IL-20 của Nga bị bắn hạ: Tổng thống Putin cảnh báo khả năng đáp trả

Vụ máy bay quân sự của Nga bị bắn hạ trong lúc lực lượng phòng không Syria đang đáp trả một cuộc không kích của Israel, khiến toàn bộ 15 người trên khoang thiệt mạng, là hậu quả của 'một chuỗi các tình huống tai nạn thảm kịch'- Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá về sự việc.

Máy bay Il-20M của Nga.

Bình luận về sự việc trong hôm 19/9, Tổng thống Putin nói rằng vụ máy bay Il-20 của Nga bị bắn hạ đã chỉ rõ mối nguy hiểm do xung đột lợi ích của nhiều thế lực đang hoạt động trên bầu trời của Syria, đồng thời đe dọa tới quan hệ an ninh giữa Nga và Israel. Ông cũng cảnh báo về khả năng đáp trả.

Trong một nỗ lực nhằm duy trì mối quan hệ với Nga, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin dể bày tỏ sự thương tiếc đối với toàn bộ phi hành đoàn của Nga thiệt mạng, đổ lỗi cho lực lượng quân đội Syria trong vụ bắn nhầm và đề nghị cử Tư lệnh không quân Israel tới Moscow để chia sẻ thông tin về vụ việc.

Đổ lỗi lẫn nhau

Quân đội Nga cho hay chiếc Il-20 của họ bị bắn hạ trong hôm 18/9 ở vị trí cách bờ biển 35 km khi đang trở về một căn cứ không quân ở Syria. Vụ việc sau đó làm dấy lên làn sóng đổ lỗi giữa Israel và Nga.

Quân đội Israel cho hay các phi cơ chiến đấu của họ đang tấn công một cơ sở quân sự của Syria chuyên cung cấp vũ khí cho lực lượng Hezbollah mà Iran hậu thuẫn, thêm rằng họ đã thông báo trước với Nga về cuộc tấn công này. Họ cũng nói rằng quân đội Syria đã phóng tên lửa đáp trúng chiếc Il-20 khi mà tất cả phi cơ chiến đấu của họ đã trở về không phận Israel.

Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Nga nói rằng Israel đưa ra cảnh báo chỉ chưa đầy 1 phút trước khi thực hiện cuộc tấn công, khiến máy bay Nga không kịp thoát khỏi vùng nguy hiểm. Họ cũng nói rằng quân đội Israel đã lợi dụng máy bay Nga để làm lá chắn nhằm tránh hàng phòng thủ trên không của Syria, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả.

“Phi công Israel đã sử dụng máy bay Nga như một tấm lá chắn và đẩy máy bay này vào tầm bắn của hệ thống phòng không Syria”- Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov, cho hay.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Avigdor Lieberman để nói rằng “phía Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” trong vụ máy bay Nga bị bắn hạ, và cảnh báo rằng Nga “có quyền đáp trả”.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã đưa ra một quan điểm thận trọng hơn khi mô tả vụ việc trên là “một chuỗi các tình huống tai nạn thảm kịch”. Trong cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước, ông Putin nói với ông Netanyahu rằng cuộc tấn công mà Israel thực hiện đã vi phạm chủ quyền của Syria và vi phạm thỏa thuận giảm thang xung đột giữa Nga và Israel. Ông kêu gọi phía Israel “không cho phép tình huống tương tự xảy ra lần nữa”- theo Điện Kremlin.

Ông Putin cũng nói rằng Nga sẽ phản ứng bằng cách “có thêm hành động nhằm bảo vệ nhân sự và tài sản quân sự” của họ ở Syria.

Chuỗi sự kiện khiến Il-20 bị bắn hạ

Theo Hãng RT của Nga, chiếc máy bay do thám Il-20M “đã biến mất khỏi radar” khi cuộc tấn công của Israel diễn ra tại khu vực thành phố ven biển phía Bắc Syria, Latakia.Được NATO gọi là “Coot” (Chim sâm cầm), chiếc máy bay 4 động cơ này được thiết kế từ những năm 1960. Vai trò của Il-20M trong lực lượng quân sự Nga cũng giống như chiếc máy bay do thám P-3C Orion của Mỹ.

Vào thời điểm vụ việc xảy ra, chiếc Il-20M dường như đang theo dõi các chiến hạm của NATO hoạt động trong khu vực phái Đông biển Địa Trung Hải.

Il-20M có vận tốc tối đa 600 km/giờ. Dù được trang bị nhiều radar và bộ cảm ứng, nhưng nó lại không có các hệ thống tự vệ, bởi vậy không thể phát hiện hay tránh được một quả tên lửa đang di chuyển nhanh. Trong khi hệ thống tên lửa đã bắn hạ Il-20M - S-200 - là hệ thống tên lửa đất-đối-không mạnh mẽ với tầm bắn xa và độ cao lớn.

Nga hiện đang sở hữu các căn cứ quân sự và hải quân ở các tỉnh ven biển của Syria, bao gồm Latakia và Tartus. Trong một động thái hiếm hoi, phía Israel đã xác nhận rằng cuộc tấn công nhằm vào thành phố này được thực hiện bởi lực lượng quân sự của họ, nhằm vào lực lượng Hezbollah mà Iran hậu thuẫn.

Tên lửa S-200 trong một cuộc tập trận. (Nguồn: AP).

Bắn nhầm

Các vụ bắn nhầm vốn không phải điều mới mẻ - bất chấp thực tế rằng hệ thống Nhận diện Bạn và Thù (IFF) đã xuất hiện từ lâu. Vào năm 2014, một hệ thống tên lửa do Nga sản xuất đã bắn nhầm chuyến bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia trên không phận Ukraine. Một giả thuyết cho rằng chiếc Boeing 777 bị nhầm với máy bay chuyên trở AN-26 của lực lượng không quân Ukraine.

Năm 1998, tàu khu trục USS Vincennes của Mỹ đã bắn hạ một chiếc máy bay chở khách Airbus A300 của Hãng hàng không Iran. Hệ thống tên lửa Aegis của con tàu này đã xác định nhầm chiếc máy bay trên với một phi cơ chiến đấu F-14 Tomcat của không quân Iran.

Trước khi vụ việc Il-20 bị bắn hạ xảy ra, Nga đã mất ít nhất 7 phi cơ chiến đấu và 7 trực thăng trong cuộc chiến ở Syria. Vụ việc một máy bay Nga bị phi cơ chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vào tháng 11/2015 cũng khiến cho Moscow và Ankara rơi vào thế đối đầu quân sự, nhưng sau đó cả hai bên đã đàm phán tích cực và cùng với Iran ký kết một loạt thỏa thuận giảm thang căng thẳng ở Syria.

Ảnh hưởng tiềm tàng

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - người vẫn duy trì mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Putin và thường xuyên công du tới Nga để đối thoại về vấn đề Syria - luôn nhấn mạnh về sự cần thiết trong việc phối hợp hành động giữa hai nước trên lãnh thổ Syria. Nhưng cùng lúc, ông Netanyahu cũng nhấn mạnh rằng Israel sẽ không thể để lực lượng quân sự thân Iran hiện diện ở Syria.

Israel hiện không đứng về bên nào trong cuộc nội chiến Syria, nhưng vẫn thực hiện hàng loạt vụ không kích nhằm vào nước thù địch Iran và lực lượng Hezbollah ở Syria. Tính đến nay, Israel đã thực hiện khoảng 200 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu Iran ở Syria. Israel và Nga, trong khi đó, duy trì một đường dây nóng để tránh đụng độ giữa lực lượng quân sự hai bên.

Trong khi đó, Moscow hiện duy trì quan hệ hữu hảo với cả Israel và Iran. Hồi tháng 7 năm nay, Moscow tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận với Iran, trong đó các lực lượng thân Iran phải tránh xa khu vực Cao nguyên Golan 85 km, nhằm xoa dịu mối quan ngại an ninh của Israel. Ngoài ra, Nga cũng tạm dừng kế hoạch trang bị cho quân đội Syria hệ thống phòng không tầm xa S-300 - được xem là sẽ đe dọa phi cơ chiến đấu của Israel - để xoa dịu quan ngại của nước này. Tuy nhiên, vụ Il-20M của Nga bị bắn hạ có thể thay đổi điều đó.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/il-20-cua-nga-bi-ban-ha-tong-thong-putin-canh-bao-kha-nang-dap-tra-tintuc417570