa cực. Chính quyền của Tổng thống G.Bu-sơ (G.W Bush) đang ở thế thượng phong, ngày càng thể hiện thái độ nước lớn trong quan hệ quốc tế. Mối quan hệ giữa Mỹ với các nước lớn khác – những nước đòi hỏi một trật tự thế giới mới đa cực hơn - trở nên khá căng thẳng. Đây cũng là thời điểm Trung Quốc, Nga và một số nền kinh tế mới nổi trỗi dậy mạnh mẽ càng làm quan hệ quốc tế trở nên hết sức đáng quan ngại.

Tại khu vực châu Á, an ninh – chính trị bắt đầu có biểu hiện phức tạp. Đông Bắc Á và Đông Nam Á chưa thực sự hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998. Tình hình tại Bán đảo Triều Tiên bắt đầu căng thẳng trở lại. Khu vực Nam Á diễn ra nhiều xung đột cục bộ. Khu vực Tây-Trung Á, Trung Cận Đông trở thành địa bàn tranh giành, gây ảnh hưởng của các nước lớn về địa chính trị và năng lượng…

Hiến chương ICAPP được ban hành tại Xơ-un, Hàn Quốc nhân dịp Hội nghị toàn thể ICAPP lần thứ 4 năm 2006, và được coi là văn bản có tính chất thể chế hóa ICAPP thành một cơ chế chính thống trong đời sống chính trị tại khu vực.

Theo quy định tại Điều 2 Hiến chương ICAPP, tất cả các chính đảng (và cả các tổ chức chính trị) được bầu dân chủ hoặc có mặt trong các cơ chế lập pháp của bất kỳ quốc gia nào là thành viên của Liên hợp quốc đều có thể tham gia ICAPP.

ICAPP có ba cơ chế quan trọng là: (i) Hội nghị Toàn thể, họp 02 năm/lần, do một chính đảng thành viên đăng cai tổ chức; (ii) Cuộc họp Ủy ban Thường trực, họp ít nhất 01 năm/lần, gồm 18 thành viên, phân bổ đều theo 06 khu vực địa lý của châu Á (Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á, Trung Á và Châu Đại dương); (iii) Ban Thư ký, sẽ do chính đảng đăng cai tổ chức Hội nghị Toàn thể đảm nhận. Trong ba cơ chế trên, Ủy ban Thường trực có vị trí, vai trò khá quan trọng trong việc định hướng hoạt động của ICAPP.

Theo Quy định tại Điều 8 Hiến chương ICAPP, đảng nào đăng cai tổ chức Hội nghị Toàn thể sẽ chịu toàn bộ chi phí, đồng thời có thể do các đảng thành viên ICAPP tự nguyện đóng góp hoặc nhờ vào các nguồn hỗ trợ khác. Trên thực tế, từ khi thành lập tới nay, ngoài khoản chi của chính đảng đăng cai tổ chức, ICAPP còn nhận được sự giúp đỡ và tài trợ của Quỹ Konrad Adenauer (KAS) và Quĩ Hanns Seidel của Đức và quỹ Alcide de Gasperi của I-ta-li-a.

Từ năm 2000 đến nay, ICAPP đã tổ chức 6 Hội nghị Toàn thể và 11 cuộc họp Ủy ban Thường trực.

Hội nghị Toàn thể ICAPP lần thứ 1 (9-2000) có chủ đề: “Xây dựng nhịp cầu và xúc tiến một nền văn hóa đối tác giữa các đảng chính trị châu Á” được tổ chức tại Ma-ni-la, Phi-líp-pin, do Đảng Dân chủ - Thiên chúa giáo Phi-líp-pin đăng cai tổ chức; 46 đảng của 26 nước tham dự. Hội nghị thông qua “Tuyên bố châu Á 2000”, nội dung mang tính nguyên tắc chung, bày tỏ mong muốn của các đảng chính trị châu Á về một khu vực hòa bình, tự do và phồn vinh; về sự ổn định ở châu Á; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không xâm lược và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác; giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp lãnh thổ và tôn trọng các hiệp ước và luật pháp quốc tế; ủng hộ các bước của ARF nhằm xây dựng lòng tin và thúc đẩy đối thoại an ninh chính trị giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương….

Hội nghị Toàn thể ICAPP lần thứ 2 (11-2002): tại Băng-cốc, Thái Lan, do Đảng Thai Rak Thai của Thái Lan đăng cai với chủ đề: “Thúc đẩy nhận thức chung, đi sâu hợp tác”; 74 đảng của 25 nước đã tham dự. Hội nghị thông qua “Tuyên bố Băng-cốc 2002”, coi “Tuyên bố châu Á 2000” của Hội nghị Toàn thể ICAPP lần thứ 1 là khuôn khổ cho việc tăng cường quan hệ giao lưu hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các đảng chính trị, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng cho khu vực; nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của các đảng chính trị đối với quá trình phát triển của mỗi nước; ghi nhận sự cần thiết chia sẻ ý tưởng chung về xây dựng một khu vực đủ mạnh để đối phó với thách thức của toàn cầu hóa, cho việc xây dựng một chính quyền minh bạch, thực thi dân chủ, nhân phẩm, tự do đối với mọi người, tôn trong trọng sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc là những nhân tố thiết yếu cho hòa bình và phát triển bền vững của châu Á; nêu lại những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa các quốc gia...; ghi nhận vai trò quan trọng của thông tin và công nghệ thông tin; khuyến khích kinh nghiệm về xóa đói giảm nghèo và chăm lo nhiều hơn đến đời sống vật chất của nhân dân mỗi nước.

Hội nghị Toàn thể ICAPP lần thứ 3 (9-2004) với chủ đề: “Giao lưu, hợp tác và phát triển” diễn ratại Bắc Kinh, Trung Quốc, do Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng cai; 82 đảng của 35 nước tham dự; Việt Nam được bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường trực ICAPP.

Hội nghị thông qua “Tuyên bố Bắc Kinh 2004”, nhấn mạnh tầm quan trọng của Diễn đàn ICAPP để các chính đảng hợp pháp của các quốc gia có chủ quyền châu Á trao đổi ý tưởng chính trị, tìm kiếm nhận thức chung về chính trị, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy, trở thành kênh thông tin mới và cơ chế mới phát huy vai trò đặc biệt của các chính đảng thúc đẩy hợp tác khu vực và phát triển; nhấn mạnh yêu cầu mở rộng giao lưu hợp tác khu vực, thúc đẩy cùng nhau phát triển; chủ trương thông qua đối thoại và hiệp thương giải quyết bất đồng, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, từng bước cải cách những gì không hợp lý, không công bằng trong trật tự quốc tế hiện có, tích cực thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế, cùng nhau làm cho châu Á hòa bình, ổn định, hòa hợp, phồn vinh; chủ trương chống chiến tranh, xâm lược, bá quyền; hoan nghênh những nỗ lực của các quốc gia và các chính đảng châu Á nhằm giải quyết hòa bình các cuộc xung đột và khủng hoảng khu vực, chủ trương biến các vùng tranh chấp thành vùng hợp tác; chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa cực đoan, nhưng không áp dụng tiêu chuẩn kép, không gắn chống khủng bố với bất kỳ lý do sắc tộc, tôn giáo nào. Tuyên bố coi an toàn năng lượng là một vấn đề mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt, hợp tác năng lượng có thể trở thành một bộ phận quan trọng trong hợp tác khu vực châu Á.

Hội nghị Toàn thể ICAPP lần thứ 4 (9-2006):tại Xơ-un, Hàn Quốc, do Đảng U-ri Hàn Quốc đăng cai; 90 đảng của 36 nước tham dự; chủ đề của Hội nghị là: “Hòa bình và Thịnh vượng ở Châu Á”. Hội nghị thông qua Hiến chương ICAPP, gồm 07 Chương, 15 Điều, đặt nền móng từng bước thể chế hóa ICAPP.

Hội nghị Toàn thể ICAPP lần thứ 5 (9-2009) diễn ra tại tại A-xta-na, Ca-dắc-xtan, do Đảng Dân chủ Nhân dân “Nur Otan” đăng cai; chủ đề của Hội nghị là “Hướng tới Thế kỷ châu Á”; 78 đảng của 40 nước tham dự. Hội nghị bầu Ủy ban Thường trực ICAPP nhiệm kỳ 2009-2011, gồm 18 Ủy viên, trong đó có đại diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thông qua Tuyên bố A-xta-na, ICAPP khẳng định quyết tâm xây dựng một mô hình quan hệ tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị, láng giềng thân thiện, hợp tác toàn diện, thông qua đàm phán và đối thoại bình đẳng để giải quyết các vấn đề tồn đọng và nảy sinh trong quan hệ giữa các nước trong khu vực; kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường đấu tranh chống phổ biến vũ khí hạt nhân, khủng bố quốc tế, tôn giáo cực đoan…; thúc giục phối hợp hành động toàn cầu nhằm tìm kiếm phương thức vượt qua tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu; đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của các tổ chức liên kết khu vực, trong đó có ASEAN, trong tiến trình xây dựng một cộng đồng châu Á đoàn kết, hợp tác và thịnh vượng; kêu gọi nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu như an ninh năng lượng, bảo vệ nguồn nước, phòng chống dịch bệnh và biến đổi khí hậu; đề cao vai trò của phụ nữ và thanh niên trong nỗ lực xây dựng một châu Á mới. Đặc biệt, Hội nghị nhấn mạnh vai trò của đối ngoại đảng nói chung và của ICAPP nói riêng trong việc xây dựng sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau vì hòa bình, ổn định và phát triển tại châu Á.

Từ ngày 1 đến 3-12, tại thủ đô Phnôm Pênh đã diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ 6 các chính đảng châu Á (ICAPP) do Đảng Nhân dân Cam-pu-chia phối hợp với Đảng Fun-xin-pếc (FUNCINPEC) tổ chức với chủ đề "Ước muốn của châu Á cho một tương lai tốt đẹp hơn".

Dự Hội nghị có 326 đại biểu của 89 chính đảng đến từ 36 quốc gia châu Á, một số nguyên thủ, cựu nguyên thủ và 25 quan sát viên đến từ các chính đảng và tổ chức ngoài khu vực. Bên lề Hội nghị đã diễn ra Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập ICAPP; 3 hội thảo về an toàn sinh thái, về các nhà lãnh đạo chính trị trẻ và các nữ chính trị gia; cuộc họp chung lần thứ hai giữa Ủy ban Thường trực ICAPP và Cơ quan Điều phối Hội nghị thường trực các chính đảng ở Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê.

Hội nghị đã ra tuyên bố Phnôm Pênh, trong đó cam kết đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở các nguyên tắc như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết về chế độ chính trị, kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Hội nghị cam kết hợp tác giải quyết hòa bình các vấn đề cấp bách của khu vực và thế giới, đặc biệt là vấn đề xóa đói giảm nghèo; kêu gọi thiết lập khu vực mở, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại ở cấp khu vực và tiểu khu vực, kêu gọi phát triển tiểu vùng Mê Công thành trung tâm tăng trưởng nông nghiệp bền vững của châu Á. Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết đấu tranh bảo vệ môi trường sinh thái, hợp tác chống thiên tai và dịch bệnh; kêu gọi hòa giải dân tộc ở các nước có xung đột nội bộ, nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ di sản văn hóa trong quá trình phát triển ở mỗi nước; tái khẳng định vận động Quỹ xóa đói và Quỹ tài chính vi mô. Hội nghị đã đề xuất thành lập tổ chức phụ nữ và thanh niên trong khuôn khổ ICAPP và nhất trí nỗ lực để tiến tới tổ chức hội nghị ba bên giữa các chính đảng của châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh.

Việt Nam và ICAPP

Việt Nam tham gia ICAPP ngay từ các hoạt động đầu tiên; được bầu làm Ủy viên Thường trực từ Hội nghị Toàn thể ICAPP lần thứ 3 và tiếp tục được bầu vào Ủy ban Thường trực nhiệm kỳ 2009-2011 qua Hội nghị Toàn thể lần thứ 5 (9-2009) vừa qua. Trong các lần dự Hội nghị Toàn thể, Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam đều có tham luận trình bày tại phiên toàn thể, chuyển tải các thông điệp về đường lối, chính sách đối ngoại, tình hình phát triển kinh tế-xã hội và thành tựu, bài học kinh nghiệm trong công cuộc Đổi mới với các chính đảng thành viên của ICAPP. Tại các cuộc họp Ủy ban Thường trực, Đoàn Việt Nam tham gia tích cực, có trách nhiệm, có đóng góp thực tế, thuyết phục, được Chủ tịch và các Ủy viên Ủy ban Thường trực đánh giá cao.

Sau 6 hội nghị toàn thể, ICAPP đã phần nào đáp ứng được mục tiêu đề ra theo như tôn chỉ, mục đích nêu trong Hiến chương ICAPP; số lượng các chính đảng tham dự qua các kỳ hội nghị ngày một tăng. Tuy nhiên, ICAPP chưa tạo dựng được các cơ chế thực sự hiệu quả để có thể trở thành một diễn đàn khu vực có tiếng nói và ảnh hưởng mạnh, do vậy, hiện ICAPP đang cố gắng tìm kiếm các biện pháp và sáng kiến nhằm thúc đẩy hiệu quả theo chiều sâu, như cơ cấu lại Ủy ban Thường trực, sửa đổi Hiến chương, tập trung thúc đẩy các dự án ưu tiên của ICAPP…

Điểm mạnh của ICAPP là để mở cho các đảng khác nhau tham gia, không phân biệt là đảng cầm quyền hay đối lập, không xét tới hệ tư tưởng, tín ngưỡng; giúp mở rộng tập hợp lực lượng. Tuy nhiên cũng do tính chất tổng hợp và đa dạng trong thành phần tham gia nên việc đạt được đồng thuận là yếu tố hết sức khó khăn trong việc ra quyết định của cả Ủy ban Thường trực và Hội nghị Toàn thể. Vì vậy, bản sắc của ICAPP vẫn chưa thực sự thể hiện được bản sắc rõ rệt.

Do tính đặc thù và sự đa dạng của thành phần dự Hội nghị, nội dung các Tuyên bố sau mỗi kỳ Hội nghị Toàn thể đều tránh không đề cập những vấn đề gay cấn, gây tranh cãi. Chủ tịch Ủy ban Thường trực có vai trò rất quan trọng để trung hòa các ý kiến, trường phái tư tưởng và lợi ích khác nhau của các chính đảng tham gia ICAPP./.

Lê Thanh Tùng

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/the-gioi-van-de-su-kien/2010/369/icapp-va-su-tham-gia-cua-viet-nam.aspx