IEA nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2022

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 14/9 dự báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể sẽ tăng trở lại trong tháng tới sau những tác động gần đây của biến thể Delta buộc chính phủ các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ trên thế giới phải thực hiện các biện pháp hạn chế hoạt động.

IEA nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu 2022 thêm 100.000 thùng/ngày, lên 99,4 triệu thùng/ngày. (Ảnh: Getty Images)

IEA nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu 2022 thêm 100.000 thùng/ngày, lên 99,4 triệu thùng/ngày. (Ảnh: Getty Images)

Trước đó, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đã giảm 3 tháng liên tiếp trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng tại một số quốc gia đã buộc chính phủ các nước phải áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm kiếm soát dịch bệnh.

Tuy các số liệu được công bố trong báo cáo hàng tháng của IEA cho thấy, nhu cầu dầu toàn cầu trong quý III/2021 giảm trung bình khoảng 310.000 thùng/ngày, IEA vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ trong những tháng cuối năm nhờ những tiến bộ trong sản xuất và tiêm chủng vaccine cũng như các biện pháp hạn chế dần dần được gỡ bỏ tại nhiều quốc gia. Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng lên 1,6 triệu thùng/ngày vào tháng 10 và tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2021.

IEA nâng ước tính nhu cầu dầu toàn cầu năm 2022 thêm 100.000 thùng/ngày, lên 99,4 triệu thùng/ngày. Cơ quan này dự báo nhu cầu toàn cầu có thể tăng thêm khoảng 5,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, song năm 2022 chỉ tăng nhẹ thêm 3,2 triệu thùng/ngày. Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu khoảng 100 triệu thùng/ngày.

Từ nay đến hết năm 2021, IEA dự kiến mức tiêu thụ dầu toàn cầu đạt 99,1 triệu thùng/ngày, cao hơn khoảng 4,7 triệu thùng/ngày so với cuối năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu thùng/ngày so với cuối năm 2019.

Nhìn chung, IEA nhận thấy nhu cầu dầu toàn cầu có thể quay trở lại mức trước đại dịch vào năm 2022, mặc dù đại dịch COVID-19 đã khiến ngành hàng không, vốn là một trong những lĩnh vực tiêu thụ nhiều dầu mỏ nhất phải cắt giảm mức tiêu thụ 1,3 triệu thùng/ngày so với năm 2019.

Cũng theo IEA, thị trường dầu mỏ toàn cầu hiện vẫn chịu tác động bởi siêu bão Ida - siêu bão mạnh nhất đổ bộ vào bang Lousiana (Mỹ) kể từ sau siêu bão Katrina cách đây 16 năm, đã khiến nhiều giàn khoan dầu ngoài khơi ở Vịnh Mexico nước này hiện vẫn phải đóng cửa. Thị trường dầu thô lo ngại nguồn cung dầu bị thiếu hụt trong ngắn hạn khi các hoạt động sản xuất, khai thác dầu ở Vịnh Mexico chưa thể khôi phục, và tình trạng này được nhận định sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2021.

Nhu cầu tiêu thụ dầu thô cũng được kỳ vọng cải thiện mạnh khi tình hình thiếu hụt nhiều loại hàng hóa thiết yếu ở Mỹ, châu Âu sẽ là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất ở khu vực châu Á đẩy mạnh sản xuất nhằm nắm bắt thời cơ của thị trường.

Báo cáo được IEA đưa ra sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 13/9 dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng thêm 4,2 triệu thùng/ngày, lên 100,83 triệu thùng/ngày vào năm tới, vượt mức từng đạt được trước khi bùng phát đại dịch COVID-19 nhờ nỗ lực tiêm chủng vaccine và các nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

OPEC đưa ra dự báo này trong bối cảnh các thành viên thuộc OPEC và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, bắt đầu tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu đang phục hồi.

OPEC+ đã thực hiện các biện pháp mang tính lịch sử vào tháng 4/2020 khi cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong một nỗ lực hỗ trợ giá dầu khi nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Kể từ đó, OPEC+ đã từ từ đưa sản lượng trở lại thị trường, đồng thời nhóm họp mỗi tháng để thảo luận về chính sách sản lượng trong thời gian tiếp theo./.

H.Hà (Theo Reuters,Bloomberg)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/iea-nang-du-bao-nhu-cau-dau-mo-toan-cau-nam-2022-591027.html