ICJ bác bỏ phần lớn các vụ kiện Nga của Ukraine

Ngày 31/1, các thẩm phán tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra các phán quyết liên quan tới các vụ kiện của Ukraine cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước chống khủng bố và bắn hạ chuyến bay MH17 năm 2014.

Vụ trưởng Vụ Luật quốc tế Bộ Ngoại giao Ukraine Oksana Zolotaryova và Đại sứ lưu động Anton Korynevych tham dự phiên điều trần của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague, Hà Lan ngày 31/1/2024. Ảnh: Reuters

Năm 2017, Ukraine đã đệ đơn kiện lên ICJ, trong đó nước này cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước chống khủng bố bằng cách tài trợ cho phe ly khai thân Nga ở Ukraine cũng như khẳng định Moscow phải chịu trách nhiệm về vụ bắn hạ chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines ở miền đông Ukraine năm 2014.

Tới ngày 31/1, Reuters dẫn lời các thẩm phán của tòa án cáo buộc Nga đã vi phạm hiệp ước chống khủng bố của Liên Hợp Quốc khi không điều tra các cáo buộc chính đáng rằng một số khoản tiền đã được gửi từ Nga đến Ukraine để có thể tài trợ cho các hoạt động khủng bố. Do đó, một hội đồng gồm 16 thẩm phán đã ra lệnh rằng Nga cần điều tra mọi cáo buộc chính đáng về việc tài trợ khủng bố.

Tuy nhiên, ICJ từ chối yêu cầu bồi thường của Ukraine. Ngoài ra, tòa án cấp cao của Liên Hợp Quốc cũng từ chối đưa ra phán quyết về vụ bắn rơi MH17, khi đưa ra tuyên bố rằng các hành vi vi phạm tài trợ khủng bố chỉ áp dụng đối với hỗ trợ tài chính và tiền tệ chứ không áp dụng cho việc cung cấp vũ khí hoặc đào tạo như cáo buộc của Ukraine.

Trong phiên điều trần tại tòa án ở The Hague vào tháng 6/2023, Nga đã bác bỏ cáo buộc của Ukraine về việc tài trợ và kiểm soát phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine là hư cấu và "những lời dối trá trắng trợn".

Trong vụ án kéo dài gần 7 năm, Kiev cáo buộc Kiev đã cáo buộc Nga cung cấp hệ thống tên lửa bắn hạ máy bay, nhưng họ không cáo buộc hỗ trợ tài chính. Nước này cũng cáo buộc Nga trang bị và tài trợ cho các lực lượng thân Nga, bao gồm cả phiến quân đã bắn hạ MH17 vào tháng 7/2014, khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Ở một diễn biến khác, ICJ trong cùng ngày 31/1 cũng đưa ra phán quyết rằng Nga vi phạm hiệp ước chống phân biệt đối xử khi không hỗ trợ giáo dục tiếng Ukraine ở Crimea sau khi sáp nhập bán đảo này vào năm 2014. Cụ thể tại bán đảo này, Ukraine cáo buộc Nga đang cố gắng xóa bỏ văn hóa của người dân tộc Tatar và người Ukraine. Tòa án đã bác bỏ tất cả các cáo buộc liên quan đến người Tatar nhưng nhận thấy Moscow chưa làm đủ để hỗ trợ việc giáo dục ngôn ngữ Ukraine.

Quyết định này là một bước lùi về mặt pháp lý đối với Kiev do tòa án bác bỏ yêu cầu của nước này về việc ra lệnh cho Nga bồi thường cho các hành vi vi phạm và chỉ yêu cầu Nga tuân thủ các hiệp ước. Phán quyết của ICJ là cuối cùng và không có kháng cáo, tuy nhiên tòa án không có cách nào để thi hành phán quyết của mình.

Nhận định về kết quả trên, đại diện cho phái đoàn Ukraine Anton Korynevych nhấn mạnh phán quyết này rất quan trọng đối với Kiev vì nó cho thấy Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế. Trả lời các phóng viên sau phán quyết, ông cho biết: “Đây là lần đầu tiên về mặt pháp lý, Nga bị gọi là nước vi phạm luật pháp quốc tế”.

Ngày 2/2 tới, ICJ sẽ tiếp tục ra phán quyết trong một vụ kiện khác, trong đó Ukraine cáo buộc Nga vi phạm Công ước Diệt chủng năm 1948 khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này từ 24/2/2022.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/icj-bac-bo-phan-lon-cac-vu-kien-nga-cua-ukraine-post31463.html