Ðiểm sáng nhỏ trong bức tranh tối màu

Việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận thiết lập một khu phi quân sự tại tỉnh Idlib dọc theo đường ranh giới giữa quân đội Chính phủ Syria và các nhóm vũ trang đối lập ở nước này được coi là một thắng lợi ngoại giao giúp giảm căng thẳng. Tuy nhiên, những hành động can thiệp quân sự của bên ngoài tiếp tục khiến cho tình hình Syria diễn biến phức tạp.

Thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp ở thành phố Sochi (Nga) giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan và người đồng cấp Nga V.Putin đã giúp tháo gỡ bất đồng giữa hai nước chung quanh vấn đề Idlib ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại các cuộc tiến công của quân đội Syria do Nga hậu thuẫn ở khu vực này sẽ đe dọa an ninh quốc gia và gây ra làn sóng người tị nạn từ Syria tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thỏa thuận, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phối hợp tuần tra khu vực phi quân sự ở Idlib "nhằm ngăn chặn sự khiêu khích từ bên thứ ba", đồng thời Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường các trạm quan sát trong khu vực phi quân sự. Hai bên cũng nhất trí cần loại bỏ hoàn toàn các nhóm cực đoan ra khỏi Idlib. Bộ trưởng Quốc phòng Nga S.Shoigu cho biết, theo thỏa thuận này, tất cả các nhóm cực đoan gồm tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức khủng bố có trong danh sách của Liên hợp quốc phải rút hết khỏi Idlib trước ngày 15-10.

Trong bối cảnh quân đội Syria dốc tổng lực cho cuộc chiến nhằm giải phóng Idlib, thành trì lớn cuối cùng của phiến quân, một thỏa thuận nhằm bảo đảm an toàn cho dân thường là rất quan trọng. Với khoảng ba triệu dân đang sinh sống ở Idlib, thỏa thuận thiết lập khu phi quân sự ở đây đã giúp hàng nghìn người Syria trở về quê hương. Khoảng 7.000 người đã trở về các thị trấn, làng mạc kể từ khi thỏa thuận được ký. Tuy nhiên, những diễn biến tích cực tại Idlib cũng chỉ là điểm sáng nhỏ nhoi trong tổng thể bức tranh tối màu của cuộc nội chiến ở Syria. Nga và phương Tây đang âm thầm chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu có thể xảy ra ở Idlib. Phương Tây muốn ngăn chặn những bước tiến của quân đội Syria vốn được Nga hỗ trợ trước phiến quân được phương Tây hậu thuẫn.

Những diễn biến gần đây đã đúng như dự đoán về sự can thiệp của bên ngoài vào Syria. Theo các hình ảnh mà Nga thu được, cả Pháp và Israel đều tiến hành không kích vào Syria. Hình ảnh xe bọc thép của Pháp xuất hiện ở Deir ez-Zor của Syria đã được quân đội Mỹ công bố trên mạng xã hội, cho thấy các lực lượng bộ binh Pháp đã hiện diện. Các phương tiện quân sự tương tự từng xuất hiện ở Syria, nhất là tại các vùng lãnh thổ do lực lượng phiến quân được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát như Manbij. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cũng cho biết, các đơn vị pháo binh của quân đội Pháp hoạt động tại một khu vực ở bờ đông sông Euphrates. Anh, Pháp, Mỹ cũng tuyên bố sẽ đưa ra biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn các vụ không kích trước đây mà liên quân từng tiến hành trong trường hợp quân đội Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib. Trong khi đó, truyền thông Syria đưa tin quân đội chính phủ đã phát hiện một số lượng lớn thuốc và vật tư y tế do Israel sản xuất tại một bệnh viện dã chiến của lực lượng phiến quân Hồi giáo Takfiri được nước ngoài tài trợ ở tỉnh Quneitra, khu vực có vị trí chiến lược ở tây nam Syria.

Những cáo buộc về sự can thiệp của bên ngoài đã nhiều lần được Chính phủ Syria và Nga đưa ra. Ðây cũng là vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. Tổng cục Ðiều tra quân sự thuộc Ủy ban điều tra Liên bang Nga đã mở cuộc điều tra hình sự vụ chiếc máy bay quân sự Il-20 của Nga bị bắn rơi trên vùng trời Ðịa Trung Hải hôm 17-9. Nga cáo buộc việc chiếc máy bay quân sự bị hệ thống tên lửa phòng không của Syria bắn trúng là do lỗi của Israel. Nga cho rằng, quân đội Israel đã cố tình tạo ra tình thế nguy hiểm bằng cách lợi dụng chiếc máy bay của Nga như một lá chắn trước hệ thống phòng không S-200 của Syria. Phía Nga xem hành động này của quân đội Israel như hành động thù địch và dự báo vụ việc sẽ là một "vết đen" trong quan hệ hai nước.

Ó thể nói, thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib đã tạm "tháo ngòi" căng thẳng, song tình hình Syria vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các thế lực bên ngoài chưa ngừng nỗ lực can thiệp vào quốc gia Trung Ðông này.

THANH VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37680602-%C3%B0iem-sang-nho-trong-buc-tranh-toi-mau.html