Ðiều chỉnh nội dung dạy học đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Năm học 2020 - 2021, ngành giáo dục thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS và THPT. Ðiều chỉnh này một mặt vừa tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, mặt khác bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và tiếp cận chương trình GDPT mới.

Năm học 2020 - 2021, ngành giáo dục thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS và THPT. Ðiều chỉnh này một mặt vừa tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, mặt khác bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và tiếp cận chương trình GDPT mới.

Trước thực trạng một số môn học có nội dung trùng lặp, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã có hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS và THPT để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Hữu Ðộ cho biết, cấp trung học sẽ điều chỉnh nội dung dạy học 10 môn học, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Ðịa lý, Giáo dục công dân để thực hiện trong đầu năm học 2020 - 2021. Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành; tích hợp một số nội dung thành các chủ đề; điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Ðó là "không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn; không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu, khuyến khích học sinh tự đọc, tự làm, tự thực hiện".

Ðối với các môn học, hoạt động giáo dục còn lại, Bộ GD và ÐT yêu cầu tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 5842 (năm 2011) về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học GDPT. Các môn học theo chương trình nâng cao ở cấp THPT và các lớp học theo mô hình trường học mới, cơ sở giáo dục trung học căn cứ yêu cầu chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp. Căn cứ vào chương trình GDPT hiện hành và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học mới, sở GD và ÐT các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và cơ sở giáo dục.

Ðể điều chỉnh nội dung dạy học hiệu quả, ngay khi bước vào năm học mới, các trường THCS và THPT xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp thực tế địa phương. Cô Nguyễn Thị Hoài Ninh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Lý Thái Tổ (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, việc điều chỉnh nội dung dạy học là phù hợp, hướng tới tạo nên mối liên kết giữa các nội dung, tác phẩm trong chương trình. Thay vì dạy từng bài theo trình tự như trước đây, năm học này, giáo viên nghiên cứu, nhóm lại các bài học theo chủ đề. Một số tác phẩm có tính tương đồng sẽ được tích hợp, tinh giản để dạy theo chủ đề; trang bị thêm một số kỹ năng cần thiết cho học sinh. Bên cạnh xây dựng bài học theo hướng tích hợp, dạy theo chủ đề, giáo viên chủ động tinh giản nội dung dạy học không thật sự cần thiết, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng cho học sinh khi đứng trước một dạng bài học, đề thi có thể xử lý được.

Khi xây dựng kế hoạch dạy học, mỗi giáo viên phải nghĩ cách làm sao khai thác theo hướng mới, cũng bài đó nhưng phải thêm một số kỹ năng, dạy học sinh không chỉ hiểu mà còn biết cách tiếp cận. Việc điều chỉnh nội dung dạy học nhằm thích ứng việc dạy gắn với hình thức đổi mới thi, nhất là ngày càng nhiều bài thi trắc nghiệm. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội), Ban Giám hiệu đã giao các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học. Ðiểm thuận lợi trong quá trình thực hiện là các nhà trường được giao quyền tự chủ trong xây dựng kế hoạch dạy học, cho nên việc điều chỉnh nội dung dạy học không gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, theo cô giáo Vũ Hạnh Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội), việc điều chỉnh nội dung dạy học không phải giảm thời gian dạy. Tinh thần điều chỉnh nội dung dạy học từ nay đến khi kết thúc chương trình, sách giáo khoa hiện hành là làm sao có sự giao thoa hai chương trình cũ - mới để bố cục lại. Giáo viên cũng sẽ được giảm bớt một số nội dung không nằm trong chương trình GDPT mới thì tinh giản, không dạy nội dung đó. Từ yêu cầu của Bộ GD và ÐT, nhà trường yêu cầu giáo viên đọc kỹ yêu cầu hướng dẫn; rà soát các văn bản cũ-mới để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, nhanh chóng, có thể thực hiện ngay vào đầu năm học. Nhà trường đã hướng dẫn các thầy giáo, cô giáo giảm những lượng kiến thức chứ không giảm thời gian dạy học.

Tại tỉnh Thái Bình, Phó Trưởng phòng GD và ÐT huyện Thái Thụy Bùi Ðức Thụy cho biết, căn cứ hướng dẫn thực hiện các nội dung điều chỉnh, khung kế hoạch thời gian năm học, hiệu trưởng các trường THCS chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, sắp xếp các chủ đề, bài học, phân bố thời lượng sao cho phù hợp, bảo đảm sự thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động học tập và kiểm tra đánh giá người học. Phòng GD và ÐT yêu cầu các trường nộp kế hoạch dạy học học kỳ I các bộ môn (từ lớp 6 đến lớp 9) ngày 5-9; kế hoạch dạy học học kỳ II ngày 7-1; trường nào xây dựng xong có thể nộp kế hoạch dạy học của cả năm học ngày 5-9. Theo báo cáo của các trường, việc điều chỉnh nội dung dạy học và xây dựng kế hoạch nhà trường sẽ hoàn tất vào đầu năm học.

QUÝ TÙNG và THÀNH MAI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/ieu-chinh-noi-dung-day-hoc-dap-ung-nhu-cau-thuc-tien-615958/