Ðiện về phum sóc Sóc Trăng

Trở lại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng lần này, chúng tôi thấy rõ sự thay đổi của vùng đất một thời gian khó. Giờ đây, đêm về - ánh đèn rực sáng khắp các ngôi nhà còn thơm mùi vôi mới; ngày đến - bà con Khmer hăng hái thi đua lao động sản xuất, rộn vang tiếng cười. Ðiện về đến đâu, đời sống của người dân đổi thay đến đó.

Tại vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (huyện Trần Ðề, Mỹ Xuyên, Kế Sách, Cù Lao Dung…) nhiều người dân cho biết: Từ khi có điện về tới phum sóc, con cái được học hành đến nơi đến chốn, người già được xem truyền hình; có điện để trồng trọt, chăn nuôi, mở thêm nhiều nghề mới. Gia đình bác Lâm Buôl ở ấp Tiếp Nhựt, xã Viên An, huyện Trần Ðề được nhà nước hỗ trợ, mắc điện miễn phí, đã mua máy bơm nước sinh hoạt, trồng hành tím; mua máy bơm hơi để sửa xe gắn máy, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình bác đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Những năm qua, đồng bào Khmer được Ðảng và Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để làm ăn. Ông Kim Lươl ở ấp Trà Bết, xã Tham Ðôn, huyện Mỹ Xuyên cho biết: "Gia đình tôi vừa được kéo điện đến tận nhà mà không mất tiền. Nhờ có điện, tôi được xem truyền hình, học hỏi kinh nghiệm và làm theo những mô hình sản xuất có hiệu quả cho nên đời sống bây giờ khá lắm. Mấy đứa nhỏ học hành ban đêm cũng đỡ vất vả hơn trước”.

Vùng đất heo hút nhất của tỉnh Sóc Trăng là Cồn Cỏ ở ấp An Tấn, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách cũng đã có điện. Tại huyện Cù Lao Dung điện cũng đã được kéo về cả những vùng xa xôi nhất. Những năm trước, nơi này còn rất hoang sơ, phần lớn người dân sống bằng nghề nông; cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, dân cư thưa thớt, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhưng từ khi dòng điện đầu tiên vượt con sông Hậu về đến Cù Lao Dung, cung cấp điện cho người dân sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, xứ cù lao hoang sơ ngày nào đã bừng sáng ánh điện, diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày. Ông Lưu Trân ở xã An Thạnh Nhứt xúc động nói: “Gần cả đời người mới nhìn thấy ánh điện. Ðây là mơ ước từ bao đời nay của người dân cù lao".

Không chỉ đưa điện về vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, ngành điện Sóc Trăng còn thực hiện nhiều công trình, dự án kéo điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Hàng nghìn hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng phấn khởi vì đã giảm được chi phí, tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập. Chú Thạch Khêl ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Ðề nói: “Chi phí nuôi tôm của gia đình giảm thấy rõ. Trước đây, tôi sử dụng máy dầu để bơm nước cho bốn ao tôm, một tháng tốn tới 240 lít dầu. Nay có điện, cả tháng chỉ tốn hai triệu đồng, giảm hơn một nửa chi phí”. Ông Trần Văn Són, cùng ấp Mỏ Ó cho biết, trước đây, do không đủ điện nuôi tôm, công suất của các trạm biến áp thấp, cho nên trong số 20 ao nuôi tôm thẻ của ông không thể thả nuôi hết mà chỉ thả luân phiên. Từ khi có thêm dòng điện ba pha đưa vào sử dụng, nâng công suất trạm biến áp, cung cấp đủ điện nuôi tôm, ông đã thả nuôi hết diện tích. Mỗi năm, doanh thu trang trại nuôi tôm của ông tăng lên hàng tỷ đồng. “Khi dự án lưới điện phân phối hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ nuôi trồng thủy sản, chi phí sản xuất nuôi tôm đã giảm rõ rệt, từ đó mang lại lợi nhuận cao hơn”, ông Són chia sẻ.

Giám đốc Công ty Ðiện lực Sóc Trăng Huỳnh Minh Hải cho biết: Khi tái lập tỉnh (tháng 4-1992), Sóc Trăng chỉ có 21 trong số 81 xã, phường, thị trấn với hơn 22 nghìn hộ dân có điện sử dụng, chiếm khoảng 10% tổng số hộ dân trong tỉnh. Ðến nay, Sóc Trăng phát triển lưới điện phủ khắp toàn bộ trung tâm xã, phường, thị trấn với hơn 311 nghìn hộ sử dụng điện, tăng hơn 13 lần so với lúc mới tái lập tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, Công ty Ðiện lực Sóc Trăng đã triển khai nhiều dự án, nổi bật là Dự án Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer. Dự án gồm ba giai đoạn với tổng vốn đầu tư hơn 617,5 tỷ đồng, tổng quy mô thực hiện 478,35 km đường dây trung thế, 1.146,1 km đường dây hạ thế và 823 trạm biến áp có tổng công suất 18.095 kVA. Hiện nay, dự án đã đưa vào vận hành, bảo đảm về chất lượng, kỹ thuật an toàn và cấp điện ổn định cho hơn 45.408 hộ dân. Dự án hoàn thành đã đưa tỷ lệ gia đình có điện trên toàn tỉnh Sóc Trăng lên 99,4%, trong đó tỷ lệ hộ đồng bào Khmer có điện lên tới 91%.

Các hộ dân nằm trong vùng dự án không phải đóng một khoản phí nào, từ đường điện vào nhà đến điện kế, kể cả hệ thống chiếu sáng sinh hoạt sau công-tơ cho mỗi hộ. Dự án đã cung cấp điện ổn định, lưới điện được bảo đảm về kỹ thuật, an toàn điện, tổ chức đưa điện trực tiếp đến các hộ đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng, góp phần giảm giá điện ở nông thôn, đem lại lợi ích lâu dài và bền vững cho người dân.

Bài và ảnh: Ðỗ Nam, Minh Trường

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34645302-%C3%B0ien-ve-phum-soc-soc-trang.html