Idlib trước giờ G

Một cuộc chiến tàn khốc được dự đoán chuẩn bị bùng nổ ở Idlib - tỉnh nằm ở miền bắc Syria - nơi được cho là thành trì cuối cùng của phe nổi dậy và các nhóm thánh chiến chống lại chính phủ Syria. Một cuộc chiến mang tầm quốc tế với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Nga và Mỹ.

Khi Idlib trở thành tiêu điểm

Idlib là một tỉnh nằm ở miền bắc Syria, là nơi sinh sống của khoảng 2,9 triệu người, trong đó có 1 triệu trẻ em. Hơn một nửa số thường dân ở Idlib được di tản từ các khu vực khác trước đó do phiến quân kiểm soát. Tỉnh này cũng giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, về phía Bắc, nằm giữa các đường cao tốc chính chạy về phía Nam từ Aleppo tới Hama và thủ đô Damascus, và phía tây đến thành phố ven biển Latakia của Địa Trung Hải. Tuy nhiên, thế giới biết đến Idlib chủ yếu qua việc tỉnh này là thành trì quan trọng cuối cùng của phe nổi dậy và các nhóm thánh chiến nỗ lực lật đổ Tổng thống Assad trong suốt 7 năm qua. Trong đó, đáng quan tâm nhất là Hayat Tahriral-Sham (HTS), một liên minh thánh chiến liên quan đến al-Qaeda kiểm soát các địa điểm quan trọng trên khắp Idlib, bao gồm cả thủ phủ của tỉnh và biên giới Bab al-Hawa với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm này bị Liên Hợp Quốc xếp là tổ chức khủng bố, ước tính có 10.000 chiến binh ở Idlib, bao gồm nhiều người nước ngoài. Bên cạnh đó, Mặt trận Giải phóng Quốc gia do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn (NLF) là liên minh mạnh thứ hai đang kiểm soát Idlib, được thành lập vào năm nay bởi các nhóm khác muốn chống lại HTS. NLF bao gồm nhóm Hồi giáo Ahrar al-Sham và Lữ đoàn Nour al-Din al-Zinki, cũng như những chiến binh khác chiến đấu dưới ngọn cờ của phe đối lập Quân đội Syria Tự do.

Cuộc chiến tại Idlib được dự đoán sẽ gây nên thảm họa nhân đạo lớn.

Chính vì thế, kiểm soát được Idlib sẽ đồng nghĩa với việc khu vực do các nhóm phiến quân kiểm soát ở Syria sẽ đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Trên thực tế, thời gian qua, Idlib bắt đầu trở thành điểm nóng của Syria khi quân đội Syria với sự hậu thuẫn của lực lượng Nga và Iran được cho là chuẩn bị tổng tấn công nhằm giải phóng thành trì cuối cùng do các nhóm vũ trang có liên hệ với lực lượng khủng bố al-Qaeda chiếm đóng. Trong một tuyên bố ngày 19/8 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mô tả Idlib là “điểm nóng cuối cùng của những kẻ khủng bố” và rằng “quan điểm chung của chúng tôi là tụ điểm này phải bị quét sạch”. Về phần “chủ nhà” Syria, ngày 30/8, Ngoại trưởng Walid Muallem tuyên bố ưu tiên của chính phủ hiện nay là “giải phóng” Idlib.

Sẽ là cuộc chiến thảm khốc nhất ở “chảo lửa” Trung Đông?

Theo giới quan sát, cuộc chiến cuối cùng ở Idlib, nếu xảy ra, được dự báo có thể là cuộc chiến thảm khốc nhất từ trước tới nay ở “chảo lửa” Trung Đông. Theo các nguồn tin, trong các diễn biến mới nhất, máy bay Nga đã tiến hành cuộc không kích đầu tiên vào các mục tiêu phiến quân ở tỉnh Idlib của Syria - đúng vào thời điểm Quân đội Syria được cho là đang tập trung chuẩn bị tiến hành một chiến dịch quy mô lớn nhằm giải phóng khu vực chiến lược này. Bên cạnh đó, cơ quan giám sát nhân quyền Syria (SOHR) hôm 2/9 cho biết liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã điều động tổng cộng 150 xe chở các thiết bị hậu cần quân sự qua đường biên giới Simalka sang Syria. Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Black mới đây đã ra lời kêu gọi Nhà Trắng hãy hợp tác với chính quyền Damascus để giúp giải phóng tỉnh Idlib khỏi tay các phiến quân Mặt trận Nusra, vốn là một phân nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Syria.

Trong một diễn biến khác, người phát ngôn bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi ngày 3/9 cho biết, cuộc họp thượng đỉnh của Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Tehran sẽ tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria và khôi phục hòa bình tại Nhà nước Arab này. Ông Qasemi nêu rõ, cuộc gặp ba bên giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani với hai người đồng cấp Vladimir Putin của Nga và Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tổ chức vào ngày 7/9. Theo ông, chống khủng bố tại Syria là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc gặp này.

Tuy nhiên, điều mà cộng đồng quốc tế quan tâm và quan ngại nhất là một thảm họa nhân đạo sẽ xảy ra nếu một chiến dịch quy mô lớn nhằm vào Idlib. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura cảnh báo các phiến quân trong khu vực cần phải bị đánh bại nhưng không phải với cái giá của hàng nghìn dân thường. Liên Hợp Quốc nói rằng, khoảng 800.000 người ở Idlib có thể mất nhà ở, số người cần được viện trợ sẽ tăng đột biến, một làn sóng di cư mới sẽ bùng phát. Ông Mistura cũng kêu gọi các cuộc đối thoại về giải pháp chính trị, hoặc thiết lập một hành lang nhân đạo để cho phép dân thường sơ tán tạm thời đến khu vực an toàn, có thể là một khu vực do chính phủ kiểm soát.

Hà Trang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thoi-su/quoc-te/idlib-truoc-gio-g-44225