IFAD cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giảm nghèo

Trong 25 năm qua, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã hỗ trợ triển khai 15 dự án phát triển nông thôn lớn tại Việt Nam với tổng ngân sách là 565,4 triệu USD, trong đó IFAD đầu tư 377,5 triệu USD. Các dự án này đã trực tiếp mang lại kết quả cho hơn 748.470 hộ gia đình nông thôn được thụ hưởng tại 11 tỉnh trong cả nước.

Ngày 22/5, lễ kỷ niệm 25 năm quan hệ hợp tác giữa Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế và Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, ông Donal Brown, Phó Chủ tịch IFAD cho biết: “Việt Nam đã có bước nhảy vọt ấn tượng về chuyển đổi kinh tế. Trong một khoảng thời gian ngắn, GDP trên đầu người đã tăng từ 230 USD năm 1985 lên 2.340 USD năm 2017. Sự tăng trưởng này cũng khá bao trùm với tỷ lệ nghèo giảm từ 60% tổng dân số ở giữa thập niên 80’ xuống dưới 10% trong năm 2016”.

Nông thôn Việt Nam có tới hơn 70% dân số và cũng là nơi các nỗ lực xóa đói giảm nghèo cần được tăng cường. Chiến lược và chương trình đầu tư hiện tại của IFAD nhằm mục đích hướng đến đổi mới, phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo, cải cách sâu sắc thể chế và chính sách ở cấp tỉnh, nâng cao khả năng của các hộ nông dân nghèo và giúp họ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Công bố tem kỷ niệm 25 năm hợp tác giữa IFAD và Việt Nam

Công bố tem kỷ niệm 25 năm hợp tác giữa IFAD và Việt Nam

Ông Thomas Rath, Giám đốc IFAD Việt Nam chia sẻ: Chương trình của chúng tôi tại Việt Nam không chỉ cung cấp tài chính, phát triển nông thôn và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chúng tôi còn rất quan tâm đến yếu tố con người. IFAD là một tổ chức lấy người dân làm trung tâm. Chúng tôi đầu tư vào người dân nông thôn và tập trung vào các hoạt động có tác động mạnh mẽ nhất đến nghèo đói ở khu vực nông thôn. IFAD xin ghi nhận sự đóng góp, nỗ lực của hàng trăm các tổ chức đối tác, hàng ngàn tác nhân thay đổi và những nhà nông điển hình, họ chính là những người đã đồng hành cùng chúng tôi, những người đã chiến thắng và là một phần của sự thay đổi quan trọng trong lịch sử”.

Mặc dù có sự tiến bộ ấn tượng trong việc chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam trong một khoảng thời gian ngắn, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Những cư dân nông thôn với khoảng một phần ba dân số, tương đương 30 triệu người, vẫn là những nhóm dễ bị tổn thương hơn khi khoảng cách phát triển gia tăng giữa nông thôn và thành thị. Những người nghèo và cực nghèo thường nằm trong các nhóm dân tộc thiểu số, sinh sống ở các vùng cao.

Đánh giá cao những đóng góp của IFAD tại Việt Nam, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đóng góp, cộng tác cùng với IFAD trong những nỗ lực chung để xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển nông nghiệp tại Việt Nam. Dựa trên những thành công ban đầu của hai bên, điều tối quan trọng đối với Việt Nam là đẩy mạnh và nhân rộng các biện pháp can thiệp, những mô hình điển hình đã chứng minh tính hiệu quả và có tác động mạnh mẽ ở 11 tỉnh địa bàn dự án. Điều quan trọng không kém là khuyến khích thêm nhiều nữ giới tham gia vào quá trình phát triển và đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ngày nay, Việt Nam đã trở thành điển hình về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và là trung tâm sản xuất ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, với tỷ lệ dân cư cao sống ở nông thôn và với một khu vực nông nghiệp sôi động, những hộ kinh tế nhỏ lẻ có thể có những đóng góp đáng kể cho tăng trưởng bền vững, cung cấp nhiều việc làm nông thôn cũng như nguyên liệu thô cho kinh doanh nông nghiệp.

IFAD đã và đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển để hỗ trợ và đóng góp cho các nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam. “IFAD cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong những năm tới để hỗ trợ cho nỗ lực giảm nghèo ở mọi khía cạnh và hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc đến năm 2030, đặc biệt là mục tiêu số 1: Không còn sự đói nghèo” - ông Donal Brown khẳng định.

IFAD đã bắt đầu các hoạt động chương trình đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1993, trong những năm bản lề của Đổi Mới. IFAD là một tổ chức tài chính quốc tế và là cơ quan chuyên môn về nông nghiệp của Liên hợp quốc có trụ sở tại Rome. IFAD đầu tư vào người dân nông thôn, trao quyền cho họ để giảm nghèo, tăng cường an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và tăng cường khả năng thích ứng của họ đối với biến đổi khí hậu.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ifad-cam-ket-tiep-tuc-ho-tro-viet-nam-giam-ngheo-120043.html