Ðiểm sáng về dạy học và rèn luyện đạo đức

Nằm ở vùng Ðồng Tháp Mười, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, Chi bộ Trường trung học phổ thông (THPT) Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) đã thực hiện tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo, đưa nhà trường trở thành điểm sáng về dạy học và rèn luyện đạo đức.

Hết lòng thương yêu học sinh

Trường THPT Tân Thạnh rộng tới bảy héc-ta, có ký túc xá đủ chỗ cho 300 học sinh. Nhờ đó, các em học sinh ở xa trường hơn 10 km từ các xã Tân Hòa, Tân Ninh có chỗ ở lại. Bên cạnh ký túc xá cao tầng là dãy nhà tập thể cấp bốn của các thầy giáo, cô giáo. Ở giữa có một khu vực để vỏ lon bia, ve chai làm kế hoạch nhỏ giúp học sinh nghèo. Sáng kiến này do các cô giáo trẻ nghĩ ra từ sáu năm trước, sau đó Chi bộ trường ra nghị quyết về việc giúp đỡ học sinh nghèo. Ðoàn Thanh niên trường cũng phát động phong trào "Ðẹp mãi mùa sen", huy động cựu học sinh của trường quyên góp được gần 200 triệu đồng giúp đỡ học sinh nghèo.

Cô giáo Hồ Mai Trí Thệ, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng cho biết: Trường THPT Tân Thạnh thuộc vùng Ðồng Tháp Mười. Trên địa bàn không có nhà máy, xí nghiệp, gia đình các học sinh đều làm nghề nông, nhiều em trở thành lao động chính, vừa làm, vừa học. Ngoài việc dạy dỗ, các thầy giáo, cô giáo còn có nhiệm vụ vận động học sinh đến trường. Ðịnh kỳ, Ban Giám hiệu và giáo viên đến thăm nhà học sinh khó khăn để tìm hiểu, chia sẻ và bàn biện pháp giúp đỡ. Cô Thệ kể về trường hợp em Mỹ Tiên, ở khu phố 3, thị trấn Tân Thạnh rất ngoan, học giỏi nhưng gia đình khó khăn. Sau khi lãnh đạo huyện và trường đến thăm, động viên và trao học bổng, em đã học rất tiến bộ, trở thành sinh viên đại học.

Những buổi tới thăm nhà học sinh thường đem lại nhiều cảm xúc cho các thầy giáo, cô giáo. Lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Linh có học sinh Nguyễn Văn Hồ (ở xã Tân Hòa), thông minh, học giỏi. Khi thấy Hồ ít tới lớp học thêm miễn phí, cô Linh và các thầy giáo đến thăm nhà em. Ngày hôm đó trời mưa lớn, nhà em Hồ nghèo đến mức không có ghế để ngồi. Các thầy giáo, cô giáo rất xúc động, bàn biện pháp giúp đỡ như bố trí cho em ở ký túc xá, nhà trường không thu khoản kinh phí nào, hỗ trợ chi phí đi học thông qua các quỹ tình thương. Ðến nay, em Hồ đã tốt nghiệp đại học. Do có sự quan tâm, chia sẻ thường xuyên giữa thầy giáo, cô giáo với học sinh, số học sinh cá biệt rất ít. Học sinh cũng tự tin hơn khi trao đổi với giáo viên, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, công tác đoàn. Nhiều học sinh vượt khó vươn lên học giỏi.

Trong trường có nhiều giáo viên sẵn sàng dạy kèm học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi miễn phí. Trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thầy giáo, cô giáo vào tận ký túc xá phụ đạo miễn phí cho học sinh lớp 12. Năm học 2016 - 2017, tất cả học sinh của trường đều đỗ tốt nghiệp THPT, 76% học sinh đạt học lực giỏi và khá, tăng gần 10% so với năm học trước. Nhiều em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tỷ lệ bỏ học giảm mạnh trong những năm gần đây.

Nhiều tấm gương sáng

Bên cạnh yêu cầu chuyên môn, Chi bộ nhà trường coi trọng đánh giá đảng viên trong việc nêu cao đạo đức trong sáng, chăm lo học sinh nghèo. Việc đánh giá bám sát phương châm giáo dục "dạy chữ đi đôi với dạy làm người". Nhà trường có nhiều tấm gương thầy giáo, cô giáo giúp đỡ học sinh học yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cô giáo Ðinh Thị Huệ là một đảng viên gương mẫu trong cả chuyên môn và lối sống. Cô Huệ tình nguyện dạy kèm miễn phí nhiều buổi cho học sinh yếu kém, thường xuyên giúp đỡ học sinh nghèo. Lớp 12 C2 do cô làm chủ nhiệm luôn dẫn đầu khối cả về hạnh kiểm và học lực. Mỗi năm học, cô thường dành thời gian đến thăm gia đình các học sinh, tình cảm cô trò rất gần gũi. Ðảng viên trẻ Ðỗ Quốc Mạnh là giáo viên tin học có uy tín về chuyên môn. Nhiều năm liền, thầy Mạnh có học sinh tham dự đội tuyển quốc gia và đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn tin học. Từ năm 2010 đến nay, thầy Mạnh luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhiều cơ quan khen thưởng.

Những năm học gần đây, nhà trường mời cán bộ Tỉnh đoàn tập huấn kỹ năng sống cho học sinh, mời cán bộ tuyên giáo nói chuyện về đề tài biển, đảo. Ðoàn Thanh niên tổ chức nhiều hoạt động về nguồn, văn nghệ, thể thao và giúp đỡ đoàn viên, thanh niên nghèo. Năm học 2016 - 2017, trường đã tổ chức bốn cuộc đối thoại giữa Ban Giám hiệu và cha mẹ học sinh nhằm trao đổi thông tin về thi cử, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh và lắng nghe ý kiến phản hồi của gia đình. Nhờ những nỗ lực ấy, nhà trường đã tạo dựng được không khí dân chủ trong mọi hoạt động. Nói như cô Thệ, hiếm có nơi nào mà tình cảm đồng nghiệp sâu sắc như thế. Tất cả mọi việc đều được chi bộ bàn bạc thật kỹ mới tiến hành. Ðồng chí Phan Văn Hà mới nhận nhiệm vụ Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường nêu cảm nhận: Tập thể Chi bộ, giáo viên của trường rất đoàn kết. Mọi người góp ý với nhau hết sức chân thành, tỉ mỉ trong các cuộc sinh hoạt chi bộ. Chính điều này đã khiến cho tập thể nhà trường trở thành một khối thống nhất.

Từ các phong trào thi đua, năm 2017 trường kết nạp chín đảng viên mới, trong đó có sáu đảng viên là học sinh. Những năm gần đây, Trường THPT Tân Thạnh nằm trong tốp đầu các trường THPT xuất sắc của tỉnh Long An. Từ năm 2016, THPT Tân Thạnh đã trở thành trường THPT đầu tiên vùng Ðồng Tháp Mười đạt chuẩn quốc gia. Tập thể giáo viên của trường và nhiều cá nhân được công nhận là những điển hình tiêu biểu trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: HỒNG HÀ, THANH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35812402-%C3%B0iem-sang-ve-day-hoc-va-ren-luyen-dao-duc.html