IFC rót 52 triệu USD vào một tập đoàn chăn nuôi lớn tại Việt Nam và câu chuyện nền chăn nuôi bền vững từ những chú heo vui vẻ

Khi được nuôi trong chuồng lớn theo nhóm, heo được đi lại tự do, chạy nhảy, vận động, sẽ 'happy' hơn, và chất lượng thịt heo tốt hơn, Chủ tịch Mavin cho biết. Mavin vừa nhận được khoản đầu tư 52 triệu USD từ IFC dưới hình thức cổ phần phổ thông, để phát triển 3 trang trại với quy mô hơn 200 ha tại 3 tỉnh Gia Lai, Nghệ An, Đồng Tháp…

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Quỹ Châu Á Mới nổi IFC thuộc Công ty Quản lý Tài sản IFC vừa công bố rót 52 triệu USD vào CTCP Tập đoàn Mavin – một trong 5 công ty chăn nuôi lớn nhất tại Việt Nam - dưới hình thức cổ phần phổ thông.

Cụ thể, khoản đầu tư của IFC sẽ hỗ trợ Mavin phát triển 3 trang trại chăn nuôi heo gồm:

- Trang trại quy mô 62 ha tại huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai;

- Trang trại quy mô 100 ha tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An;

- Trang trại quy mô 45 ha tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Bên cạnh hỗ trợ về tài chính, IFC cũng sẽ tư vấn và hỗ trợ Tập đoàn Mavin tiên phong cải tiến các điều kiện về phúc lợi động vật bao gồm triển khai và áp dụng mô hình chăn nuôi heo theo nhóm, giúp cải thiện thông lệ chăn nuôi tại Việt nam, đáp ứng và phù hợp với tiêu chuẩn của Châu Âu về phúc lợi động vật.

"Chúng tôi sẽ phát triển mô hình chăn nuôi heo theo nhóm (group housing) trong các trang trại của Mavin, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về phúc lợi động vật. Với sự hỗ trợ của IFC, chúng tôi tin rằng Mavin sẽ là một trong những công ty đầu tiên ở Việt Nam áp dụng chăn nuôi heo theo nhóm, góp phần nhân rộng mô hình chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn phúc lợi động vật trong toàn ngành", ông David John Whitehead - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin - cho biết.

Ngành chăn nuôi heo Việt Nam vẫn chủ yếu là mô hình nhỏ lẻ, hộ gia đình, nơi người nông dân nuôi heo theo kinh nghiệm ông cha để lại

Chia sẻ với chúng tôi, ông David cho biết, điểm yếu nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam là vẫn bám theo mô hình nuôi heo truyền thống, chủ yếu nuôi heo ở các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình, nơi mà người nông dân học hỏi kinh nghiệm nuôi từ ông bà, cha mẹ, chứ ít tiếp cận vơi tri thức từ bên ngoài.

"Vì vậy, họ không biết cách phòng chống, xử lý với dịch bệnh, cũng không biết được các tiêu chuẩn thị trường yêu cầu về vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm cũng như an toàn sinh học. Khi xảy ra vấn đề dịch bệnh, hay khủng hoảng, thường sẽ gây đứt gãy trong chuỗi sản xuất", ông David nhìn nhận.

"Chúng tôi biết rằng ở Việt Nam, một nửa lượng thịt heo được sản xuất từ các mô hình nhỏ lẻ", ông Daryll Dong, Quyền Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào - cho biết.

"Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ này chắc chắn không thể đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, an toàn sinh học tốt – điều chỉ có được nếu nhân thành các mô hình chăn nuôi lớn. Thách thức ở đây là chăn nuôi nhỏ lẻ dễ tổn thương trước dịch bệnh và các khó khăn khác. Vì thế, cũng mang lại rủi ro rất lớn cho vấn đề an toàn thực phẩm của Việt Nam, bởi chúng tôi biết đa số nguồn đạm trong các bữa ăn của người dân Việt Nam đến từ thịt heo".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành nông nghiệp Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp lớn. Xét về số lượng, doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Theo thống kê, hiện Việt Nam có 14.400 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên tổng số 800.000 doanh nghiệp trên thị trường.

Nền chăn nuôi bền vững từ những chú heo vui vẻ

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một trong những vấn đề của mô hình chăn nuôi heo nhỏ lẻ là khi được nuôi trong chuồng nhỏ ở các cơ sở nhỏ lẻ, heo sẽ không vui (happy) lắm khi không có chỗ chạy nhảy, vận động. Nếu nuôi theo nhóm ở các chuồng lớn, heo được đi lại tự do, chạy nhảy, sẽ “happy” hơn.

"Khi heo vui hơn thì chất lượng thịt heo sẽ tốt hơn, và người dân tiêu thụ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, trong khi người nuôi xử lý tốt hơn các vấn đề về chất thải và môi trường", ông David nói.

Mavin hình thành từ năm 2004, xuất phát điểm là một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ ở Hưng Yên. Với một số ít công nhân, dây chuyền sản xuất cũ, giấc mơ hoàn thiện chuỗi giá trị từ nông trại đến bàn ăn (Farm to Table) tưởng chừng như là không thể thực hiện được, Chủ tịch Mavin nhớ lại.

"Lần đầu tiên tôi có cuộc thảo luận về khả năng hợp tác hai bên với ông Kyle Kelhofer, khi đó là Giám đốc quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia, và Lào, vào tháng 12/2020. Khi đó, chúng tôi đã nói chuyện không nhiều về các lựa chọn tài chính mà trao đổi nhiều hơn về các dịch vụ tư vấn đồng thương hiệu, và các khả năng hợp tác trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam".

"Khi thảo luận sâu hơn nữa, chúng tôi nhận ra chúng tôi có cơ hội phát triển ngành chăn nuôi, các kỹ thuật đẩy lùi dịch tả heo Châu Phi và các phương thức chăn nuôi hiện đại bao gồm cả phúc lợi động vật và chăn nuôi heo nái theo nhóm", ông David chia sẻ.

Với sự hỗ trợ của IFC, đến năm 2025, dự kiến quy mô đàn heo giống của Mavin sẽ tăng lên 7.500 con heo cụ kị (GGP) và ông bà (GP), đạt tổng số là 15.600 con; quy mô đàn heo bố mẹ (PS) tăng lên 72.000 con, đạt tổng 87.400 con. Số lượng đàn giống tăng lên như trên sẽ làm quy mô các trang trại chăn nuôi heo thịt thương phẩm tăng lên gấp 3 lần, đạt khoảng 150 trang trại, tăng năng lực cung cấp của Mavin cho thị trường lên khoảng 900.000 heo thịt mỗi năm.

"Khoản đầu tư vào Mavin là một phần trong nỗ lực ứng phó khủng hoảng chung của IFC đối với Dịch tả heo Châu Phi vốn lây lan nhanh và gây chết heo hàng loạt, có nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh lương thực, đặc biệt tại một quốc gia như Việt Nam, nơi mà thịt heo là nguồn đạm động vật chủ yếu", ông Daryll Dong, Quyền Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào chia sẻ.

Hiện Mavin có 2.600 nhân sự, hoạt động khép kín trong các lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi (Mavin Feed), chăn nuôi (Mavin Farm), chế biến thực phẩm (Mavin Foods) và sản xuất thuốc thú y (Mavin Vet). Việc hoạt động theo chuỗi khép kín của Mavin là một lợi thế giúp Tập đoàn tối ưu hóa chi phí sản xuất và kiểm soát chặt chẽ an toàn sinh học.

Bảo Bảo

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ifc-rot-52-trieu-usd-vao-mot-tap-doan-chan-nuoi-lon-tai-viet-nam-va-cau-chuyen-nen-chan-nuoi-ben-vung-tu-nhung-chu-heo-vui-ve-520221551277503.htm